Ấn tượng đầu tiên khi gặp người phụ nữ người Mỹ gốc Việt này là sự nhẹ nhàng, thanh thoát toát lên từ vẻ bề ngoài. Nhưng những ai từng làm việc với cô đều biết rằng để vừa điều hành một doanh nghiệp đang vươn ra tầm quốc tế, lại vừa làm mẹ của 4 đứa con, cô phải có một nguồn năng lượng tích cực và đáng nể.

{keywords}
Esther Nguyễn - bà mẹ đảm của 4 'siêu quậy'. 

Người phụ nữ rời Mỹ về Việt Nam để ‘đốt tiền’

Sinh ra và học tập ở Mỹ, Esther Nguyễn được hưởng một nền giáo dục sáng tạo nhưng cô lại lớn lên trong một gia đình thuần Việt, nơi mà yếu tố kỷ luật là ưu tiên hàng đầu trong việc dạy con. Đó là lý do trong cách dạy con cũng như điều hành doanh nghiệp, cô luôn biết cách dung hòa giữa “kỷ luật” và “tình yêu thương” - 2 yếu tố mà cô cho là “chìa khóa” để đi đến thành công.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật theo định hướng của gia đình, Esther làm nhiều công việc liên quan đến kinh doanh, trong đó có sáng lập và điều hành một startup trong lĩnh vực công nghệ xanh khá thành công tại Mỹ.

Khi mọi việc đang diễn ra thuận lợi thì cô có suy nghĩ phải “làm một cái gì đó” ở Việt Nam sau vài lần về thăm quê hương cùng gia đình. “Khi quyết định như thế, tôi không biết sẽ bắt đầu từ đâu, cũng không biết sẽ làm gì. Chỉ biết, mình phải về” - Esther nhớ lại.

Khi nghe tin con gái có ý định bỏ công việc đang thuận lợi ở Mỹ về Việt Nam lập nghiệp, bố mẹ cô hoàn toàn bất ngờ, thậm chí là phản đối. Nhưng cuối cùng, khi nhìn thấy sự quyết tâm và mong muốn “làm một cái gì đó” cho quê hương, họ không chỉ tôn trọng mà còn ủng hộ quyết định của con gái.

Thời gian tiếp xúc với văn hóa Việt giúp cô nhận ra rằng người Việt rất yêu âm nhạc. Họ thích nghe nhạc ở khắp mọi nơi. Thời điểm này, thị trường nội dung số ở Việt Nam là con số 0: không bản quyền, không có sự kết nối giữa các đơn vị khai thác với người sản xuất, nội dung thì mạnh ai nấy làm. Chưa ai nghĩ đến việc trả tiền để nghe nhạc. Các nghệ sĩ cũng hoàn toàn lạ lẫm với việc bán nhạc của mình trên nền tảng số. 

“Có lẽ thách thức lớn nhất là nhận thức của người dùng cũng như cả cộng đồng. Tuy nhiên, cũng vì thị trường chưa có gì nên đó cũng là cơ hội cho những người đi tiên phong. Tôi tin, cùng với xu hướng chung của thế giới, Việt Nam cũng sẽ đi theo con đường tất yếu đó. Chúng ta không thể nào khai thác chất xám và sự sáng tạo của nghệ sĩ miễn phí như thế mãi được”.

Với niềm tin “sắt đá” ấy, Esther và các cộng sự bắt tay vào làm. Những ngày đầu tiên, nhóm của cô chỉ có 5 người ngồi trong một căn phòng nhỏ đủ kê khoảng 8 chiếc ghế.

Việc đầu tiên cô thực hiện là chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình ở Mỹ về Việt Nam để làm một việc mà khi đó, dân trong nghề gọi là “đốt tiền”. Cô mua bản quyền nhạc của các nghệ sĩ để phát miễn phí trên mạng. Cứ thế, những người sáng lập đầu tiên của POPS Worldwide có 5 năm quay cuồng trong việc xây dựng hệ sinh thái, gọi vốn, tìm kiếm đầu ra…  

Esther gọi giai đoạn ban đầu của POPS là thử thách lớn nhất. Cô vượt qua tất cả những khó khăn ấy, bằng thứ “vũ khí” lớn nhất và lợi hại nhất của mình: niềm tin. “Chỉ khi thực sự tin vào lựa chọn của mình, chúng ta mới có thể thuyết phục người khác cùng tin vào con đường ấy”, Esther tiết lộ bí quyết thuyết phục nhà đầu tư. 

