Năm học 2021-2022 đã bắt đầu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn căng thẳng và nhiều địa phương đang giãn cách xã hội. Số liệu từ Bộ GD&ĐT cho thấy, trong 48 tỉnh, thành phố tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022, có 11.419 trường dạy học trực tuyến. Lượng học sinh, sinh viên học tập theo phương thức trực tuyến vào khoảng 20 triệu. Nhiều trường thực hiện giảng dạy online qua nền tảng Zoom nhưng liên tục gặp phải tình trạng khó truy cập, treo máy, thoát khỏi ứng dụng, gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Theo Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, đa số thuê bao cáp quang (FTTH) trong nước có băng thông 30-50 Mbps. Băng thông thực tế hiện nay là 60-100 Mbps, do được nhân 2 lần trong giai đoạn dịch theo cam kết của các nhà mạng.

Với mạng băng rộng di động, tốc độ trung bình tải xuống/tải lên đang là 42/20 Mbps. Các chỉ số này hoàn toàn đáp ứng yêu cầu học tập trên Zoom.

Zoom bị lỗi có phải vì nghẽn mạng?
Nhiều trường lựa chọn học trực tuyến qua Zoom

Cục Viễn thông cho biết, mỗi hộ gia đình sử dụng FTTH có thể dùng đến 8 kết nối Zoom đồng thời có thể xem video streaming trên các nền tảng như YouTube, Netflix. Trong khi đó, các cá nhân dùng băng rộng di động cũng đáp ứng tốt cho ít nhất 5 đường kết nối Zoom.

Với băng thông của các mạng băng rộng thì phần kết nối truy nhập và kết nối trong nước chắc chắn thông suốt, không gặp khó khăn, tắc nghẽn.

Hiện nay, Zoom không có máy chủ ở Việt Nam. Trung tâm dữ liệu của Zoom gần Việt Nam nhất là ở Singapore, Hongkong, Trung Quốc Đại lục. Tuy nhiên, tuyến cáp AAG, AAE-1 đang gặp sự cố đều tải lưu lượng Internet quốc tế từ Việt Nam đi Singapore và Hongkong. Vì vậy, khi mất dung lượng trên hai tuyến này sẽ ảnh hưởng đến năng lực kết nối cho lưu lượng đi hai hướng. Trong đó, có lưu lượng Zoom từ Việt Nam đến máy chủ ở Singapore và Hongkong.

Với 20 triệu học sinh, sinh viên đều dùng Zoom thì chỉ với mức độ high-definition video sẽ cần 1 Mbps x 20 triệu = 20 Tbps, con số này vượt quá tổng dung lượng kết nối Internet quốc tế của Việt Nam là 18 Tbps.

Theo dữ liệu, Zoom có trung bình khoảng 300 triệu người tham dự/ngày trên toàn cầu. Số lượng khoảng 20 triệu học sinh, sinh viên học trực tuyến trên nền tảng (chưa kể hàng triệu lượt người dùng của các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị khác) sẽ chiếm 15-20% tổng số người dùng Zoom toàn cầu. “Do đó, dù chúng ta có cung cấp đủ dung lượng kết nối đến thì Zoom cũng không đủ năng lực phục vụ nhu cầu đột biến này”.

Cục Viễn thông cho hay, mạng tắc nghẽn khi học online trên Zoom trong thời gian qua là do nghẽn cục bộ vì các học sinh, sinh viên đều tập trung vào sử dụng ứng dụng nước ngoài không được nội địa hoá. Năng lực xử lý của ứng dụng không được thiết kế để đáp ứng nhu cầu đột biến từ Việt Nam.

Theo đó, đơn vị này khuyến nghị người dùng có thể chuyển sang sử dụng thay thế, dự phòng bằng những ứng dụng nội địa về hội họp online như Zavi của Zalo, NetMeeting (Công ty cổ phần NetNam); eMeeting (Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC phối hợp với Tập đoàn Bkav)…. hoặc một số ứng dụng nước ngoài khác, có ít người dùng hơn như MS Teams, Google meet, Classin, Webex nhằm giảm bớt tải lưu lượng trên ứng dụng Zoom. 

Cục Viễn thông cũng cho rằng, các doanh nghiệp viễn thông cần xem xét cấu hình ưu tiên cho hướng kết nối lưu lượng Zoom; chủ động trao đổi với Zoom về đặt CDN tại Việt Nam, đồng thời phải mở dung lượng dự phòng trên tuyến cáp quang khác để thay thế cho tuyến cáp quang biển gặp sự cố.

Ngoài ra, còn một giải pháp căn cơ là phải chuyển sang dùng các ứng dụng 100% nội địa, vừa giảm tải lưu lượng kết nối quốc tế lại có ưu điểm chủ động được năng lực mạng lưới, năng lực xử lý, giao diện tiếng Việt thân thiện, dễ dàng tuỳ biến, có thể tích hợp cả việc dạy và học với quản lý lớp học.

Duy Vũ

Nhà mạng sẵn sàng phủ sóng vùng lõm, nhưng chờ địa phương mở lối

Nhà mạng sẵn sàng phủ sóng vùng lõm, nhưng chờ địa phương mở lối

Ba mạng lớn đều khẳng định đã sẵn sàng phủ sóng vùng lõm theo yêu cầu Thủ tướng để phục vụ học sinh học online khi giãn cách, nhưng phải chờ địa phương cho phép lắp đặt thiết bị.