Bich Phuong dang co trong tay e-kip manh nhat nhac Viet anh 1

Hứa Kim Tuyền là một trong những nhạc sĩ trẻ sung sức nhất của thị trường nhạc Việt hiện nay. Anh là tác giả của nhiều bản hit, đồng thời cũng hợp tác với đa dạng ca sĩ như Tóc Tiên, Văn Mai Hương, Bảo Anh, AMEE, Miu Lê...

Zing có cuộc trò chuyện với Hứa Kim Tuyền về thị trường âm nhạc, công thức tạo hit và xu hướng của thời gian tới.

"Tôi tự tin sẽ đẩy Văn Mai Hương trở lại mạnh mẽ"

- Sau “Cầu hôn”, “Nghe nói anh sắp kết hôn”, mới đây anh lại hợp tác với Văn Mai Hương trong “Đốt”. Hai người ngày càng gắn bó với nhau trong âm nhạc, anh tự tin sẽ giúp Văn Mai Hương trở lại với vị trí tốt hơn sau khoảng thời gian chững lại?

- Ngay từ cuối năm ngoái, tôi đã có kế hoạch sẽ "đẩy" