- Chỉ rõ tiềm năng của TPHCM từng được coi là "hòn ngọc Viễn Đông", ĐBQH cho rằng có một cảng hàng không trung chuyển quốc tế là "mơ ước và mong muốn" của khu vực phía Nam. Có cảng quốc tế, người VN sẽ không phải quá cảnh ở sân bay Bangkok (Thái Lan) hay Singapore.

Tại phiên họp tổ của QH chiều 4/11 về dự án sân bay Long Thành, đặt lên bàn cân tiểu li đánh giá, các ĐBQH đã có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều dù không nghi ngờ về tiềm năng, lợi ích, sự cần thiết phải có một cảng hàng không trung chuyển quốc tế của khu vực.

Nhưng trước hết là sự mong ngóng đan xen băn khoăn.

'Nợ thì phải nợ'

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) kể lại lần đầu tiên đi TPHCM, ông đã hạ cánh đúng khi trời mưa. Đến giờ ông vẫn nhớ cảm giác nhìn ra cửa máy bay, cảm thấy chiếc cánh như quệt vào nóc nhà bên dưới. Một đồng nghiệp đi cùng đã "toát mồ hôi vì sợ". Nên dù thừa nhận sân bay gần trung tâm, tiện lợi nhưng ông vẫn thấy sợ nếu phải "nói dại" nhỡ có cú tai nạn nào xảy ra thì thật thảm khốc. Mong muốn có một sân bay xa trung tâm thành phố, xa dân cư là có thật.

{keywords}

ĐB Nguyễn Anh Sơn. Ảnh: Minh Thăng

Để khắc phục sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, theo ĐB, miền Nam cần một sân bay ở chỗ khác và Long Thành là địa điểm thực sự phù hợp. "Tôi tán thành đất nước phải có đầu tư" - ĐB nói.

Tuy nhiên, ĐB này cũng lưu ý dù dự án đang xin ý kiến chủ trương của QH nhưng báo cáo của Chính phủ vẫn thiên về khả năng có thể thực hiện, sự thuận lợi nhiều hơn. ĐB đề nghị báo cáo của Chính phủ phải nhìn rõ hạn chế, khó khăn.

"Nếu ấn nút làm luôn là câu chuyện khó trong bối cảnh nguồn tài chính cụ thể. Nhưng tôi ủng hộ nhất trí thông qua chủ trương, tiến hành thủ tục đầu tiên cho việc xây dựng cảng hàng không, còn thời gian, quy mô cụ thể thì cân nhắc giai đoạn tiếp theo" - ĐB Sơn phát biểu.

Cũng ủng hộ dự án phải được xúc tiến sớm, ĐB Phạm Văn Gòn (TPHCM) dứt khoát "cần phải xây dựng" và "nợ thì phải nợ".

"Chúng ta phải có sân bay tầm cỡ quốc tế. Các sân bay trước 1975 mở rộng rất khó. Chúng ta tính tiếp việc nợ, không phải làm ngay mà có phương án chi tiết hơn, hạn chế thấp nhất tham nhũng, để người dân, thế hệ mai sau hưởng thụ. Đến 2020 phải làm, tốt hơn là 2016-2017" - ông cho ý kiến.

Báo cáo vẫn lạc quan

Nhìn ở góc vĩ mô hơn, ĐB Lê Minh Trọng (Tây Ninh) chỉ rõ tiềm năng của TPHCM từng được coi là "hòn ngọc Viễn Đông", là ngã tư quốc tế đường hàng không của khu vực, do đó một cảng hàng không trung chuyển quốc tế là "mơ ước và mong muốn" của khu vực phía Nam, nếu chậm trễ xây dựng sẽ làm ngưng sự phát triển của khu vực này.

Ông cũng cho rằng, có cảng quốc tế, người VN bay đi quốc tế sẽ không phải "transit" (quá cảnh) ở sân bay Bangkok (Thái Lan) hay Singapore. ĐB thúc giục đây là việc "cần làm ngay", kể cả tại kỳ họp này cho chủ trương mà Chính phủ làm chậm cũng sẽ khó khăn cho sau này.

Sân bay Tân Sơn Nhất đã mất lợi thế từng là sân bay tốt nhất Đông Nam Á vì sự quá tải, không còn mở rộng được nữa do bao quanh toàn vùng cấm bay. Tuy vậy, ông Trọng vẫn cảm thấy báo cáo của Chính phủ "rất lạc quan" và mong muốn được biết rõ chi tiết đầu tư từng giai đoạn, tại sao và xu thế làm thế nào.

ĐB Hà Ngọc Chiến (Cao Bằng) đánh giá Chính phủ đã chuẩn bị báo cáo về dự án gửi QH rất chu đáo. Đồng tình chủ trương đầu tư dự án Long Thành, ĐB mong ngoài chuyện giảm tải cho Tân Sơn Nhất thì còn có sân bay xứng tầm một quốc gia có 100 triệu dân (2020) và cũng để thực hiện 3 đột phá chiến lược trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, ĐB kỳ vọng Chính phủ phải làm rõ thêm một số vấn đề liên quan tính toán lượng hành khách, hàng hóa. Ông muốn có con số dự báo thuyết minh thuyết phục hơn. Ngoài ra cần làm rõ thêm so sánh khi xây dựng Long Thành rồi thì phía Bắc, sân bay Nội Bài trong sử dụng năng lực vận tải hàng hóa hành khách ra sao, để qua đó xác định quy mô tương xứng của Long Thành trong từng giai đoạn phù hợp.

Dù mong ngóng nhưng ông cũng băn khoăn đất nước đang trong giai đoạn khó khăn, kinh tế mới có dấu hiệu phục hồi, nhất là tình hình quốc tế, khu vực, Biển đông khó lường, nợ công tăng cao, huy động ODA xu hướng giảm dần, đầu tư TPP hiện chưa thành hiện thực nên việc xác định rõ nguồn vốn cho từng giai đoạn cần có đánh giá khả năng, hiệu lực để thấy dự án khả thi.

X.Linh - C.Quyên - T.Chung - H.Nhì

Tiếp: Sân bay Long Thành - tiền đâu?