Một buổi sáng cuối tháng 10, Võ ngồi trong cửa tiệm photocopy ở tỉnh Bengo, Angola nhìn ra ngoài trời âm u, se lạnh. Ngày đầu bước chân sang đất nước châu Phi này, anh không nghĩ mình sẽ ở đây đến 10 năm.
Năm 17 tuổi, sau 6 tháng học nghề nail, Vũ Văn Võ làm thủ tục sang Angola - một quốc gia ở miền nam châu Phi.
Theo lời rủ rê và hướng dẫn của một người chị đi trước, cộng với khao khát được tự lập, đỡ đần gia đình, chàng trai sinh năm 1994 xách vali sang châu Phi làm nghề nail, ấp ủ nhiều mục tiêu và dự định.
Võ làm việc ở cửa hàng photocopy đã 9 năm nay. |
Nghèo nàn và lạc hậu hơn Việt Nam tới cả mấy chục năm, những ngày đầu tiên đặt chân lên đất nước châu Phi, Võ chỉ muốn về nhà ngay lập tức. Trước khi đi, anh xác định “nếu như không làm ăn được thì coi như một chuyến du lịch”. Được sự động viên của những người đồng hương, cộng với quyết tâm của bản thân, chàng trai Bắc Ninh dần dần thích nghi với môi trường đầy mới mẻ, lạ lẫm.
Không biết ngôn ngữ, Võ vừa làm việc vừa đoán ý khách hàng. Thậm chí, nhiều lần anh bị dân bản địa bắt nạt chỉ vì không biết tiếng. “Nhiều khi ra chợ, thấy mình người châu Á là thanh niên bản địa chửi bới. Mình biết nhưng im lặng, coi như không nghe thấy gì”.
Nhưng chỉ 3 tháng sau, bằng kiểu “học bồi”, Võ đã giao tiếp được cơ bản với người bản địa bằng tiếng Bồ Đào Nha. Đến giờ, sau 10 năm làm việc ở đây, anh đã “cãi tay đôi” được với dân bản địa.
Sau khoảng 1 năm, công việc làm nail không phát triển như mong muốn. Khu vực Võ sống là vùng nông thôn, nhu cầu làm đẹp của người dân không nhiều. Võ nghỉ làm nail để làm cho cửa hàng photocopy kiêm chụp ảnh thẻ, ảnh cưới cũng do người Việt làm chủ.
Từ đó đến nay, anh đã gắn bó với công việc này được 9 năm. Hiện tại, ngoài Võ, cửa hàng còn có 2 người bản địa làm việc. Anh cũng quản lý cho người chị 3-4 cửa hàng photocopy khác ở gần đó.
Hằng ngày, anh mở cửa lúc 7h30 phút sáng và đóng cửa lúc 17h. Cửa hàng phát triển tốt, mỗi ngày có từ 50-100 lượt khách, thu lãi về khoảng 100 USD/ngày.
Hiện tại, Võ sống cùng 3 người Việt Nam trong một căn nhà thuê rộng 70-80m2 có giá 2 triệu đồng. Sinh hoạt phí ở Angola khá rẻ nên khoản thu nhập của anh có thể vừa chi tiêu vừa gửi về cho gia đình ở Bắc Ninh.
Cửa hàng photocopy một ngày đông khách. |
Người bản địa học cách trồng rau, sửa xe máy
Cách đây 10 năm, Angola trong mắt Võ là một đất nước giàu khoáng sản nhưng đời sống người dân ở vùng nông thôn vẫn rất nghèo nàn, đến thực phẩm cũng không có nhiều để mua. Người dân chủ yếu ăn đồ nhập khẩu, đông lạnh, rau củ cũng thiếu thốn. “Ở khu vực tôi sống, phụ nữ chủ yếu ở nhà sinh con, nội trợ. Đàn ông thì làm thợ xây hoặc lái taxi. Giá xăng dầu ở đây rất rẻ nên người ta hay đi taxi”.
Nhưng từ khi người Trung Quốc và người Việt Nam sang đây sinh sống, làm ăn, đời sống của người dân bản địa đã thay đổi khá nhiều. “Người dân ở đây tay nghề kém. Ngày xưa, những công việc như sửa xe máy, ô tô họ không biết làm, ngay cả những kỹ năng đơn giản như căng xích, sửa bugi… họ cũng không biết. Thậm chí, rau cũng không biết trồng mà ăn. Nhưng từ khi người châu Á sang mở các cửa hàng sửa chữa, thuê người bản địa làm, từ đó họ học hỏi được nhiều và đã bắt đầu tự mở cửa hiệu”.
Một trong số những điều khiến Võ ngạc nhiên và thán phục là người Angola cái gì cũng đội lên đầu. |
“Người Trung Quốc và người Việt Nam sang đây cũng xây dựng các trang trại trồng rau củ sạch, đưa nhiều giống rau củ sang trồng. Từ đó, người dân cũng bắt chước trồng theo và có rau củ mang ra chợ bán. Bây giờ thì mọi thứ nhu yếu phẩm đã đầy đủ, không thiếu thốn thứ gì”.
Võ cũng chứng kiến sự phát triển rõ rệt ở khu vực mình sinh sống từ những ngôi nhà, con đường. Cách đây vài năm, nơi anh sống vẫn còn có những con đường đất, nhà cửa lụp xụp. Còn bây giờ, nhiều ngôi nhà đã khá khang trang, bên trong được thiết kế tiện nghi, hiện đại.
