30 năm Lưu Quang Vũ đã đi xa, chỉ còn trong cõi nhớ của những người ở lại nhưng mỗi lần nhắc tới ông, người ta vẫn dùng từ "chiến binh nhân ái" của thơ ca và sân khấu.

Nhân tưởng niệm 30 năm ngày mất của tác giả Lưu Quang Vũ, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo với chủ đề "Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại Việt Nam".

Hội thảo đã nhận được 26 tham luận của các nhà nghiên cứu lý luận phê bình Văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ, nhà quản lý, tác giả, đạo diễn. Hội thảo tập trung bàn luận về những đóng góp của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với nền sân khấu đương đại Việt Nam; đánh giá những giá trị Chân – Thiện – Mỹ qua các tác phẩm sân khấu; Quan điểm nhân sinh quan của tác giả; Những góc nhìn có tính “dự báo”, tính nhân văn, tính thời đại thể hiện trong các tác phẩm,...

{keywords}
Cho đến hôm nay, sau hơn 30 năm, có thể khẳng định Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch có số lượng tác phẩm gây chấn động dư luận nhất của Việt Nam.


NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng “Cho đến hôm nay, sau hơn 30 năm, có thể khẳng định Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch có số lượng tác phẩm gây chấn động dư luận nhất của Việt Nam. Sự ra đi đột ngột của “Hiện tượng Lưu Quang Vũ”, sân khấu Việt Nam vẫn chưa có tác giả nào bù đắp được khoảng trống mà Lưu Quang Vũ để lại”.

NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, thời gian qua, những tác phẩm của ông vẫn được các đơn vị nghệ thuật từ chèo, cải lương, rối, dân ca kịch và đặc biệt là sân khấu kịch Việt Nam ở các đơn vị Trung ương, Hà Nội, lực lượng vũ trang và các địa phương luôn khai thác dàn dựng. Lưu Quang Vũ ra đi ở tuổi 40, nhưng những tháng năm ngắn ngủi của đời mình, ông đã sống, lao động miệt mài thắp lên ngọn lửa sáng tạo.

"Cho đến hôm nay sau 30 năm, xa Vũ, chúng ta vẫn thấy ngọn lửa ấy ngày càng sáng hơn, và như vậy những người thân của Lưu Quang Vũ được an ủi, khi ông “đi xa” vẫn đón nhận được tình cảm yêu mến của bạn bè, công chúng đối với người nghệ sĩ tài hòa. “Ngọn lửa (Vũ – Lưu Quang) luôn thắp sáng trong nền sân khấu cách mạng Việt Nam", NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.

{keywords}
Hoa cúc xanh trên đầm lầy - vở diễn mà nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng lại tưởng nhớ 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ là vở kịch quá xuất sắc trong vô vàn vở kịch của ông.

PGS.TS Lưu Khánh Thơ, em gái của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ chia sẻ: "Mỗi một vở kịch là một mặt cắt của hiện thực. Anh gửi gắm trong đó những tâm tư, tình cảm, khát vọng, những trăn trở về tình yêu, hạnh phúc, những suy tư về lẽ sống, lẽ làm người, cả những dự cảm về sự sống và cái chết…". 

PGS.TS Lưu Khánh Thơ cũng cho rằng Lưu Quang Vũ đã chứng tỏ một sự nhạy cảm đặc biệt, một khả năng phát hiện, nắm bắt cái "lõi" của hiện thực để phản ánh. Ngòi bút của Lưu Quang Vũ đã xông vào hầu hết mọi ngõ ngách của cuộc sống cũng như tâm hồn của con người.

Lưu Quang Vũ không hạn chế mình trong bất cứ thể loại đề tài nào bởi ở đâu anh cũng phát hiện ra vấn đề để bàn luận, trao đổi.

Có thể thấy, với 53 vở kịch ngắn dài, hàng trăm bài thơ, truyện ngắn và những bài viết về sân khấu… cuộc đời và tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ luôn được bạn bè trong giới văn nghệ, người đọc đón nhận với vị trí rất trọng. Vào thời hoàng kim của sân khấu Việt Nam, cũng là đỉnh cao của sự nghiệp của Lưu Quang Vũ nhiều kịch bản của ông đã chiếm lĩnh sân khấu cả nước, tạo ra uy tín nghề nghiệp cùng với các đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên góp phần tạo nên diện mạo sân khấu vào những năm 1970, 1980 của thế kỷ 20.

{keywords}
30 năm Lưu Quang Vũ đã đi xa, chỉ còn trong cõi nhớ của những người ở lại nhưng mỗi lần nhắc tới ông, người ta vẫn dùng từ "chiến binh nhân ái" của thơ ca và sân khấu.


Đánh giá về một trong những tác phẩm kinh điển "Hồn Trương Ba – Da hàng thịt" của ông, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ: "Đây là một kịch bản mà đã gánh chịu một số phận long đong, vất vả. Sau nhiều nỗ lực Nhà hát Kịch Việt Nam và đạo diễn NSND Nguyễn Đình Nghi, từ kịch bản, năm 1986 đã ra đời vở diễn chói sáng và lộng lẫy nhất của Nhà hát cuối thế kỷ 20.

Thành công liên tiếp theo thời gian, đến nay "Hồn Trương Ba – Da hàng thịt" đã trở thành vở diễn thể loại kịch, theo tôi có lẽ là duy nhất ở sân khấu Việt Nam, đạt được tới một số phận văn hóa".

Đồng quan điểm, theo NSƯT Lê Chức cho rằng: "Chúng tôi là những nghệ sĩ cùng thời, cùng làm việc và cảm nhận trực tiếp về nhau, đón đợi từng thành công và biết chia sẻ cả những khó khăn nào đó của nhau. Có thể khẳng định, Lưu Quang Vũ là người "chiến binh" nhân ái của thơ ca và sân khấu".

Hội thảo về nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sau 30 năm ngày tác giả qua đời không chỉ là nén tâm hương nhớ tới "Người trong cõi nhớ" mà để chính những người làm nghệ thuật sân khấu hôm nay định vị, nhận diện lại con đường sáng tác hiện đại. Nói như nhà văn Ngô Thảo, hội thảo cho chính những người làm nghệ thuật nhìn nhận, đánh giá được thực trạng của văn học nghệ thuật hôm nay.

Tình Lê