Ngày 16/2, Lễ hội Khai xuân Tây Yên Tử 2019 sẽ chính thức diễn ra với tuần văn hoá du lịch “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử”, công tác chuẩn bị cho đại lễ đang được Bắc Giang gấp rút hoàn thành.

Trước khi Lễ hội diễn ra, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang, Sở VHTTDL tổ chức lễ rước tượng Trúc Lâm Tam Tổ từ chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) lên chùa Thượng, thuộc Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, xã Tuấn Mậu (Sơn Động). 

{keywords}
 Lễ rước tượng Trúc Lâm Tam Tổ từ chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) lên chùa Thượng, thuộc Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, xã Tuấn Mậu (Sơn Động).


Các pho tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, ngoài dát vàng. Nổi bật là pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế tọa sen cao 110 cm, nặng hơn 250 kg; trên áo, tòa sen khắc hoa văn núi non, rồng bay, rừng trúc. Tượng Pháp Loa và Huyền Quang trong tư thế đứng, mỗi pho tượng cao 120 cm, nặng khoảng 100 kg. Các pho tượng đặt trang trọng trên xe có trang trí cờ hoa rực rỡ được di chuyển từ chùa Vĩnh Nghiêm đến chùa Thượng thuộc Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử trong tiếng nhạc lưu thủy. Lễ rước, an vị tượng tại chùa Thượng diễn ra trang trọng theo nghi thức Phật giáo.

Theo kế hoạch, sáng nay 15/2, BTC lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử và Tuần Văn hóa - Du lịch tổ chức lễ khánh thành chùa Thượng; lễ cầu quốc thái dân an.

Nhiều du khách thập phương rất háo hức vì năm nay, đường xá thông thoáng, sạch đẹp, cáp treo lên chùa Thượng đi vào hoạt động. Quãng đường từ chùa Thượng lên chùa Đồng rút ngắn, việc đi lại lên đỉnh non thiêng khá thuận tiện. Tuy nhiên, đa số lại không đồng tình với việc có trạm thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Khu di tích Yên Tử khi vừa từ chùa Thượng bước chân sang địa phận tỉnh Quảng Ninh, chỗ lấy mốc là Hòn Kim Quy. 

{keywords}
Cổng soát vé cách chùa Đồng 700m đi từ hướng Tây. 

Bà Nguyễn Thị Hà – phật tử đi lễ ở Chùa Đồng chia sẻ: “Đây là lần đầu cũng là lần cuối tôi đi lễ chùa mà có thu phí kiểu này”. Bà Hà cho biết, bà được các con cho đi du lịch khá nhiều địa điểm chùa chiền trên thế giới, nhưng không thấy ở đâu lại thu phí tham quan “chưa hợp lý” như ở Yên Tử.

“Từ Bắc Giang, tôi qua chùa Hạ, lên chùa Thượng bằng một tuyến cáp treo mất 260.000đ, không mất phí tham quan nào cả. Tuy nhiên, đi bộ một đoạn gần đỉnh chùa Đồng, tôi sững người vì trạm thu phí. Khi tôi hỏi, những người ở đó nói tôi đọc bảng hướng dẫn, bất ngờ nhưng đã lên tới đây rồi, tôi không muốn quay về nên cùng con trai mua 2 vé để qua trạm hết 80.000đ, cháu tôi nhỏ nên được miễn phí”, bà Hà nói.

Bà Hà cho hay, bà đã từng đi Yên Tử từ phía Đông và thấy rằng, quãng đường từ đó lên chùa Đồng khá dài, qua nhiều nơi, bà đi lúc chưa thu phí tham quan. Và năm ngoái, bà thấy thông tin bên đó thu phí 40.000đ/ lượt, cũng hơi bất ngờ nhưng còn có lý. Năm nay, đi Yên Tử từ phía Tây, bà có cơ hội so sánh.

Bà Hà chia sẻ, quãng đường đi lên chùa Đồng từ phía Tây rất ngắn, chỉ bằng 1/4 quãng đường nếu đi từ phía Đông. Trong khi đó, chùa Đồng là của toàn dân, và việc chỉnh trang chùa từ nhiều năm về trước cũng do nguồn vốn xã hội hoá, cung tiến từ các phật tử.

