Làng Hoàng Xá (TT Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội) là địa phương có nhiều tục lệ hay, từng được NXB Phụ nữ nhắc đến trong cuốn ‘Tục hay, lệ lạ Thăng Long’ xuất bản năm 2016.

{keywords}
Đình làng Hoàng Xá.

Người dành nhiều thời gian, nghiên cứu và ghi chép lại những tục lệ của làng là ông giáo Đặng Đình Thiêm (SN 1936).

Ông Thiêm chia sẻ, Hoàng Xá có chợ phiên nổi tiếng là chợ Đình. Mỗi tháng chợ họp 6 phiên vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28. Bởi thế, người dân nơi đây vẫn truyền miệng câu ca: ‘Ngày Ba ngày Tám chớ quên chợ Đình’.

{keywords}
Ông Đặng Đình Thiêm

Nhà giáo lớn tuổi chia sẻ, chợ xưa không chỉ là chỗ giao thương buôn bán, mà còn là chốn cho trai gái hò hẹn, nên vợ nên chồng. Vào ngày chợ phiên 23 tháng Chạp (ông Công ông Táo lên chầu trời) và ngày mồng 8 tháng Giêng thường có tục ‘Cắt đúm’ - nghĩa là ‘đi chợ cầu duyên’.

Đây là tục lệ lâu đời ở làng, giúp trai gái tự do tìm hiểu, lựa chọn bạn đời. Vào ngày này, các nam nữ thanh niên chưa lập gia đình thường háo hức rủ nhau ra chợ để cắt đúm.

Đúm là tiếng địa phương, chỉ một cái túi vải nhỏ, xinh xắn, đựng gương, lược, trầu cau, khuyên tai, nụ hoa, vài đồng bạc lẻ… của thiếu nữ. Cũng có người đựng tờ bao hương (tờ giấy đỏ, thoa má hồng), một bông hoa ngọc lan… tùy theo sở thích mỗi người.

Những chiếc đúm được các cô gái giữ gìn cẩn thận như một báu vật. Xưa kia, đúm được cất trong cái bao thắt ngang trước bụng. Bên ngoài choàng thêm dây lưng rộng gần một gang tay.

Cất giữ kín đáo là vậy nhưng đến chợ phiên, các cô gái lại buộc chiếc đúm mới màu sắc đẹp, hờ hững ra bên ngoài và hi vọng được chàng trai ưng ý bí mật lấy đúm đi.

‘Nơi các cô gái ghé đông nhất là dãy hàng thầy bói ngồi để xin một quẻ cầu duyên, cầu tài, cầu lộc.

Bình thường người ta mất đồ đều lo lắng, tiếc của nhưng với các cô gái, việc mất đúm là điều đáng tự hào vì có người thầm thương trộm nhớ.

Khi ra về, nếu chiếc đúm còn nguyên, các cô thường buồn bã vì chưa có ai để ý. Mỗi lần như vậy, cô gái thường tìm chỗ kín đáo, cất vội chiếc đúm vào trong, lòng tự nhủ: ‘Đợi đến phiên chợ sau nhất định đúm sẽ mất…’, ông giáo nói.

Nếu chiếc đúm bị lấy mất, trên đường về, các cô sẽ đi thật chậm, hồi hộp chờ đợi chàng trai cầm đúm của mình xuất hiện trước mặt.

Khi chàng trai xuất hiện, nếu gặp người vừa ý, cô ngượng ngùng nhận lại chiếc đúm, miệng tủm tỉm cười. Cứ thế, đôi trai gái sẽ bắt đầu tìm hiểu, đi cùng một đoạn đường. Gặp người không ưng, cô gái đội nón đi thẳng, không tiếp lời chàng trai.

Theo ông giáo, không ít đôi lứa đã nên duyên từ những phiên chợ cắt đúm này. Tục lệ ‘Cắt đúm’ cũng thể hiện tư tưởng khá văn minh của người dân Hoàng Xá xa xưa.

'Thời kỳ tư tưởng phong kiến còn nặng nề, chuyện hôn nhân mang tính chất ‘cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy’, thì ở đây, người ta ngầm cho nam nữ tìm hiểu nhau trước hôn nhân, lựa chọn bạn đời của mình’, ông Thiêm khẳng định.

Người chép sử của làng Hoàng Xá cho hay, trong những phiên chợ này, các chàng trai rủ nhau đi thành tốp, mỗi người chuẩn bị một con dao nhỏ bằng đầu ngón tay, sắc lẹm.

Đến chợ, thấy cô gái nào làm mình say mê, chàng trai bí mật đi theo, dùng dao cắt đứt dây đúm.

'Ngày nay, tục ‘Cắt đúm’ đã mai một nhưng tôi vẫn ghi chép lại như một cách lưu giữ văn hóa cho thế hệ trẻ’, ông Thiêm nói.

Ngôi làng kỳ lạ ở Hà Nội, mời khách ăn cưới, gia chủ phải đến đủ 3 lần

Ngôi làng kỳ lạ ở Hà Nội, mời khách ăn cưới, gia chủ phải đến đủ 3 lần

 Gia chủ muốn mời khách ăn cỗ cưới, phải đến đủ 3 lần. Nếu không, thực khách sẽ không đến.

Huy Hùng - Thanh Tâm