dan ong trung quoc triet san anh 1
 

Huang Yulong, sống ở thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc, không bao giờ muốn có con. Khi còn nhỏ, Huang đã oán giận cha mẹ. Họ làm việc ở những nhà máy xa xôi, để lại anh ở quê cho họ hàng chăm sóc và mỗi năm chỉ về thăm một lần.

Huang cảm thấy mình không có bổn phận phải sinh con để nối dõi gia đình. Vì vậy, năm 26 tuổi, anh đã thắt ống dẫn tinh, theo The New York Times.

"Đối với thế hệ chúng tôi, con cái không phải là điều cần thiết. Bây giờ chúng tôi có thể sống mà không có bất kỳ gánh nặng nào. Vậy tại sao không đầu tư nguồn lực kinh tế và tinh thần cho cuộc sống của chính mình?", Huang, hiện 27 tuổi, nói.

Chàng trai độc thân này là một đại diện của lối sống DINK, viết tắt của "Double Income, No Kids" (tạm dịch: thu nhập kép, không con cái). Lối sống này ra đời từ nhiều thập kỷ trước, song gần đây đang trở thành xu hướng ở Trung Quốc.

dan ong trung quoc triet san anh 2

Huang (bên phải) lựa chọn triệt sản ở tuổi 26. Ảnh: The New York Times.

Nhiều người trẻ tại đất nước tỷ dân trốn tránh việc sinh con vì chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ngày càng đắt đỏ, giá nhà đất tăng, cạnh tranh trường học khốc liệt. Một số cặp vợ chồng chỉ sinh một con, trong khi số khác hoàn toàn nói không với con cái.

DINK đi ngược lại với nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng dân số của chính phủ Trung Quốc. Hôm 31/5, Bắc Kinh một lần nữa sửa đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình, cho phép mỗi cặp vợ chồng có ba con thay vì hai như trước.

Chính sách này nhằm khuyến khích các gia đình trẻ sinh thêm con, nhưng những người đàn ông như Huang vẫn một mực nói không với con cái. Nhiều người thậm chí đã sử dụng các phương pháp triệt sản để đảm bảo điều đó.

Triệt sản là điều cấm kỵ

Quyết định thắt ống dẫn tinh của Huang có vẻ cực đoan. Tuy nhiên, từ lâu, các nhà nhân khẩu học đã cảnh báo rằng số lượng người Trung Quốc chọn không sinh con ngày càng tăng là nguyên nhân chính khiến dân số nước này bị thu hẹp. Theo điều tra dân số mới nhất, quy mô hộ gia đình trung bình hiện nay là 2,62, giảm so với 3,1 vào năm 2010.

Huang, người kiếm được 630 USD/tháng từ công việc sửa điện thoại di động, cho biết phần lớn quyết định của anh liên quan đến việc bố mẹ vắng nhà lúc nhỏ cũng như thiếu cơ hội kinh tế.

Cha mẹ anh là công nhân nhà máy ở tỉnh Quảng Đông và hiếm khi trở về quê nhà ở Hồ Nam để thăm anh. Họ gần như không có thời gian cho đứa con duy nhất của mình.

dan ong trung quoc triet san anh 3

Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân khẩu học sắp tới. Ảnh: Getty.

"Nếu tôi kết hôn và sinh con, tôi vẫn thuộc tầng lớp thấp kém", Huang đề cập đến xuất thân là con trai của những công nhân nhà máy đang gặp khó khăn. "Đến một lúc nào đó, tôi cũng có thể bỏ lại con ở quê giống như cha mẹ đã làm. Nhưng tôi không muốn điều đó".

Lúc 14 tuổi, Huang cũng rời Hồ Nam để tìm việc ở Quảng Đông. Sau đó, anh yêu một người phụ nữ muốn kết hôn và sinh con với mình. Người đàn ông này đã rất phân vân về việc lập gia đình.

Thế nhưng, cuối cùng, anh đã chia tay cô gái đó. Và vào tháng 6/2019, Huang đến một bệnh viện ở Quảng Châu để thắt ống dẫn tinh.

Anh mô tả cuộc tiểu phẫu đó như một món quà sinh nhật cho chính mình.

Thanh niên chưa lập gia đình lựa chọn triệt sản là điều cấm kỵ trong một xã hội gia trưởng như Trung Quốc. Ở nhiều thành phố, bác sĩ yêu cầu phải có giấy chứng nhận kết hôn và sự đồng ý của bạn đời. Trong trường hợp của Huang, anh đã nói dối bác sĩ để được phẫu thuật.