Không ít lần, trong hành trình khởi nghiệp, Esther cùng các cộng sự rơi vào trạng thái bế tắc, nhưng chưa bao giờ cô để mình đánh mất niềm tin. Bởi, với cô, nghi ngờ bản thân là thứ thuốc độc có thể khiến bất kỳ ai lạc lối. 

{keywords}
Esther Nguyễn là một trong “60 người sáng lập những startup làm rung chuyển giới công nghệ toàn cầu” do tạp chí Forbes bình chọn. 

14 năm kể từ ngày đặt những nền tảng đầu tiên, đứa con tinh thần mà Esther “thai nghén” đã trưởng thành mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà đã và đang vươn ra khu vực, với những điểm đến tiềm năng như Thái Lan, Indonesia, … 

Theo Esther, niềm vui lớn nhất của cô trên hành trình ấy là việc thay đổi nhận thức của người dùng. Từ chỗ nhạc số, nội dung số hoàn toàn miễn phí thì nay, doanh nghiệp và người dùng đều hiểu rằng, sẽ phải trả tiền để có thể sở hữu nội dung ấy, bù đắp lại công sức cho đội ngũ sáng tạo.

Nay, nhắc đến POPS là nhắc đến một nền tảng giải trí với nội dung đa dạng thể loại từ âm nhạc, hài kịch, giải trí, các nội dung dành riêng cho phụ nữ, cộng đồng thể thao điện tử, kho truyện tranh số… Đặc biệt, ứng dụng xem video an toàn dành cho trẻ em POPS Kids được xem như một món quà cô dành cho chính những đứa con của mình. 

Dạy con theo cách không quá cầu toàn

Là mẹ của 4 con, đứa lớn nhất bắt đầu bước vào độ tuổi “teen”, bé nhất cũng vừa tròn 2 tuổi, Esther bảo, việc “chỉ huy” đội quân khóc nhè ấy với cô, là một hành trình thú vị. “Tôi học ở bố mẹ cách thức giúp con tuân thủ kỷ luật”. 

Tuy nhiên, cô không phải làm công việc này một mình. Bên cạnh cô, luôn có sự đồng hành của người bạn đời. “Chúng tôi cùng nhau chia sẻ việc nhà, cùng nhau dạy con để có thể chu toàn”. 

Thời gian biểu chung của cả nhà là thức dậy từ 6 giờ sáng để cùng nhau sinh hoạt đầu ngày và lên giường, đọc sách, đi ngủ lúc 7 giờ tối. “Trẻ cần được ngủ sớm và đúng giờ. Khi thiết lập được thời gian biểu cho con hợp lý, ba mẹ mới có thời gian dành cho bản thân mình cũng như cho nhau, sau giờ làm việc”, Esther chia sẻ. 

Vì chăm con nhỏ buổi đêm nên Esther sẽ được “ưu ái” ngủ “nướng” hơn một chút. Phần chuẩn bị bữa sáng gọn nhẹ, chồng cô sẽ đảm đương. Cuối bữa ăn, từng thành viên nhí phải tự dọn rửa phần chén bát của mình là cách mà vợ chồng cô dạy con làm việc nhà. 

Ban đầu, bọn trẻ cũng lóng ngóng, thậm chí là rơi vỡ nhưng theo Esther, thay vì tự làm hay giao cho người giúp việc, cô chấp nhận mất thời gian hướng dẫn. Bù lại, thói quen chia sẻ công việc cũng sẽ hình thành trong từng đứa trẻ. “Với tôi, giúp trẻ hình thành tư duy và thói quen tốt là nhiệm vụ lớn nhất trong giáo dục”.

{keywords}
Esther Nguyễn cho rằng kỷ luật và tình yêu là 2 yếu tố quan trọng trong việc dạy con và xây dựng sự nghiệp.