Đẻ nhiều, ít khi cưới
Võ chọn mua con cá này ở chợ cá. |
Ở vùng nông thôn mà Võ sinh sống, các gia đình sinh rất nhiều con. "Nhà ít thì 4 đứa, nhiều thì cả chục đứa. Có lần một gia đình chạy xe ba gác đến cửa hàng của mình để chụp ảnh, cả bố mẹ con cái phải đến chục người, trông rất nheo nhóc”, Võ ể.
“Một điều nữa mình không thích ở đây là người dân có ý thức chưa cao - thường xuyên vứt rác bừa bãi khi ăn uống. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng kém”.
Làm nghề chụp ảnh nhưng Võ chủ yếu chụp ảnh thẻ, ít khi được chụp ảnh cưới, vì “ở đây chỉ nhà giàu mới tổ chức đám cưới”. “Thường thì khi trai gái yêu nhau, 2 gia đình sẽ tổ chức mang lễ sang rồi 2 người về ở với nhau luôn. Có điều kiện thì chụp bức ảnh, nhiều người 40-50 tuổi mới tổ chức đám cưới, thậm chí đến già cũng không biết đám cưới là gì. Bởi vì tổ chức đám cưới ở đây rất đắt đỏ so với mức sống của người dân”.
Ngược lại, sống ở Angola 10 năm, Võ cũng thích nhiều thứ ở đất nước châu Phi này. Trước tiên là thời tiết, khí hậu rất dễ chịu cho cả con người lẫn cây trái, rau củ phát triển. Người dân Angola cũng rất hiền lành, thân thiện, vì thế khi họ trồng trọt, chăn nuôi đều cho ra sản phẩm sạch, yên tâm về chất lượng.
“Thực phẩm ở đây rất ‘thật’, ví dụ như người dân nuôi gà toàn là gà thả tự nhiên, không cho ăn thức ăn tăng trọng hay thuốc men gì hết. Rau củ, hoa quả cũng sạch sẽ, hoàn toàn có thể yên tâm dùng”.
Cũng nhờ thời tiết và thiên nhiên ưu ái mà Võ cũng được thưởng thức nhiều món ăn quý hiếm mà nếu ở Việt Nam chưa chắc anh đã có cơ hội thử.
Chờ ngày về quê lập nghiệp
Giàn bầu mà Võ mang hạt giống từ Việt Nam sang trồng trước cửa nhà. |
Sống ở vùng nông thôn nên các thú vui của Võ cũng rất lành mạnh. Nhà chỉ cách biển 3km nên thỉnh thoảng cuối tuần, anh lại đi chơi biển, đi câu cá hoặc vào rừng bắt ong mật ngâm rượu.
“Nhiều khi cũng buồn vì thấy ở Việt Nam mọi người được đi chơi những chỗ đẹp, ăn những quán ngon, còn ở chỗ mình thì phải đi 50-60km mới có cửa hàng ăn uống lịch sự. Khu vực xung quanh chỉ toàn quán ăn bình dân, dựng lên như cái lán”.
Món ăn bản địa cũng rất khó ăn nên mặc dù đã sống ở đây được 10 năm, Võ cũng chỉ ăn được một vài món nên chủ yếu anh tự nấu nướng ở nhà. “Thỉnh thoảng, mấy chị em rủ nhau lên phố, đi ăn ở nhà hàng Bồ Đào Nha thì mới có nhiều món ngon”.
Hài lòng với cuộc sống hiện tại nhưng lúc nào Võ cũng mong ngày được trở về quê hương. Anh tâm sự rằng, đôi khi cũng nuối tiếc khi cả tuổi thanh xuân đã dành hết cho Angola.
10 năm ở Angola, nhiều cô gái bản địa rất có cảm tình với anh. Nhiều cô còn nhắn tin tán tỉnh, ngỏ lời “muốn lấy làm chồng” nhưng đến nay Võ vẫn chưa bén duyên được với cô gái nào.
“Ban đầu mới sang, mình không thấy nước da đen của họ là đẹp, nhưng bây giờ mình thấy da đen vẫn đẹp. Phụ nữ Angola lại cao, dáng rất chuẩn. Nhưng mình vẫn thích con gái Việt Nam hơn” - Võ cười khi chia sẻ.
Anh dự định cuối năm nay sẽ về Việt Nam để lập nghiệp ở quê nhà. “Bởi vì bố mẹ đã già cần người chăm sóc, và mình cũng đến tuổi lập gia đình. Mình xa gia đình lâu quá rồi”.
Nếu suôn sẻ, anh sẽ mở một quán ăn để phục vụ thực khách những món ăn sở trường của mình mà 10 năm nay chỉ được trổ tài nơi đất khách.
Sở thích của Võ là tự tay chế biến, nấu nướng những bữa ăn ngon đậm chất quê nhà. |
Nguyễn Thảo
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Người Việt ở nước ngoài: 'Học đại học xong sang đây rửa xe à?'
Bỏ tấm bằng đại học ở Việt Nam, chị theo chồng sang Cộng hòa Séc làm công việc rửa xe nhưng chưa lần nào chị hối hận về quyết định của mình.