{keywords}
Ông Trần Ngọc Tiếp (đứng) vẫn điều hành cơ sở sản xuất hương truyền thống hằng ngày.

Từng là một cán bộ ngành thông tin truyền thông, năm 57 tuổi, ông Trần Ngọc Tiếp mở xưởng sản xuất hương ở xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Suốt 5 năm vẫn còn công tác ở Hà Nội, công việc được ông điều khiển từ xa và giao quyền cho cộng sự làm trực tiếp. Vài ba tuần ông mới về quê một lần để theo dõi công việc. Năm 2013, ông về hưu và trở về quê để trực tiếp điều hành xưởng cho đến nay.

Giống như bao doanh nghiệp khác, dịch bệnh cũng khiến cơ sở sản xuất của ông điêu đứng vì sản phẩm 100% xuất khẩu đi nước ngoài. Nhưng hiện tại, cơ sở vẫn duy trì được hơn 40 công nhân đang làm việc. Doanh thu năm 2020, 2021 vào khoảng 5-6 tỷ đồng/năm - chỉ bằng 1/4-1/5 so với các năm trước đó.

Giai đoạn cao điểm, tại xưởng có tới 80-100 công nhân, hầu hết là người khuyết tật, người cao tuổi, người lao động thuần nông địa phương. Có người làm toàn thời gian, có người tranh thủ lúc nông nhàn.

Chia sẻ về lý do chọn nghề làm hương, ông chủ doanh nghiệp cho biết, công việc ngày xưa giúp ông có cơ hội được đi nhiều nơi, gần như khắp các tỉnh thành trên cả nước. Chứng kiến và theo dõi nhiều mô hình sản xuất ở nông thôn, ông dần có vốn kiến thức về các nghề truyền thống. 

Cũng từ những chuyến công tác ấy, ông nhận thấy "dân mình nhiều nơi vẫn còn nghèo quá", nhất là người dân vùng sâu vùng xa và người khuyết tật không có công ăn việc làm. Chính vì thế, khi khởi nghiệp ở tuổi hưu trí, mục đích chính của ông là giúp nông nghiệp, nông thôn, nông dân và những người yếu thế có cái "cần câu", chứ không phải là làm giàu cho bản thân mình.

Nhận thấy quê mình là vùng chiêm trũng nghèo nàn, lạc hậu và thuần nông, khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư, ông quyết định mở cơ sở sản xuất ngay trên chính quê hương mình. 

Ông Tiếp nhớ lại những ngày đầu mở xưởng, vô vàn khó khăn ập đến. Mặc dù đã nắm được quy trình sản xuất nhưng khi bắt tay vào làm, ông và cộng sự phải tự mày mò, học hỏi rất nhiều mới ra được thành phẩm chất lượng cao. “Tôi mua máy về tự nghiên cứu và thử nghiệm suốt 3 tháng trời”.

Cuối cùng, những nỗ lực của ông cũng được đền đáp. Nhiều đối tác từ Mexico, Ai Cập, Argentina, Nga… tìm đến tận cơ sở của ông để quan sát, đánh giá, tìm hiểu, thương thảo. Có những thương gia nước ngoài còn ăn ở tại nhà ông nhiều ngày liền để hiểu rõ về cách làm việc của xưởng trước khi ký hợp đồng. Suốt nhiều năm nay, những đối tác này vẫn tin tưởng đặt hàng của gia đình ông.

Trong bối cảnh Ấn Độ đột ngột cấm nhập hương của Việt Nam, có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hương xuất khẩu phải phá sản, tạm ngừng sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp của ông vẫn làm không hết việc. Có những thương gia là người nước ngoài còn xin làm “con nuôi” của vợ chồng ông.

{keywords}
Doanh nghiệp của ông Tiếp giải quyết công ăn việc làm cho vài chục tới hàng trăm người dân địa phương, trong đó có nhiều người khuyết tật và người cao tuổi.

Ông Tiếp chia sẻ, ông không có bí quyết gì đặc biệt ngoài việc đảm bảo đúng tiến độ, đúng mức giá đã thoả thuận và đặc biệt là chất lượng sản phẩm phải uy tín trong mọi hoàn cảnh. “Họ cho phép sản phẩm lỗi không quá 3% nhưng hàng của tôi lỗi cao nhất chỉ 0,5%. Trong làm ăn, tôi quan niệm tối kỵ ma ranh, lừa lọc. Doanh nghiệp của tôi cũng luôn đảm bảo mọi yêu cầu theo đúng quy định của pháp luật”.

