Hôm thứ tư vừa rồi, các nhà lập pháp Liên minh châu Âu đã bỏ phiếu để buộc Google, Facebook và các công ty công nghệ khác phải trả tiền bản quyền cho các cơ quan truyền thông châu Âu, các nhà xuất bản và những người sáng tạo ra nội dung khác.
Ủy ban châu Âu đã bắt đầu thảo luận chủ đề này hai năm trước vì nhận thấy cần thiết phải bảo vệ di sản văn hóa của châu Âu và tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các nền tảng trực tuyến và các nhà xuất bản, các đài truyền hình và các nghệ sĩ.
Google và Facebook đang đối mặt với tiền bản quyền cho việc sử dụng tin tức |
Trong tổng số phiếu bầu của các nhà lập pháp: 438 phiếu ủng hộ, 226 phiếu chống, và 39 phiếu trắng. Bước tiếp theo là đàm phán với 28 nước EU để thống nhất trước khi luật bản quyền hiện tại được sửa đổi, với vòng bỏ phiếu cuối cùng dự kiến vào năm tới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết cuộc bỏ phiếu là một “tiến bộ lớn cho châu Âu”, trong khi Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách về thị trường kỹ thuật số Andrus Ansip cho biết đây là tín hiệu mạnh mẽ và tích cực nhằm bảo vệ các nhà nghiên cứu, nhà văn, cơ quan truyền thông và các tổ chức di sản văn hóa EU.
Liên đoàn các đạo diễn phim châu Âu (FERA), Liên đoàn các nhà biên kịch ở châu Âu (FSE) và Hội tác giả nghe nhìn (SAA) cũng đánh giá cao kết quả bỏ phiếu.
Tuy nhiên, Google gọi đó là một kết quả đáng thất vọng.
“Thật tồi tệ cho người sáng tạo, cho các doanh nhân và những nhà cải cách”, giám đốc kinh doanh của Google, ông Philipp Schindler, phát biểu tại hội chợ marketing kỹ thuật số Dmexco ở Cologne.
Công ty trình duyệt web Mozilla cho biết cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. “Ở Mozilla chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đạt được một cải cách hiện đại nhằm bảo vệ môi trường mạng Internet và thúc đẩy quyền của người dùng.” Cơ quan tiêu dùng châu Âu BEUC cũng chỉ trích cuộc bỏ phiếu này.
Ông Monique Goyens, Tổng giám đốc BEUC nói “Rõ ràng rằng các nhà hoạch định chính sách EU từ chối đưa luật bản quyền vào thế kỷ 21. Người tiêu dùng ngày nay thể hiện mình bằng cách lấy mẫu có sẵn, tạo và pha trộn âm nhạc, video và hình ảnh, sau đó chia sẻ sáng tạo của họ trên mạng”.
Lợi nhuận doanh nghiệp
Nhà lập pháp Julia Reda từ Đảng Hải tặc châu Âu ủng hộ những cải cách vừa phải, cho biết EU cần cân nhắc thật kỹ mọi yếu tố để tránh huỷ hoại nền tự do của Internet.
Người ta có thể buộc Google, Microsoft và những công ty khác trả tiền cho các nhà xuất bản để sử dụng nguồn tin. Tuy nhiên, với những gì đã từng xảy ra ở Tây Ban Nha và Đức trước kia thì lại thể hiện hiệu ứng ngược lại, các nhà xuất bản thống kê lượng truy cập đến các trang web của họ giảm hẳn.
Các biện pháp khác có thể là yêu cầu các nền tảng trực tuyến như YouTube và Instagram cài đặt bộ lọc để ngăn người dùng tải lên các tài liệu có bản quyền, có thể dẫn đến kiểm duyệt.
Bà Reda nói: “Bằng cách ủng hộ các giới hạn pháp lý và kỹ thuật mới về những gì chúng tôi có thể đăng tải và chia sẻ trực tuyến, Nghị viện châu Âu đang đặt lợi nhuận doanh nghiệp cao hơn tự do ngôn luận và từ bỏ các nguyên tắc lâu đời đã tạo ra Internet ngày nay”,
Tuy nhiên nhà lập pháp Axel Voss, người đã tham gia tư vấn về vấn đề này cho biết ông đã buộc phải thực hiện một số thỏa hiệp và giới thiệu các biện pháp bảo vệ cho các công ty nhỏ sau những lời chỉ trích ban đầu.
“Chúng tôi đã thấy cho đến nay nhiều công ty công nghệ lớn đã khai thác các tác phẩm của các nghệ sĩ và người sáng tạo mà không phải trả tiền cho họ. Vì vậy, chúng tôi cần thiết lập một sự cân bằng hợp lý giữa các tác giả châu Âu và các nền tảng trực tuyến,” ông nói.
Theo TGHN/MTG/Reuters
EU ra tối hậu thư buộc Google, Facebook xóa thông tin xấu trong vòng 1 giờ
Google, Facebook và Twitter phải loại bỏ nội dung cực đoan trong vòng một giờ sau khi được yêu cầu hoặc phải đối mặt với số tiền phạt 'khổng lồ', Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker cho biết.