Báo chí xây dựng niềm tin

Báo cáo tin tức số ấn bản thứ 10 năm 2021 đã được Viện Nghiên cứu báo chí Reuters công bố hôm 23/6. Dựa trên khảo sát trực tuyến 92.000 người đọc ở 46 thị trường khác nhau, Reuters đã cung cấp một cái nhìn triển vọng về ngành xuất bản tin tức trong mùa dịch Covid-19.

Theo đó, niềm tin vào tin tức báo chí đã tăng 6 điểm so với năm 2020, với 44% tổng số người được hỏi đặt niềm tin vào báo chí. Trong đó, Phần Lan là nước có niềm tin cao nhất (44%) trong khi Mỹ có niềm tin thấp nhất (29%) vào tin tức báo chí.

{keywords}
Niềm tin vào báo chí đã tăng trở lại so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Báo cáo dài 164 trang và 192 trang slide cũng chỉ ra rằng, niềm tin vào tin tức từ tìm kiếm và mạng xã hội là không đổi, từ đó cho thấy khoảng cách niềm tin với báo chí, đặc biệt là nguồn báo chí chính thống và báo chí thu phí đã tăng lên.

Tuy nhiên, Reuters cũng nhìn thấy một xu hướng không thể đảo ngược là báo in tiếp tục suy giảm do tác động của cách ly xã hội với ngành xuất bản. Đồng thời, người trẻ vẫn có xu hướng tìm kiếm tin tức trên mạng xã hội cao hơn các ngành truyền thống như TV hay báo giấy. 

Dữ liệu của Reuters cho thấy, tin tức chính thống thu hút sự chú ý nhiều hơn cả Facebook và Twitter, nhưng vẫn kém so với nguồn tin phát tán bởi người nổi tiếng trên các nền tảng như TikTok, Snapchat hay Instagram.

{keywords}
Mạng xã hội như Facebook hay WhatsApp (thuộc sở hữu của Facebook) vẫn là nơi phát tán tin giả nhiều nhất.

Đây cũng là lý do nguồn phát tán tin giả lây lan mạnh mẽ trên các nền tảng như WhatsApp hay Facebook. Báo cáo thấy rằng, tin giả có dấu hiệu tăng cao hơn trong năm 2021, trong đó 54% người được hỏi nhìn thấy tin giả về Covid-19, 43% nhìn thấy tin giả về vấn đề chính trị, 29% nhìn thấy tin giả về người nổi tiếng, 20% nhìn thấy tin giả về biến đổi khí hậu.

Cơ hội cho báo chí thu phí?

Tỷ lệ trả tiền cho báo chí cũng có xu hướng tăng nhẹ trong năm qua dù vẫn còn ở mức thấp. Có 17% người tham gia khảo sát đã trả tiền cho tin tức báo chí trong năm qua, trong đó tỷ lệ ở Mỹ là 21%, Hà Lan là 17%, trung bình ở các nước Bắc Âu là 28% với Na Uy (45%) tiếp tục dẫn đầu theo sau là Thụy Điển (30%). 

Những nước phát triển của G7 như Pháp (11%), Đức (9%) và Vương quốc Anh (8%) lại có tỷ lệ người đọc trả tiền thấp đến ngạc nhiên.

Trong khảo sát của mình, Reuters từng cảnh báo về việc các ông lớn thu phí sẽ giành hết thị phần của thị trường báo chí trả tiền (winner-takes-all). Nhưng báo cáo năm nay cho thấy, người đọc ở các nước giàu như Mỹ hay Na Uy có xu hướng trả thêm tiền cho một tờ báo thu phí khác nữa.

{keywords}
Báo chí thu phí có xu hướng phát triển ở các nước phương Tây.

Báo cáo của Reuters cũng nhìn thấy sự khác biệt giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Trong khi độc giả phương Tây thích đọc tin trực tiếp từ báo chí chính thống, độc giả ở các nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc hay Thái Lan lại có xu hướng đọc báo tổng hợp trên các siêu ứng dụng kiểu như Naver hay Line.

Cuối cùng là ngành tin tức nghe đọc podcast lại đang có xu hướng phát triển chậm lại, bất chấp việc có nhiều nền tảng âm thanh đã được tung ra thời gian gần đây. Spotify hiện vẫn đang chiếm thị phần podcast qua mặt các ông lớn như Apple hay Google. Trong khi đó, YouTube cũng tranh thủ kiếm được người dùng nhờ dạng video lai podcast.

Giải bài toán cho báo chí: Không chỉ là công việc của riêng ngành tin tức

Dù không có báo cáo riêng cho thị trường Việt Nam, báo cáo của Reuters ở một số nước Đông Nam Á rất gần chúng ta như Singapore, Philippines, Indonesia, Thái Lan hay Malaysia cho thấy những kênh truyền hình hay phiên bản điện tử của báo giấy chính thống vẫn là nơi nắm giữ niềm tin cao nhất trong đại dịch Covid-19.

Điều này phản ánh xu hướng độc giả đã dần có thói quen kiểm tra lại tính xác thực của nguồn tin, dù mạng xã hội vẫn là nơi chia sẻ phát tán tin tức chủ đạo. Đồng nghĩa rằng, các cơ quan báo chí hàng đầu ở các quốc gia nói trên sẽ có cơ hội giữ chân được độc giả trung thành, tiến tới thu phí như Singapore có 14% độc giả trả tiền cho báo điện tử, Indonesia là 19% và Malaysia là 16%.

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra toàn châu Á, các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore có tỷ lệ niềm tin vào tin tức báo chí cao bằng ở cả tin tức trên mạng xã hội và tin tức từ tìm kiếm cộng lại. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển như Indonesia, Malaysia hay Philippines, chỉ số niềm tin ở báo chí chỉ nhỉnh hơn không đến 10% đối với riêng tin tức trên mạng xã hội hoặc từ công cụ tìm kiếm.

Từ đó cho thấy giải bài toán niềm tin báo chí nói chung và thu phí báo chí nói riêng chính là giải bài toán kinh tế số, chuyển đổi số, giáo dục và nâng cao nhận thức xã hội một cách toàn diện và sâu rộng chứ không chỉ là công việc của riêng ngành tin tức báo chí.

Nhưng không chỉ phải giải bài toán thu phí, các cơ quan báo chí nội cũng sẽ phải giải bài toán cạnh tranh với các hãng thông tấn ngoại. Đây là xu hướng đã xảy ra ở Thái Lan, Singapore hay Indonesia, nơi có các kênh truyền hình và báo điện tử thuộc sở hữu của nước ngoài như CNN, CNBC hay Yahoo.

Các hãng thông tấn nước ngoài với tiềm lực tài chính vững mạnh, đội ngũ phóng viên hùng hậu có thể chính là đối thủ tiếp theo của các cơ quan báo chí Việt Nam, sau mạng xã hội và công cụ tìm kiếm tổng hợp tin tức đang phát triển mạnh mẽ hiện nay.

Phương Nguyễn (Theo Reuters)

Báo chí xây dựng lòng tin trong đại dịch Covid-19

Báo chí xây dựng lòng tin trong đại dịch Covid-19

Các tờ báo đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thế giới vượt qua đại dịch cực kỳ phức tạp và đáng sợ, theo nghiên cứu mới của Reuters.