Ở tuổi 23, Sachiko Ishizuka phát hiện ra rằng căn bệnh nan y mà cha cô đang phải chiến đấu có thể di truyền và xảy ra với các thành viên khác trong gia đình, kể cả cô. Sự lo lắng sớm ập đến.

Thế nhưng ngay sau đó mẹ cô, để xoa dịu con gái, nói với Ishizuka rằng cô không cần phải lo lắng vì người đàn ông được chẩn đoán mắc bệnh nan y thực ra không phải là cha ruột của cô.

Nhiều năm trước, Ishizuka được sinh ra nhờ quá trình điều trị sinh sản bằng cách sử dụng tinh trùng của người hiến tặng tại Bệnh viện Đại học Keio danh tiếng. Về việc ai là người hiến tặng tinh trùng, mẹ của Ishizuka nói rằng bà không biết.

“Lúc đầu, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì ít nhất tôi đã không bị di truyền căn bệnh này”, Ishizuka, hiện 41 tuổi, nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

hien tang tinh trung anh 1

Sachiko Ishizuka phát biểu tại một cuộc họp báo vào tháng 11 ở Tokyo.

“Nhưng lời thú nhận của mẹ đã phủ nhận tất cả những gì tôi tin về nguồn gốc sinh học của mình. Điều này khiến tôi cảm thấy toàn bộ 23 năm của cuộc đời mình đã được xây dựng trên sự giả dối. Tôi cảm thấy như bản sắc của mình đang tan rã”.

Câu chuyện của Ishizuka không chỉ là những tổn thương về tình cảm, đó là một cuộc khủng hoảng danh tính. Sự ra đi của cha mẹ không lâu sau đó càng khiến Ishizuka thêm hoang mang hơn. Với nhiều đứa trẻ cũng ra đời nhờ tinh trùng hiến tặng, bất ngờ, hoang mang về nguồn gốc sinh học của mình là trải nghiệm phổ biến.

Thiếu quy định pháp luật

Ngày nay, những người như Ishizuka ở Nhật Bản đặt câu hỏi về sự ẩn danh cứng nhắc được các cơ sở y tế áp dụng với người hiến tặng tinh trùng. Trong khi đó, xu hướng toàn cầu đang hướng tới việc công nhận quyền được tiếp cận thông tin và liên hệ với cha ruột của những đứa trẻ ra đời nhờ tinh trùng hiến tặng.

Đầu tháng 12, dự luật đầu tiên trong lĩnh vực hiến tặng tinh trùng đã được thông qua. Luật về cơ bản đã làm rõ rằng chính người chồng đồng ý việc hiến tinh trùng, chứ không phải người hiến, sẽ được công nhận là cha của đứa trẻ được thụ thai bằng phương pháp điều trị hiếm muộn.

Tuy nhiên, dự luật không giải quyết được các vấn đề cấp bách khác như tiêu chí, điều kiện của người cho và người nhận, làm thế nào để đảm bảo những đứa trẻ được thụ thai nhờ tinh trùng hiến tặng có quyền biết nguồn gốc tổ tiên của chúng. Luật chỉ nói trong một điều khoản bổ sung rằng những vấn đề đó sẽ được xem xét lại trong vòng hai năm tới.

Lịch sử thụ thai nhờ tinh trùng hiến tặng của Nhật Bản bắt đầu từ năm 1948, khi Bệnh viện Đại học Keio trở thành cơ sở đầu tiên của quốc gia tiến hành thủ thuật này thành công.

Kể từ đó, nhiều thông tin xung quanh người hiến tặng tinh trùng đã được giữ bí mật hoàn toàn, không tiết lộ bất kể là tên, tuổi, nơi ở và đặc điểm thể chất.

Đầu những năm 2000, các cơ sở mang thai hộ, nhận tinh trùng, trứng hiến tặng ở nước ngoài, một số báo cáo về khả năng hỗ trợ sinh sản, bao gồm cả việc hiến tinh trùng của họ hàng, xuất hiện và gây tranh cãi. Điều này thúc đẩy các quy định pháp luật ra đời để quản lý lĩnh vực y học sinh sản nói chung.