Gia đình Esther Nguyễn áp dụng hình thức kỷ luật không nước mắt, không đòn roi. Họ thường xuyên có những buổi trò chuyện bình đẳng giữa trẻ và người lớn để giúp con từng bước khắc phục những thói quen, chọn lựa chưa tốt. Xoay sở với 4 đứa trẻ ở các độ tuổi khác nhau, cũng như nhiều bà mẹ khác, có những tình huống cô không thể kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Nhưng ngay khi thấy vợ không ổn, chồng cô sẽ là người đứng ra gánh vác. 

Xây dựng được liên kết bền chặt với bạn đời bằng tình yêu và trách nhiệm như thế nên dù trên vai là một doanh nghiệp lớn, một gia đình đông thành viên nhưng Esther vẫn thấy mình không phải gồng mình quá sức. Cô vẫn dành cho bản thân những khung thời gian riêng, dù ít ỏi, để làm đẹp, rèn luyện sức khoẻ…

Cô từng ước rằng mình có thể làm nhiều hơn cho các con, ở bên cạnh chúng nhiều hơn, chuẩn bị những bữa ăn kỹ càng hơn… Nhưng rồi cô nhận ra rằng, quỹ thời gian của mỗi người là như nhau, nên ai cũng phải học cách chọn lựa những vấn đề ưu tiên nhất và không quá cầu toàn. “Ví dụ, tôi chấp nhận những bữa ăn sáng đơn giản với ngũ cốc ăn liền và sữa thay vì một bữa thịnh soạn. Miễn là cả gia đình có bữa ăn cùng nhau, cùng khởi đầu một ngày mới vui vẻ”.

Bọn trẻ không cần một bà mẹ đầu bù tóc rối 

Khi được hỏi người phụ nữ có nhất thiết phải làm tốt cả 2 “việc nước” và “việc nhà”, bà mẹ 4 con đáp: “Người phụ nữ nhất thiết phải làm tốt điều họ thực sự mong muốn”.

“Để có thể chu toàn cả việc kinh doanh lẫn việc nhà, tôi không thể một mình mà phải có sự đồng hành của bạn đời. Chúng tôi cùng nhau chia sẻ việc nhà, cùng dạy con để có thể chu toàn. Khi tổ chức được mái ấm nề nếp thì đương nhiên, tôi có thể toàn tâm toàn ý cho việc kinh doanh. Ngược lại, khi công việc hiệu quả, tôi sẽ hạnh phúc hơn khi bước về nhà. Cả “việc nước” lẫn “việc nhà”, chúng ta đều phải bỏ công sức lẫn thời gian, cả nam lẫn nữ chứ không chỉ việc của riêng ai”.

Quan niệm làm mẹ, làm vợ của Esther đơn giản rằng nếu phụ nữ không tự yêu thương bản thân, làm sao có thể khiến bạn đời cũng như những đứa trẻ yêu thương, chăm sóc mình. “Bọn trẻ không cần sự hy sinh tuyệt đối của một người mẹ đầu bù tóc rối suốt ngày vì con. Chúng cần được dạy về hạnh phúc. Và chỉ những bà mẹ hạnh phúc, mới có thể cho con mình thấy được cách thức làm thế nào để hạnh phúc”, Esther tin vậy. 

 

Là đại diện duy nhất của Việt Nam, năm 2018, Esther Nguyễn (sinh năm 1976) góp mặt trong top “60 nữ doanh nhân - người sáng lập những startup làm rung chuyển giới công nghệ toàn cầu” do tạp chí Forbes thống kê. Cô cũng là doanh nhân Việt duy nhất được vinh danh trong top 10 nữ CEO truyền cảm hứng tại Đông Nam Á.

 

Xem thêm video: Học hỏi bí kíp dạy con của gia đình Beckham

Nguyễn Thảo

Vợ chồng tỷ phú Bill Gates dạy con sống khiêm tốn

Vợ chồng tỷ phú Bill Gates dạy con sống khiêm tốn

Mặc dù sở hữu khối tài sản lớn thứ 4 thế giới, vợ chồng Bill Gates và các con vẫn rửa bát, làm việc nhà cùng nhau để thắt chặt tình cảm gia đình.