Một đặc điểm khác biệt trong sản phẩm hương của ông đó là ông chỉ sản xuất hương chất lượng cao: nguyên liệu an toàn, mùi hương truyền thống, không hoá chất và không làm hương cuộn tàn như trên thị trường.

Nói thêm về lý do chọn nghề sản xuất hương để gắn bó lúc tuổi già, ông Tiếp cho biết: “Thứ nhất là nguyên liệu sản xuất rẻ, dễ thu mua. Thứ hai là tiền mua sắm máy móc không lớn, phù hợp với những người có lưng vốn mỏng như tôi. Thứ ba là làm hương không quá khó, ai cũng có thể làm được, từ người khuyết tật tương đối nặng cho tới người già 70 tuổi vẫn làm rất năng suất. Bởi vì công việc này không nặng nhọc hay kỹ thuật cao, chỉ cần bền bỉ, kiên trì và có ý thức trách nhiệm với sản phẩm của mình làm ra và với người tiêu dùng”.

{keywords}
Hương truyền thống của ông Tiếp được xuất khẩu đi nhiều nước trong 13 năm qua. 

Cũng từ trải nghiệm được đi nhiều, biết nhiều khi còn công tác trong cơ quan, ông nhận thấy đời sống của người dân ở các khu vực miền núi, nông thôn còn rất khó khăn, đặc biệt là những người khuyết tật và được học hành ít. Chính vì lẽ đó mà khi mở xưởng sản xuất, ông nhận cả những người khuyết tật nặng vào làm. Ông cử người hướng dẫn cho họ dăm bẩy ngày theo phương châm “cầm tay chỉ việc” là có thể làm tương đối thành thạo.

“Điều khiến tôi vui nhất là có 9 cặp người khuyết tật, “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, đã đến với nhau thành vợ chồng hạnh phúc sau thời gian làm việc tại xưởng. Có những cháu bây giờ không làm nữa nhưng vẫn thường xuyên gọi điện thăm hỏi, tâm sự với tôi. Toàn bộ các cháu nhỏ được sinh ra đều khoẻ mạnh bình thường, không bị khuyết tật như bố mẹ các cháu là điều khiến tôi rất mừng. Hiện tại còn 11 công nhân khuyết tật đang làm việc tại xưởng, có nơi ăn chốn ở - không phải quá chu đáo nhưng cũng tương đối đầy đủ”, ông Tiếp chia sẻ.

Hiện tại, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến đứt gãy nguồn cung ứng, cước tàu biển lại tăng gấp 10-12 lần, tất cả nguyên vật liệu đều tăng so với trước khi dịch bệnh; sức mua - kể cả nước ngoài đều giảm vì không phải mặt hàng thiết yếu. Nhưng ông vẫn cố gắng duy trì sản xuất, mong dịch bệnh được khống chế sẽ phục hồi sản xuất như trước.

Ông cho biết, doanh nghiệp của ông trả lương theo sản phẩm. Những người làm việc toàn thời gian, năng suất cao thì thu nhập 8 - 8,5 triệu đồng, ai làm ít thì 2-3 triệu đồng/ tháng.

“Năm nay, tôi đã 70 tuổi, sức khoẻ đã kém trước nhiều nhưng công việc giúp tôi vui, khỏe, được giao lưu trò chuyện với người lao động, lại tạo điều kiện cho người khuyết tật, bà con nông dân có công việc, thu nhập ổn định lúc nông nhàn, nhất là lúc dịch bệnh khó khăn như hiện nay là vui rồi.

Vấn đề cơ bản là làm được gì có ích cho đời. Như chị biết đấy, toàn bộ nguyên vật liệu sản xuất hương xuất khẩu đều là nông, lâm sản phụ, phế liệu và lao động là người khuyết tật, người già yếu, người yếu thế, lao động thuần nông lúc nông nhàn… nnhưng sản phẩm xuất 100%. Trước dịch bệnh trung bình mỗi năm xưởng mang về cho Tổ quốc khoảng 1 triệu đô. Thế là “có ích cho đời”, là đáng phấn khởi chứ?”.

Ông chia sẻ, rất hi vọng năm tới dịch bệnh được khống chế, kinh tế phục hồi, doanh thu sẽ quay trở lại mốc cũ, nếu như được các cơ quan (như ngân hàng chẳng hạn) hỗ trợ, giúp đỡ thêm. 

Nguyễn Thảo

Cô gái Nùng về quê làm mì ngô, đặt mục tiêu xuất khẩu

Cô gái Nùng về quê làm mì ngô, đặt mục tiêu xuất khẩu

Thất nghiệp vì Covid-19, Hồng về quê Lạng Sơn để tìm cách sản xuất mì ngô - loại cây lương thực từng gắn bó suốt tuổi thơ của cô.