Dịch đau mắt đỏ hoành hành khiến cuộc sống nhiều gia đình bị đảo lộn. Có người bị đến 10-15 ngày mới khỏi, đi đâu cũng đeo kính xùm xụp. Dịch lây lan khiến cả chục người trong một dòng họ cùng mắc bệnh.

Cả dòng họ cùng mắc bệnh

Có thể nói đại gia đình chị D. (ngụ đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, TP.HCM) là một trong những gia đình vất vả nhất trong mùa dịch đau mắt đỏ năm nay ở Sài Gòn khi gần chục người trong dòng họ cùng mắc bệnh.

Bắt nguồn từ một đứa cháu nhỏ tên C. (8 tuổi) bị lây bệnh từ bạn cùng lớp. Ngay hôm sau, một đứa cháu khác trong họ, bằng tuổi C. – tên R. cũng có biểu hiện của bệnh đau mắt tương tự, thậm chí là nặng hơn bé C. Tiếp đó một đứa cháu khác tên Su Su đang học mẫu giáo, thường xuyên chơi chung với C. và R. cũng bị lây bệnh. Thế là 3 đứa cùng được vào viện một lúc để khám chữa bệnh.

Sau khi đưa các cháu đi khám, chị D. về nhà cũng bắt đầu xuất hiện dấu hiệu đau mắt đỏ. Mà theo chị thì: “Có lẽ khi đến khu khám mắt, có quá nhiều bệnh nhân viêm mắt nặng nên bị lây nhiễm lúc nào không biết”.

{keywords}
Nhiều người phải đeo kính sùm sụp vì bệnh đau mắt đỏ đang lây lan mạnh.

3 đứa trẻ và 1 người lớn vẫn chỉ là màn khởi đầu dịch bệnh tại dòng họ nhà chị. Vì cả họ cùng sống chung một khu nhà có sân chơi chung nên dù có cố tránh né, cách ly như thế nào cũng không thể tránh khỏi việc tiếp xúc và lây nhiễm, nhất là khi bệnh nhân là những đứa trẻ con, hiếu động.

Bé C. về nhà lại lây cho cho bố mẹ. Bé R. kịp lây bệnh cho ba và 2 chị gái của mình khiến cả 3 phải nghỉ ốm, hoặc cố gắng đi làm trong tình trạng sốt cao vì dịch bệnh và mắt đỏ kè, sưng húp. Cô bé SuSu thì trở thành người truyền bệnh cho ông bà ngoại và anh trai học lớp 5 của mình vì sống cùng nhà với nhau.

“Cả họ sống cùng nhau mấy chục năm trời, chưa bao giờ bị bệnh gì lây lan nhanh và nhiều người như vậy. Lúc đầu chỉ 1, 2 đứa bị, mình cứ nghĩ uống thuốc, nhỏ thuốc rồi khỏi thôi. Ai ngờ lây lan cả chục người như thế, thiệt hổng biết tốn kém bao nhiêu là tiền, lại còn mệt cái thân. Bệnh này không chết ai nhưng nó phiền phức lắm, người ta nhìn mình cũng sợ lây, mình nhìn người ta mình cũng ngại. Nhiều đêm không dám ngủ sâu vì sợ sáng thức dậy không mở được mắt, cứ chập chờn rồi mệt mỏi thêm...

Trường học của tụi nó cũng gửi thông báo có dịch đau mắt, công ty của mấy đứa lớn cũng có công văn cảnh báo này nọ – nhưng khi nhận được thông tin là khi nhà tôi đã có đủ số tròn chục người bị lây nhiễm rồi, còn gì nữa đâu mà phòng với ngừa cho kịp lúc", chị D. buồn rầu chia sẻ.

Khổ sở vì không có chỗ gửi con

Con bị đau mắt đỏ, nhà trường khuyên nên cho con nghỉ học để tránh lây lan sang các bạn, vì thế mà chị Nguyễn Phương Nam (Khu đô thị Trung Hòa, Cầu Giấy) cuống cuồng tìm chỗ gửi con. Ngày đầu chị mang con đến cơ quan làm việc nhưng thấy con thui thủi một chỗ, chẳng nói chuyện với ai, mọi người cũng chỉ hỏi qua loa rồi đi nhanh vì sợ bị lây, chị thương con quá.

{keywords}
Người trong cũng một nhà dễ lây bệnh cho nhau.

Chị Nam cũng chẳng có tâm trí làm việc vì cứ thấy con dụi mắt là lại tức tốc mang thuốc ra nhỏ cho con, rồi dỗ dành mãi mới quay lại làm được. Chị phải xin nghỉ một buổi sáng đèo con về nhà bà ngoại ở tận Xuân Mai gửi để yên tâm đi làm.

Cũng giống với chị Nam, chị Nguyễn Nhung An (Đội Cấn, Ba Đình) đang khổ sở với bệnh đau mắt đỏ. Nhà chị có 4 người thì cả 4 bị bệnh. Hai vợ chồng chị thì vẫn đi làm bình thường nhưng hai đứa con thì phải ở nhà tự trông nhau. Đứa lớn 7 tuổi, đứa bé đang học lớp mẫu giáo lớn.

