Tháng 6/2017, khi dự Hội nghị các Cộng đồng của Facebook tại Chicago, Mỹ, Mark Zuckerberg cho biết điều tuyệt nhất mạng xã hội này đem lại là những hội nhóm hoạt động có ý nghĩa. Các nhóm này giúp người dùng thỏa mãn đam mê, nhu cầu và kết nối với những người cùng sở thích.

Vào thời điểm Mark phát biểu, có khoảng 100 triệu người tham gia các nhóm trên Facebook. Vị CEO muốn tăng lượng người này lên 1 tỷ. Tỷ phú trẻ tin vào nhận định của mình đến mức thay đổi sứ mệnh của Facebook từ “kết nối thế giới” thành “trao nguồn sức mạnh để con người xây dựng cộng đồng và mang thế giới đến gần nhau hơn”.

Facebook khong the sua sai neu khong nhan sai anh 1

Mark Zuckerberg thay đổi tầm nhìn Facebook với mong muốn tạo ra các nhóm người dùng hoạt động có ý nghĩa. Ảnh: NYTimes.

Thuật toán tập hợp người dùng cực đoan

"Cộng đồng cho chúng ta cảm giác rằng mình là một phần của điều gì đó vĩ đại hơn chính bản thân, cho chúng ta biết mình không đơn độc và có mục đích phấn đấu đang chờ phía trước”, Mark chia sẻ sau quyết định thay đổi sứ mệnh của Facebook.

Ba năm sau, vài nhóm trên mạng xã hội này đã hành động đúng như viễn cảnh Mark nghĩ đến. Họ gắn kết vì một mục tiêu chung và đầy nhiệt huyết. Tuy nhiên, có lẽ Mark không hình dung được nhóm người đó sẽ phá hoại việc chuyển giao quyền lực sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ công bằng và đã được chứng thực.

Những nền tảng mạng xã hội khác như Parler có thể là nơi tụ họp các phần tử cực đoan tấn công Điện Capitol. Tuy nhiên, người dùng của Parler thừa nhận điều đó.

Thuật toán xây dựng cộng đồng của Facebook phần nào giúp tăng lượng thành viên trên các nhóm cực đoan gây ra vụ nổi loạn. Theo một bài báo trên Wall Street Journal xuất bản tháng 5/2020, nghiên cứu từ chính Facebook cho thấy 64% người tham gia các nhóm cực đoan là do công cụ gợi ý của Facebook.

“Hệ thống khuyến nghị của chúng ta đã làm gia tăng vấn đề”, nội dung bài nghiên cứu cho biết.

Facebook khong the sua sai neu khong nhan sai anh 2

Giới lãnh đạo Facebook tỏ ra oay hoay trong cách quản lý mạng xã hội này. Ảnh: Wired.

Đến hôm 14/1 vừa qua, một bài báo trên New York Times chỉ ra rằng một số người dùng vốn ôn hòa đã trở nên cực đoan, sau khi Facebook giúp lan rộng các bài đăng phản dân chủ và đầy tiêu cực, tăng thêm vô số lượt theo dõi cho những tài khoản đăng bài.

Một người dùng nhận thấy anh ta càng đăng nhiều bài thể hiện “chủ nghĩa Trump” cực đoan thì càng có nhiều lượt theo dõi. Chỉ ít lâu sau, người này lập được một nhóm Facebook có hàng chục nghìn thành viên với cùng một mong muốn phủ nhận kết quả bầu cử.

Giống như những gì Mark từng đề cập, khi trở thành một người phản dân chủ, anh “không còn đơn độc” và "tìm thấy những người cùng mục tiêu như mình". Thực vậy, sự tồi tệ đã được nhân lên gấp nhiều lần.

"Lỗi không phải của Facebook"

Trong cuộc phỏng vấn hôm 12/1, Sheryl Sandberg, Giám đốc vận hành Facebook thừa nhận mạng xã hội này không hoàn hảo, nhưng các chính sách chung của công ty hoạt động đã và đang có hiệu quả trên diện rộng.

Trả lời câu hỏi về hành động của Facebook trước vụ bạo động đã diễn ra, Sandberg cho biết mạng xã hội này biết về các cuộc biểu tình trực tiếp và đã gỡ bỏ những nhóm bạo lực như "Proud Boys", "QAnon" và "Stop the Steal". Trước khi bị gỡ, "Stop the Steal" có 320.000 lượt theo dõi, tuy nhiên hashtag #stopthesteal vẫn chưa bị cấm cho đến 11/1, 5 ngày sau cuộc bạo động hôm 6/1.

Giám đốc vận hành của Facebook đổ lỗi cho các mạng xã hội khác gây ra bạo loạn. “Tôi cho rằng những vụ việc này phần lớn được tổ chức trên các nền tảng không có khả năng ngăn chặn sự thù địch, cũng như không có những tiêu chuẩn và tính minh bạch như chúng tôi”, Sandberg phát biểu.

Facebook khong the sua sai neu khong nhan sai anh 3

COO Sheryl Sandberg không thừa nhận sai lầm trên mạng xã hội bà quản lý. Ảnh: The Seatle Times.

Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey có vẻ thẳng thắn hơn khi thừa nhận công ty của ông đã thất bại. Giống như Sandberg, Dorsey cho biết họ đã cấm tài khoản của ông Trump sau cuộc bạo động.

“Tôi thừa nhận lệnh cấm là thất bại cuối cùng của chúng tôi trong việc khuyến khích giao tiếp lành mạnh. Đây là thời điểm để chúng tôi suy ngẫm về hoạt động của công ty và môi trường xung quanh”, Dorsey viết trong một bài đăng.

Tất nhiên, mạng xã hội không phải là nguyên nhân duy nhất. Không thể loại bỏ sự ảnh hưởng của giới chính trị gia, song rõ ràng các thuật toán Facebook, Twitter, YouTube sử dụng để tăng lượt tương tác và phát triển ứng dụng đã bị khai thác quá dễ dàng.

Xây dựng cộng đồng là ý tưởng hay, tuy nhiên, không thể tiếp tay cho các hội nhóm nguy hiểm và được lập ra với mục tiêu phá hoại. Không dễ dàng để khắc phục lỗi lầm này, nhưng thừa nhận thất bại sẽ là bước tiến đầu tiên.

Theo Zing/Wired

Việt Nam cần làm gì để quản lý các thế lực công nghệ số Google, Facebook?

Việt Nam cần làm gì để quản lý các thế lực công nghệ số Google, Facebook?

Phải làm gì để các mạng xã hội xuyên biên giới tuân thủ luật pháp nước sở tại? Đây là thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà còn với tất cả các quốc gia trên thế giới.