- Tác phẩm "Quê em miền trung du" của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sẽ được trình diễn trong chương trình Điều còn mãi 2018 trực tiếp VTV1 lúc 14h ngày 2/9.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sinh ngày 10/3/1929 tại Hà Nội. Quê cha ở thôn Văn Ổ, xã Chi Lăng, Quế Võ. Năm 1944, ông học vẽ tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Và lúc đầu đối với ông, hội họa là niềm say mê chính. Sau này ông vừa sáng tác nhạc vừa vẽ tranh. Ông tham gia nhiều cuộc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, và có 5 triển lãm riêng.

Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Quê em miền trung du, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Đào công sự, Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương, Tình em biển cả, Chiều trên bến cảng...

Từ đời sống mới hồn nhiên

Sau ngày cách mạng tháng tám năm 45, những bài hát ủy mỵ thất tình biến mất. Mọi người học và hát những bài ca chiến đấu, cách mạng. Cả Hà Nội đâu đâu cũng nghe tiếng hát tiếng trống ếch của các em nhi đồng, một không khí sôi nổi cuốn hút.

Chàng học sinh trường Mỹ thuật Đông Dương Nguyễn Đức Toàn bỏ cây cọ cầm đàn hát trên đường phố. Và bài hát đầu tiên ông viết trong không khí hào hùng mới mẻ đó là bài Ca ngợi đời sống mới.

{keywords}
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. 


“Đây trời Việt Nam ngàn năm tươi sáng luôn.

xung phong đấu tranh vì non nước.

Đây người Việt Nam ngàn xưa anh dũng luôn

thanh niên kiên cường trí trai vững vàng

….

Đời sống mới (mới, mới, mới, mới)

Người Việt Nam mới (mới, mới, mới, mới)

Thanh niên đi lên đắp xây dựng đất nước

 

Đời sống mới (mới, mới, mới, mới)

Trời Việt Nam mới (mới, mới, mới, mới)

Xây núi sông bằng sức người Việt Nam.

Bài hát dễ hát hào hùng lại vui, khi một người hát Đời sống mới là cả đám đông hát đế theo: Mới, mới, mới, mới nghe thật tưng bừng. Thậm chí chưa hiểu ''mới'' là gì chỉ biết là khác hẳn những ngày ủ ê, ngái ngủ trước đây.

Năm 2004 nhạc sĩ hát bài này cho tôi nghe và cười nói: “Hồi đó có kiến thức âm nhạc nào đâu, cứ thấy trong lòng phơi phới và bài hát ùa từ trong lòng ra, nay nhìn lại bố cục, khúc thức tôi thấy buồn cười lắm, chỉ được cái hồn nhiên''.

Đến “Quê em” dìu dặt đằm thắm và quật khởi

Cuộc kháng chiến chống Pháp càng khốc liệt, âm nhạc cũng đi vào chiều sâu nhằm giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, căm thù giặc tàn phá quê hương.

Một luồng gió mới về làng quê yêu dấu: Làng tôi của Văn Cao, Du kích Sông Thao của Đỗ Nhuận, Quê hương anh bộ đội của Xuân Oanh, Làng tôi của Hồ Bắc, Quê em của Nguyễn Đức Toàn….

Dạo ấy đoàn ca kịch Sao Vàng do Đỗ Nhuận là đoàn trưởng, Nguyễn Đức Toàn đoàn phó hoạt động ở vùng Ấm Thượng, Hạ Hòa, Phú Thọ. Con sông Lô chảy xuống dòng êm đềm là đề tài hết sức gợi cảm. Những bài hát viết ở nhịp ba như Hồ Bắc viết Làng tôi vẽ nên một miền quê Kinh Bắc. Và nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn nghĩ đến một miền trung du quê hương ông.

{keywords}
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn (áo trắng, ở giữa) và nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh (áo xanh bên cạnh).


''Miền quê Quế Võ Bắc Ninh vành đai ranh giới trung du. Quê hương tôi đẹp như bức tranh người dân hiền hòa thế mà chúng chém giết đốt phá, khiến cho người dân hiền lành sát cánh cùng dân quân bộ đội vùng lên anh dũng vô cùng.

Năm 1949 sau cuộc hành quân đoàn Sao Vàng đến đóng quân ở nhà sàn đình cả Thái Nguyên, ở đây tôi nghĩ rất nhiều về quê tôi và những ngày Ấm Thượng Hải Hòa Phú Thọ một vùng lúa đồi cọ, dòng sông êm đềm trôi cảnh vật như tranh vẽ. Tôi phác thảo câu hát “Quê tôi miền trung du đồng suôi lúa xanh rờn….”.

Sau đó tôi đổi cụm từ "Quê tôi" thành "Quê em" cho mềm mại hợp với không khí của toàn bài. Ca khúc được đón nhận nồng nhiệt, những lần hành quân qua làng bản thấy “Quê em miền trung du, đồng suôi lúa xanh rờn…” được ngân nga khiến tôi rất xúc động.

Chẳng ngờ sau đấy ít lâu một nhạc sĩ cho rằng đây là nhạc ẻo lả như nhạc vàng, hơn nữa hồi đó Đài Pháp Á trong vùng Pháp tạm chiếm vẫn phát sóng bài hát này qua bản song ca của Thái Thanh - Thái Hằng, thành thử ngày hòa bình lập lại không có Quê em trong chương trình ca nhạc kháng chiến trên Đài tiếng nói Việt Nam.

Sau này cùng những bài hát bị gán ghép như thế này đã được cởi trói, Quê em miền trung du luôn là tiết mục được nhiều ca sĩ ban nhạc biểu diễn vì sự trong lành đến tinh khôi của bài hát này.

Quê em miền trung du, bài hát đã ra đời 69 năm nhưng khi nghe lại ai cũng như muốn nhẩm hát theo và lòng nhớ về một miền quê thanh bình trong lòng mỗi chúng ta..

Nguyễn Phú Cương