Dân công sở bị cô lập vì đau mắt đỏ

Chị Hằng (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cho biết, chị bị đau mắt đỏ gần tuần nay vẫn chưa đỡ. Vì yêu cầu công việc nên chị không thể nghỉ. Đến cơ quan, mọi người sợ lây bệnh từ chị nên hạn chế tiếp xúc, làm gì chị cũng thui thủi một mình.

“Mọi người sợ lây bệnh nên “đặc cách” cho mình nghỉ họp, rồi gửi biên bản qua mail để mình nắm được nội dung. Cả tuần thui thủi làm việc một mình, không gặp, không nói chuyện với ai. Bình thường buổi trưa thường tụ tập với hội mang cơm hộp, ăn xong ngồi buôn với nhau cho đỡ buồn ngủ. Giờ ăn cơm cũng thui thủi một mình”, chị Hằng chia sẻ.

Chị Hằng bảo, chị buồn nhưng cũng thông cảm cho mọi người. “Bệnh này dễ lây, mọi người đều có gia đình nên lỡ lây rồi mang bệnh về nhà thì khổ. Biết ý nên mình cũng tránh đến chỗ đông người, đến thang máy mình cũng không đi chung”, chị nói thêm.

Dịch đau mắt đỏ hoành hành khiến nhiều cơ quan, công sở “náo loạn”. Chị Q. Đào (nhân viên truyền thông) cho biết, công ty chị rất nhiều người bị bệnh đau mắt đỏ. Ngay cả tổng giám đốc cũng mắc bệnh và phải đeo kính đen đi làm.

“Một số người bị bệnh đã xin nghỉ, một số người thì vẫn đi làm. Có một chị bị lây từ con gái, chị ấy bị nặng nhưng không đi khám, tự mua thuốc về tra, mắt sưng húp lên, hai tuần rồi mà chưa khỏi. Chị ấy đi làm, lây sang bao nhiêu người ở công ty. Giờ chị ấy vẫn đi làm, nhiều người phải tránh tiếp xúc với chị ấy vì sợ lây. Có người cẩn thận còn mang theo nước muối, cứ cách 2-3 tiếng lại tra một lần để tránh bị lây bệnh”, chị Đào kể.

Xin “nghỉ phép” vì sợ lây bệnh

Phòng có hai người bị đau mắt đỏ, sợ bị lây bệnh nên chị T. Thanh (Đống Đa, HN) cáo ốm xin nghỉ ở nhà. Chị bảo, phòng chị chật, lại bí không khí nên cùng làm việc với nhau 8 tiếng/ngày, sớm muộn gì cũng bị lây.

“Ban đầu chỉ có một người bị thôi, xong lây sang người kia. Mình bị thì không sao chứ về lây sang cho chồng, cho con thì khổ cả nhà. Người ta không nghỉ thì mình nghỉ, đằng nào cũng chưa xin nghỉ phép bao giờ”, chị Thanh chia sẻ.

Chị Vân Anh, nhân viên kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu thì lại “xung phong” đi công tác để tránh tiếp xúc với đồng nghiệp bị đau mắt đỏ ở công ty. Chị bảo, thà đi công tác vất vả còn hơn bị lây bệnh.

“Lúc đầu chỉ một người bị thôi, sau rồi lây nhau, giờ cả công ty gần chục người bị rồi. Người bị đeo kính, người không bị cũng đeo kính đi làm vì sợ lây. Bình thường đi công tác các tỉnh xa chả ai nhận, toàn đùn đẩy nhau, giờ mình xung phong đi, còn được lãnh đạo khen nữa chứ”, chị hóm hỉnh nói.

 

Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, bệnh đau mắt lây qua đường hô hấp và đường tiếp xúc tay - mắt. Nếu một người trong công sở bị đau mắt đỏ, các đồng nghiệp trong phòng tuy tránh chạm mặt trò chuyện nhưng sau đó họ vẫn có thể lây do virus từ hơi thở bệnh nhân phát tán vào không khí.

Tay người bệnh dụi mắt rồi chạm vào bàn phím máy tính, vào điện thoại bàn, điều khiển điều hòa, tay nắm cửa, bảng điều khiển thang máy…, các vật đó sẽ là nguồn lây bệnh.

“Khi bị bệnh tốt nhất là xin nghỉ ở nhà để tránh lây nhiễm cho đồng nghiệp. Đúng an toàn thì phải nghỉ 2 tuần, một tuần bị bệnh và một tuần sau khi khỏi. Vì dù đã khỏi bệnh thì virút gây bệnh vẫn còn trên người bệnh. Điều kiện làm việc ngày nay không thể nghỉ dài như vậy được, khi đến công sở người bệnh nên đeo kính, đeo khẩu trang (nếu có thể), thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để tránh bệnh lây lan”, bác sĩ đưa ra lời khuyên.



K. Minh (tổng hợp)