Năm 2003, Bộ Y tế đã biên soạn một báo cáo nêu rõ trẻ em ra đời nhờ tinh trùng hiến tặng nên được phép yêu cầu tiết lộ “thông tin nhận dạng” về người hiến tặng khi chúng được 15 tuổi. Tuy nhiên, gần 20 năm đã trôi qua, không có những nguyên tắc như vậy được đưa vào luật.

“Tôi muốn gặp ông ấy”

Mong muốn được biết về cha ruột cứ lớn dần đối với Ishizuka. Mỗi khi đến gặp bác sĩ và được hỏi liệu có thành viên nào trong gia đình bị dị ứng thuốc hoặc mắc các bệnh có thể di truyền, cô lại không thể trả lời.

Hơn thế, tìm hiểu về người hiến tặng là chìa khóa giúp Ishizuka lấy lại những gì đã mất.

“Không biết ông ấy là ai, là người như thế nào khiến tôi cảm thấy như thể mình được sinh ra chỉ nhờ tinh trùng. Tôi muốn cảm thấy đó là một con người, không phải tinh trùng, là cha của tôi”, Ishizuka nói.

Hiện là thành viên cốt lõi của một nhóm con cái được sinh ra nhờ tinh trùng hiến tặng, Ishizuka kêu gọi tiết lộ thông tin nhận dạng cá nhân về người hiến tặng để cô có thể tái tạo lại danh tính của mình.

“Tôi muốn gặp ông ấy, chỉ để tôi có thể tự mình thấy rằng ông ấy là có thật”, Ishizuka nói.

hien tang tinh trung anh 3

Các quốc gia như Anh và Đức cấm việc che giấu tên người hiến tặng tinh trùng.

Các bậc cha mẹ che giấu việc thụ tinh càng lâu thì cú sốc và cảm giác bị phản bội đến với con cái càng lớn. Như trong trường hợp của Ishizuka, việc mẹ né tránh chủ đề này khiến cô cảm thấy đó là điều cấm kỵ.

"Mẹ không thích việc tôi nói về nguồn gốc của bản thân với một người ngoài gia đình chúng tôi", Ishizuka nhớ lại. “Bà ấy cảm thấy điều đó thật đáng xấu hổ và cần phải giữ bí mật. Nó khiến tôi có ấn tượng rằng mẹ cũng đang phủ nhận sự tồn tại của tôi. Tôi cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương và mối quan hệ với mẹ cũng xấu đi”.

Quyền tiếp cận thông tin về nguồn gốc của một người ngày càng được công nhận ở nước ngoài.

Các quốc gia như Anh và Đức cấm giấu tên người hiến tặng tinh trùng, cho phép bất kỳ ai thụ thai bằng tinh trùng của người hiến tặng từ 18 tuổi trở lên tiếp cận "thông tin nhận dạng", chẳng hạn như tên đầy đủ và ngày sinh.

Ishizuka nói: “Ở Nhật Bản, trẻ em có xu hướng được coi là 'đồ đạc' của cha mẹ, những người được giao phó quyết định những gì tốt nhất cho con cái. Nhưng tất cả trẻ em đều lớn lên và khi trưởng thành, nếu chúng ta thực sự tò mò, tại sao chúng ta lại không có quyền được biết về nguồn gốc của mình chứ?”.

Ông bố gây phẫn nộ khi từ chối nhận con đã bỏ rơi 19 năm

Ông bố gây phẫn nộ khi từ chối nhận con đã bỏ rơi 19 năm

"Con yêu, con ở đâu? Mười chín năm rồi, ngày nào bố cũng nhớ con ...", người đàn ông viết trong quá trình tìm kiếm đứa con trai thất lạc 19 năm.

Theo Zing