“Đi lễ chùa lâu nay vốn không thu phí, vậy mà giữa lưng chừng núi lại mọc ra trạm bán vé như vậy”, bà Hà nói. Bà Hà cho rằng, bà đi lên chùa Đồng từ hướng Tây, không tham quan vãn cảnh gì từ chân núi, không qua chùa Hoa Yên hay tượng Phật Hoàng, bà chỉ có nhu cầu lễ phật trên chùa Đồng, thu phí một đoạn đường ngắn như vậy là không công bằng với du khách thập phương. 

{keywords}
Bảng thông báo thu vé tham quan nếu du khách đi từ hướng Tây lên chùa Đồng.

“Đoạn đường để du khách tham quan vãn cảnh thuộc Khu di tích Yên Tử từ phía Đông rất dài, nhiều điểm tham quan vãn cảnh. Chúng tôi đi từ phía Tây, vào cổng không mất phí, còn mỗi đoạn ngắn lên chùa Đồng lại bị mất tới 40.000đ, như vậy không hợp lý, thu cũng chỉ 10.000đ là cao”, bà Hà cho hay.

Khi phóng viên VietNamNet hỏi, một cán bộ thuộc nơi bán vé tham quan danh lam thắng cảnh Khu di tích Yên tử giải thích: “Đấy là du khách nói họ chỉ tới chùa Đồng, nhưng biết đâu họ xuống chùa Hoa Yên và các nơi khác thuộc phía Đông trong quần thể di tích Yên Tử thì sao?”.

Phóng viên phản biện lại rằng, vậy có thể đặt trạm thu phí bắt đầu từ lối xuống của chùa Đồng, có một con đường duy nhất dẫn xuống chùa Hoa Yên và các khu khác. Như vậy, bất cứ ai đi Yên Tử từ phía Tây muốn tham quan các khu khác thuộc phía Đông sẽ phải mua vé. Cán bộ này “ậm ừ” và nói sẽ báo cáo cấp trên về việc này.

Ông Lê Ánh Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay: “Bắc Giang không thu phí tham quan, dù hiện tại cơ sở vật chất, đường xá chúng tôi đầu tư rất đẹp. Chúng tôi sẽ có buổi làm việc với Quảng Ninh về vấn đề này để tìm ra phương hướng tốt đẹp nhất”.

Liên quan tới vấn đề này, VietNamNet liên hệ với Bộ VHTTDL, tuy nhiên, phía Bộ cho rằng, việc quản lý di tích quốc gia dù thuộc thẩm quyền của Bộ nhưng quyết định thu phí lại thuộc thẩm quyền địa phương có di tích. 

Ông Phạm Tuấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí cho hay, Thành phố đang thực hiện đúng theo Nghị quyết số 88/2017-HĐND ngày 13/12/2017 của HĐND tỉnh Quảng Ninh về việc quy định thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh theo Luật phí và lệ phí đối với khách tham quan danh lam thắng cảnh Khu di tích Yên Tử kể từ ngày 1/1/2018. Ông Đạt cho rằng, vì là quy định nên sẽ không phân biệt du khách đi từ hướng nào tới chùa Đồng nên mức phí sẽ cố định như vậy, chưa thay đổi gì.

“Nhiều du khách đi từ Đông Yên Tử cũng chỉ lên tới Hoa Yên, không lên tới chùa Đồng nhưng vẫn mức giá vé như vậy. Cũng như nhiều du khách dù đi từ Bắc Giang sang, không chỉ lên mỗi chùa Đồng, họ có quyền đi hết các chùa thuộc phía Đông Yên Tử. Mọi du khách từ Bắc Giang sang chùa Đồng chúng tôi cũng phải có trách nhiệm đảm bảo vệ sinh, bảo hiểm con người,...

Chúng tôi vẫn đang thực hiện theo quy định, mức giá như vậy. Còn việc có dịch trạm thu phí hay không, cái này rất khó bởi tới chùa Đồng du khách có thể đi bằng nhiều đường, tiểu ngạch chính ngạch đều có cả. Vậy nên công tác quản lý sẽ khó khăn bất cập”, ông Đạt cho hay.

Bài, ảnh: Tình Lê

Chưa thống nhất về việc quản lý tiền công đức tại Yên Tử

Chưa thống nhất về việc quản lý tiền công đức tại Yên Tử

UBND TP Uông Bí đã giao cho cho Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử chịu trách nhiệm tổ chức triển khai việc thu tiền công đức và nộp vào Kho bạc thành phố.