Hà Nội vừa công bố đưa vào hoạt động Tổng đài 1022. Tổng đài này là kênh tiếp nhận, giải đáp các kiến nghị, phản ánh và tư vấn liên quan đến phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tổng đài 1022 được đưa vào hoạt động chính thức từ ngày 19/8/2021 với 4 nhánh:

- Nhánh 1 (bấm phím 1): Kết nối đến Trung tâm Cấp cứu 115.

- Nhánh 2 (bấm phím 2): Kết nối đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội.

- Nhánh 3 (bấm phím 3): Kết nối đến Mạng lưới thầy thuốc đồng hành.

- Nhánh 4 (bấm phím 4): Kết nối đến Sở TT&TT để phản ánh về vi phạm phòng, chống dịch Covid-19.

Theo thông tin từ Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội, trước mắt, Tổng đài 1022 sẽ tập trung tiếp nhận, giải đáp các kiến nghị, phản ánh và tư vấn liên quan đến phòng, chống Covid-19 trong 24/7.

{keywords}
Người dân Hà Nội có thể gọi đến Tổng đài 1022 để phản ánh, giải đáp kiến nghị mọi vấn đề liên quan đến Covid-19. Ảnh: Trọng Đạt

Để liên hệ với tổng đài 1022, người dân có thể quay trực tiếp số 1022 từ số cố định nội hạt. Nếu sử dụng số điện thoại liên tỉnh hoặc qua mạng di động, người dân cần quay số 024 1022 để liên hệ. 

Cước gọi đến Tổng đài 1022 sẽ được các mạng di động VinaPhone, MobiFone, Viettel và Vietnamobile miễn phí trong khoảng thời gian Hà Nội giãn cách. 

Đáng chú ý, khi lựa chọn Nhánh 3, người dân sẽ được kết nối đến Mạng lưới thầy thuốc đồng hành để hỗ trợ tư vấn chăm sóc sức khỏe trực tuyến liên quan đến dịch bệnh, đặc biệt là người mắc Covid-19.

Với 300 y, bác sĩ tham gia, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành là chương trình do Sở Y tế Hà Nội và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp triển khai nhằm huy động nguồn lực xã hội để tư vấn người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc Covid-19 tại cộng đồng và hỗ trợ tăng cường cho ngành Y tế Hà Nội. 

Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành chia thành 2 nhóm chính:

Nhóm Tư vấn nhận cuộc gọi đến từ nhân dân và tư vấn chăm sóc sức khỏe cộng đồng gồm các bác sĩ có từ 5 năm kinh nghiệm trở lên, hoạt động 7/7 ngày trong tuần tại các khung giờ: 9:00 - 11:00; 15:00 - 17:00 và 19:00 - 21:00.

Ngoài ra còn có nhóm Chăm sóc chủ động thăm hỏi sức khỏe và tư vấn các trường hợp mới phát hiện nhiễm Covid-19, hoặc đang trong các khu cách ly tập trung. 

{keywords}
Nếu cần sự trợ giúp về lương thực, thực phẩm và y tế, người dân có thể vào app Zalo để phát đi tín hiệu trên nền tảng Zalo Connect. Ảnh: Trọng Đạt

Cũng theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, kể từ thời điểm ra mắt các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về phòng, chống dịch trên hệ thống Hotline, tài khoản Zalo và hệ thống Bluezone, đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 15.698 cuộc gọi, tin nhắn. 

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã giải đáp 12.720 phản ánh, chuyển các quận huyện vào cuộc xử lý 2.978 phản ánh, qua đó góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch nói chung của thành phố.

Ngoài ra kể từ đầu tuần này, nền tảng trợ giúp nhau mùa dịch Zalo Connect cũng đã chính thức được triển khai tại Hà Nội. Trong trường hợp cần sự trợ giúp về lương thực, thực phẩm và y tế, người dân có thể phát thông báo trên app để những người xung quanh tìm đến cứu trợ. 

Trọng Đạt

Tiêm vắc xin Covid-19 nhưng chưa có chứng nhận điện tử: Không cần lo lắng

Tiêm vắc xin Covid-19 nhưng chưa có chứng nhận điện tử: Không cần lo lắng

Vì sao đã tiêm vắc xin Covid-19 nhưng chưa có chứng nhận điện tử? Đây là câu hỏi của khá nhiều người dân khi nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia đã đi vào hoạt động và ghi nhận nhiều kết quả tích cực.