9h sáng ngày 19/5, trong căn nhà cấp 4, một người đàn ông trên chiếc xe lăn đang cố gắng đưa từng nhát chổi quét nhà. Căn nhà sạch sẽ hơn, anh lại bắt tay vào việc chuẩn bị bữa trưa để đón vợ và con gái đi học, đi làm trở về.

Anh là Đinh Công Vịnh (SN 1990, Mai Châu, Hòa Bình). Người từng là trụ cột của gia đình nay lùi về làm ‘hậu phương’ cho vợ con sau một sự cố ‘thay đổi hoàn toàn cuộc đời’ vào năm 2017.

3 năm trước, khi anh Vịnh đang làm phụ hồ ở Hà Nội, những cơn đau lưng dữ dội xuất hiện. Anh về Hòa Bình, vào bệnh viện thăm khám thì biết mình mắc bệnh liên quan đến dây thần kinh.

{keywords}
Căn nhà của gia đình anh Vịnh trước đây

Sau 1 tuần chữa trị ở bệnh viện huyện, anh quay lại Hà Nội làm việc nhưng cơn đau không thuyên giảm.

Thấy nhiều người tiêm thuốc giảm đau trực tiếp vào lưng, anh cũng làm theo. ‘Đau quá nên có ngày tôi tiêm 2 mũi, liên tục trong thời gian dài’, anh nhớ lại. Sau hơn một năm, vết tiêm bị nhiễm trùng vào tủy.

Sau ca phẫu thuật hút dịch, bác sĩ nói rằng đã hút được hơn 1 lít dịch trong tủy nhưng vẫn phải ở lại bệnh viện để phục hồi chức năng.

Sau đó, anh Vịnh quay trở lại bệnh viện để xử lý vết thương ở đùi bị hoại tử. Một lần nữa, anh lại chịu thêm 2 cơn đau mổ (1 lần không xử lý được hết nên sau 1 tuần lại tiếp tục mổ lần 2).

{keywords}
Di chuyển và các sinh hoạt cá nhân, anh đều phải nhờ vợ hỗ trợ.

Anh mất khả năng đi lại, từ xương cụt trở xuống cũng không còn cảm giác. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, anh trở thành người không còn sức lao động.

‘Không thể di chuyển, mọi việc đi vệ sinh, tắm rửa… tôi phải nhờ đến vợ. Từ người đàn ông vui vẻ, hoạt bát, tôi trở nên lầm lỳ, khó tính và thường xuyên gắt gỏng, gây chuyện với người xung quanh. Tôi thay đổi hoàn toàn, sống thu mình lại suốt thời gian dài’, anh nói.

‘Nhìn cảnh nhà không còn gì, vợ phải chạy khắp nơi để vay mượn cho chồng chữa bệnh, tôi từng nghĩ đến việc kết thúc cuộc sống để không phải là gánh nặng cho bất cứ ai’, anh nói.

{keywords}
Chị Hoa đi giao hàng cho khách.

Căn bệnh cũng khiến anh không thể thực hiện chức năng của người đàn ông. Dù rất đau lòng, anh nói về chuyện chị có thể đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng lời đề nghị của anh Vịnh đã bị chị Hoa gạt đi.

Sự kiên định của vợ đã khiến anh thay đổi suy nghĩ. Anh tham gia vào các nhóm của những người có cùng hoàn cảnh trên mạng xã hội. Từ môi trường này, anh được gặp gỡ những người bị nặng hơn anh, thậm chí có người chỉ còn biết trông cậy vào mẹ già.

‘Thấy họ vẫn vượt qua được trong khi mình có vợ con bên cạnh lại định buông xuôi, tôi nghĩ rằng, không chết được thì phải sống tốt, không làm ảnh hưởng đến gia đình, không thể là gánh nặng cho xã hội. Tôi bắt đầu đứng dậy…’.

Mọi thứ đều phải học lại từ đầu như một đứa trẻ. Trước đây, với cơ thể khỏe mạnh, anh Vịnh có thể làm mọi thứ nhưng nay anh bắt đầu học cách làm trên một cơ thể không còn như trước.

{keywords}
'Cảm ơn em vì đã không bỏ rơi anh!'

Việc đầu tiên, anh cố gắng tự ra nhà vệ sinh, tắm rửa phục vụ bản thân. Sau đó, anh học cách quét nhà, học cách nấu một bữa cơm cho gia đình.

