“Có những người đưa con, đưa cháu đi khám bệnh đau mắt đỏ rồi chính họ cũng bị nhiễm bệnh. Vì vậy không nên kéo nhau đông đến bệnh viện, một đứa trẻ chỉ cần bố hoặc mẹ đưa đến khám là đủ”, bác sĩ Cương (Bệnh viện Mắt TW) cho biết
Dùng chung kính khi xem phim 3D là một nguồn lây bệnh đau mắt đỏ.
Dịch đau mắt đỏ đang bùng phát và lan nhanh ở Hà Nội. Tại Bệnh viện mắt Trung ương, hai tuần nay, lượng bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ tăng đột biến, nhiều hôm quá tải.
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Hoàng Cương, Phó Phòng Quản lý khoa học và đào tạo cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 1000-1200 bệnh nhân đến khám trong đó có khoảng 150-200 trường hợp đau mắt đỏ. Con số này thể hiện dịch đau mắt đỏ đang ở đỉnh điểm.
“Đau mắt đỏ do virut Adeno gây nên. Người bệnh thường có biểu hiện sốt, lên hạch, đau họng từ 3-5 ngày thì bệnh lên mắt gây nên bệnh đau mắt đỏ. Bệnh dễ lây qua đường hô hấp như trò chuyện ở cự ly gần, tiếp xúc với nước bọt của bệnh nhân. Qua đường tay – mắt: bệnh nhân dụi mắt rồi cầm nắm vào đồ vật, những đồ vật đó sẽ là nguồn lây bệnh”, bác sĩ Cương cho biết.
Bác sĩ khuyến cáo, siêu thị, bể bơi, cầu thang máy, bệnh viện, kính xem phim 3D là những nguồn dễ lây bệnh nhất. Đặc biệt, bệnh viện là nguồn lây bệnh lớn nhất bởi đây là nơi tiếp xúc nhiều nhất với bệnh nhân đau mắt đỏ.
“Có những người đưa con, đưa cháu đi khám bệnh đau mắt đỏ rồi chính họ cũng bị nhiễm bệnh. Vì vậy không nên kéo nhau đông đến bệnh viện, một đứa trẻ chỉ cần bố hoặc mẹ đưa đến khám là đủ”, bác sĩ Cương chia sẻ.
Bệnh đau mắt đỏ khó khỏi ngay lập tức nhưng là bệnh lành tính nên khi bị bệnh người dân cần bình tĩnh, không nên quá lo lắng. Bác sĩ Cương cho rằng, các phòng khám chuyên khoa mắt ở các bệnh viện quận, huyện, phòng khám tư đều có thể chữa được bệnh đau mắt đỏ. Thế nên khi bị bệnh, người dân nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám, không cần thiết phải lên Viện mắt Trung ương.
Đau mắt đỏ không dẫn đến mù lòa
Chị Ngọc Mai (Cầu Giấy, HN) cho biết, chị bị lây bệnh đau mắt đỏ từ một chị đồng nghiệp ở cơ quan. Vì ngại cảnh xếp hàng ở bệnh viện nên chị không đi khám, mà hỏi kinh nghiệm từ chị bạn đồng nghiệp, chị tự mua thuốc về nhỏ.
Cũng loại thuốc ấy, chị đồng nghiệp nhỏ 3 ngày là khỏi, nhưng chị thì ngày càng nặng hơn, nhìn mờ, mắt sưng húp. Khi đi khám bác sĩ chị mới biết là mình bị giả mạc, thuốc không vào được niêm mạc mắt nên không khỏi được. Bác sĩ phải bóc lớp giả mạc đi, rồi kê đơn thuốc mới cho chị.
“Sau 3 ngày điều trị theo đơn bác sĩ, thấy đỡ hơn rất nhiều. Lần sau không dám tự ý mua thuốc về nhỏ nữa”, chị chia sẻ.
Vừa qua, bệnh viện mắt Trung ương cũng đã tiếp nhận 5 ca trẻ bị viêm nội nhãn ở mức độ nặng vì gia đình lầm tưởng trẻ bị đau mắt đỏ nên không đưa đến bệnh viện kịp thời.
“Tuy nhiên, người dân cũng không nên lầm tưởng bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) gây ra bệnh viêm nội nhãn. Đây là hai loại bệnh hoàn toàn khác nhau. Biểu hiện để phân biệt hai loại bệnh này là: Đau mắt đỏ thì mi mắt sưng nề, cả mắt đỏ rực lên như tiết, cảm giác như có cát, có sạn ở trong mắt, và điển hình là ra nhiều nước, dịch nên cần phải lau rửa thường xuyên, sáng dậy không mở được mắt vì dịch kẹp lông mi, đau mắt đỏ thì không nhìn mờ. Còn bệnh viêm nội nhãn cũng đỏ mắt nhưng nhức âm ỉ, nhìn mờ nhanh, có thể trong 24 giờ là mờ tịt không nhìn thấy gì, khi nhìn kỹ vào con ngươi thì thấy lớp mủ vàng hoặc xanh trong mắt”, bác sĩ phân tích.