"Nuôi con quá tốn kém và rắc rối"

Jiang, huấn luyện viên cá nhân 29 tuổi ở tỉnh Phúc Kiến, cho biết anh đã cố gắng thắt ống dẫn tinh ở khoảng 6 bệnh viện và đều bị từ chối. Lý do là chàng trai này không thể cung cấp "giấy chứng nhận kế hoạch hóa gia đình", một tài liệu chính thức nêu rõ tình trạng hôn nhân và số con của một người.

"Họ từ chối làm phẫu thuật cho tôi và nói: 'Bạn chưa kết hôn và không có con, bạn đang công khai đi ngược lại chính sách sinh đẻ của đất nước'", Jiang, một người độc thân, cho biết.

Vào tháng 3, Jiang cuối cùng đã tìm thấy một bệnh viện ở thành phố Thành Đô sẵn sàng cung cấp dịch vụ phẫu thuật. Anh đã chia sẻ chi tiết về quy trình này trên một diễn đàn DINK của Baidu, công cụ tìm kiếm phổ biến ở Trung Quốc.

Jiang nói rằng anh muốn thay đổi suy nghĩ của mọi người về cuộc phẫu thuật cũng như quan niệm sai lầm rằng thắt ống dẫn tinh sẽ khiến đàn ông trở nên ẻo lả.

Trong nhiều thập kỷ, người Trung Quốc quan niệm con cái là để nối dõi, thể hiện lòng hiếu thảo đồng thời là chỗ dựa khi về già. Thế nhưng, mạng lưới an sinh xã hội ngày càng mở rộng và sự gia tăng của các gói bảo hiểm đã mang lại cho người trẻ ngày nay nhiều lựa chọn hơn.

dan ong trung quoc triet san anh 4

Chi phí nuôi dạy con cái, cuộc chiến giành trường học, giá nhà đắt đỏ khiến nhiều cặp vợ chồng ở Trung Quốc lựa chọn không sinh đẻ hoặc chỉ sinh một con. Ảnh: The New York Times.

Trung Quốc hiện có số lượng người độc thân lớn nhất thế giới. Năm 2018, quốc gia này có khoảng 240 triệu người chưa kết hôn, chiếm khoảng 17% tổng dân số.

He Yafu, nhà nhân khẩu học ở thành phố Trạm Giang, cho biết: "Những người trẻ ngày nay không có khả năng chịu đựng gian khổ như thế hệ trước. Nhiều người nghĩ rằng con cái cũng không giúp gì được nhiều khi về già. Vì vậy, họ muốn tiết kiệm nhiều tiền hơn để vào viện dưỡng lão hoặc mua bảo hiểm".

Theo nghiên cứu năm 2018 do Chinese Women’s Studies công bố, chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ đến năm 17 tuổi là khoảng 30.000 USD, gấp 7 lần mức lương trung bình hàng năm của người dân Trung Quốc.

Huang (24 tuổi), sinh viên tốt nghiệp ngành máy tính ở thành phố Vô Tích, cho biết anh quen biết người yêu hiện tại thông qua một diễn đàn DINK.

"Tôi liên tục nói với cô ấy rằng chi phí sinh đẻ rất cao và việc nuôi con đáng sợ như thế nào đối với phụ nữ", anh nói.

Sau khi thừa nhận với bạn bè về việc ghét trẻ con, Huang đã được khuyên đi thắt ống dẫn tinh. Tháng 11 năm ngoái, anh trải qua cuộc phẫu thuật tại thành phố Tô Châu.

Kế hoạch nghỉ hưu của Huang là di cư đến Iceland hoặc New Zealand, những quốc gia có hệ thống an sinh xã hội tương đối tốt.

"Nuôi dạy một đứa trẻ rất tốn kém và rắc rối nhưng con cái cũng chỉ có thể báo hiếu bạn trong khoảng 10 năm. Cái giá bỏ ra quá cao nhưng lợi nhuận thu về lại rất thấp. Thật không đáng chút nào", Huang nói.

Theo Zing

Hết thời sính ngoại, phụ huynh Trung Quốc lại mê mẩn Nho giáo

Hết thời sính ngoại, phụ huynh Trung Quốc lại mê mẩn Nho giáo

Không còn sùng bái các phương pháp giáo dục phương Tây, cha mẹ Trung Quốc lại tìm về các giá trị truyền thống để dạy con lễ nghĩa.