‘Sau khi tôi bị bệnh, vợ vừa phải làm ruộng vừa phải làm thuê, trưa còn phải về qua nhà lo cơm nước cho chồng. Nhưng nay khi vợ con đi làm, đi học về đã có cơm nóng ăn, nhà cửa gọn gàng chờ sẵn.

Khi tự làm được các việc cá nhân và việc nhà, anh Vịnh nghĩ xa hơn. Qua mạng xã hội, anh nghĩ đến việc bán nông sản online sẽ phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của mình. Việc bán con gà, cây giống, hàng tạp hóa… đã giúp anh chị lo đủ bữa ăn cho gia đình và còn trả bớt nợ ngân hàng.

Họ cũng được các nhà hảo tâm xây tặng 1 căn nhà cấp 4 thay cho căn nhà lợp mái lá cũ. Có nhà vệ sinh, nhà tắm khép kín khiến việc di chuyển của anh thuận lợi hơn.

Anh Vịnh chia sẻ, cuộc đời anh như được hồi sinh thêm một lần nữa nhờ người bạn đời bên cạnh.

Họ quen nhau khi đi chơi ngày Quốc khánh 2/9. Ban đầu, anh Vịnh định nhờ chị Hoa giới thiệu cho người bạn của chị.

Nhưng sự mai mối này không thành, bù lại anh có cơ hội nói chuyện với chị nhiều hơn. Từ sự sẻ chia, họ đồng cảm và đến với nhau. Đám cưới của cặp đôi diễn ra vào năm 2012. 1 năm sau, họ đón con gái đầu lòng.

‘Vợ tôi là người trầm tính, ít nói, chỉ biết làm để chăm lo cho chồng con. Thời điểm tôi tuyệt vọng nhất cũng vì quá yêu và thương, tôi mới đành lòng bảo cô ấy tìm người khác. Lúc đó, tôi không nghĩ rằng, chúng tôi có thể vượt qua được, để có ngày hôm nay…’, anh chia sẻ.

{keywords}
Cuộc sống của họ đã dần ổn định hơn.

Điều anh day dứt là suốt những năm tháng cạnh nhau, anh chưa có món quà nào giá trị để tặng chị.

‘Lúc còn khỏe mạnh thì kinh tế quá khó khăn. Nay muốn tặng cô ấy một món quà vào ngày lễ cũng không thể vì tôi không đi lại được. Chỉ mong sức khỏe tôi ổn định, không để vợ vất vả vì mình nữa. Sau tất cả, tôi chỉ muốn nói rằng: ‘Cảm ơn em vì đã không bỏ rơi anh’, anh cho biết.

Về hành trình đồng hành cùng chồng, chị Hoa chia sẻ: ‘Tuy rằng đến giờ, trong nhà cũng không có gì gọi là đáng giá. Con đòi tivi để xem hoạt hình cũng chưa mua được nhưng tôi nghĩ không sao. Chồng và con khỏe mạnh, tinh thần ổn định vậy là tốt lắm rồi.

Quan trọng nhất là tình yêu thương của cả hai dành cho nhau luôn bền vững và mạnh mẽ, mọi khó khăn đều sẽ qua’.


Ông Đinh Thiềng (SN 1966, xóm trưởng xóm Pạnh, xã Bao La, huyện Mai Châu, Hòa Bình) cho biết: ‘Hoàn cảnh gia đình anh Đinh Công Vịnh khó khăn khi anh Vịnh bị liệt nửa người 3 năm nay và con gái đang nhỏ tuổi.

Việc lo kinh tế trong gia đình đều phụ thuộc vào người vợ. Gia đình anh là hộ nghèo, mấy năm trước, họ may mắn được các nhà hảo tâm giúp đỡ xây căn nhà cấp 4 thay cho nhà cũ lợp bằng lá’. 


Chuyện tình chàng Việt kiều Mỹ và cô hàng xóm phải nhờ bà ngoại ‘làm mai’

Chuyện tình chàng Việt kiều Mỹ và cô hàng xóm phải nhờ bà ngoại ‘làm mai’

Mến cô hàng xóm dễ thương nhưng anh Quốc Việt chưa một lần dám bắt chuyện. Chỉ đến khi sang Mỹ, nhờ bà ngoại mai mối, anh mới dám bày tỏ tình cảm của mình.

Ảnh: NVCC

Ngọc Trang - Nguyễn Thảo