Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vừa khai mạc triển lãm Giấc mơ gia đình. Triển lãm được thực hiện nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10, hưởng ứng chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” và thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” của Hội LHPN Việt Nam.
Với 3 chủ đề: Cuộc sống không bình yên, Khi con tìm thấy nụ cười, Những ước mơ nhỏ bé, triển lãm là tiếng lòng của những đứa trẻ sớm phải chịu thiệt thòi thông qua những hình ảnh và tư liệu được sắp xếp khéo léo. Bất cứ ai xem triển lãm cũng phải nhói lòng vì những đứa trẻ mồ thiếu may mắn.
Giấc mơ gia đình của những đứa trẻ thiếu may mắn thực sự rất xa vời. Cuộc sống không bình yên ấy đã khiến các em ấp ủ trong mình những giấc mơ nhiều khi vô cùng nhỏ bé và đầy xót xa. |
Em Giàng A Thọ, sinh năm 1999 ở Sơn La, kể: “Bố mất từ khi con chưa sinh ra, mẹ bỏ 6 anh em chúng con đi lấy chồng. Vì vậy con không biết mặt bố và cũng không có nhiều ký ức về mẹ. Con chỉ nhớ cũng có lần mẹ đến thăm và mẹ khóc, mẹ nói thương chúng con”.
Em Thào A Lềnh, sinh năm 2000 ở Yên Bái: “Lên 2 tuổi bố mất, mẹ bỏ đi lấy chồng, con ở với ông bà nội. Đến tuổi con không được đi học, hàng ngày phải đi chăn trâu, lấy củi. Có lần con ốm nặng, ông bà cho đi khám, bác sĩ giữ lại viện để điều trị nhưng vì không có tiền nên bà cho con về. Những lúc đó con thèm có mẹ ở bên”.
Em Hà Tố Uyên, sinh năm 2004 ở Lào Cai: “Con lên lớp 5 thì mẹ bệnh mất. Bố thường xuyên đánh đập con và em. Ông bà ngoại thương 2 chị em mang về nuôi, nhưng không nuôi nổi 2 đứa nên đưa con vào Trung tâm bảo trợ Lào Cai”.
Em Trần Hữu Hùng, sinh năm 2007 ở Hưng Yên: “Bố con bị bệnh tâm thần ở trong viện quanh năm, giờ vẫn ở. Hồi con 2 tuổi, bố ở viện về thăm nhà, bị lên cơn tâm thần nên giết chết mẹ. Sau đó con ở với bác gái”…
20 đứa trẻ là nhân vật chính trong triển lãm ‘Giấc mơ gia đình’ đến từ nhiều nơi khác nhau, nhưng đều có chung một điểm là thiếu vắng tình yêu thương của mẹ, cha… |
Em Phan Trần Kim Hồng, sinh năm 2004 ở Nha Trang, chia sẻ: “Có lần con đi ra biển, nhìn thấy những gia đình đi du lịch, các bạn tầm tuổi con được bố mẹ ôm vào lòng. Các bạn ấy có đầy đủ bố mẹ, con thì không. Khi đi học, giờ ra chơi, con ngồi một mình trong lớp vì không ai muốn chơi với con. Những lúc ấy con đành lấy sách vở ra ngồi chép chép cho quên đi”.
Em Giàng A Súa, sinh năm 2000 ở Yên Bái: “Mong ước của con là sau này ra trường có công việc ổn định nuôi sống bản thân và hai đứa em ở quê nhà”. Em Trần Hữu Hùng, cậu bé bất hạnh mất mẹ dưới bàn tay vô thức của người cha tâm thần mơ rằng: “Con ước mẹ con sống lại, để con được gặp mẹ, ôm mẹ. Con chưa bao giờ được ôm mẹ cả”.
Bất cứ ai khi xem triển lãm đều nghẹn lòng. |
Em Lương Văn Thuận, sinh năm 2000 ở Sơn La: “Năm con đang học lớp 1 thì bố mất vì bị HIV. Một năm sau mẹ cũng mất vì lây bệnh từ bố. Em gái con cũng mất vì căn bệnh đó khi lên 9 tuổi. Nhà giờ còn một mình con”.
Cùng với việc kể cho công chúng về hoàn cảnh và ước mơ của những mảnh đời thiệt thòi, triển lãm Giấc mơ gia đình cũng cho thấy sự chung tay của cộng đồng trong việc đồng hành, giúp đỡ, mang lại một tương lai tươi sáng và một cuộc sống an toàn cho trẻ.
Đó là Gia đình trẻ em mồ côi “Xa mẹ” của ông Tiến, bà Oanh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã nuôi dạy hơn 600 đứa trẻ mồ côi trong suốt 30 năm qua; là trường Trung cấp Kinh tế Du lịch Hoa Sữa với nhiệm vụ giúp thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật có cơ hội học nghề, tạo dựng cuộc sống độc lập, bình đẳng và được coi trọng trong xã hội; là Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam với chương trình Thắp sáng ước mơ, hỗ trợ và tặng nhiều suất học bổng tới các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn để các em có thể tiếp tục được đi học.
Tình Lê
6 hoạ sĩ chung tay mở triển lãm 'Cá nhân'
6 hoạ sĩ bao gồm: Vũ Tuấn Dũng, Đinh Tuấn Hoàng, Vũ Lâm, Phan Tuấn Ngọc, Nguyễn Thanh, Phạm Tuấn Tú chung tay mở triển lãm mang tên "Cá nhân".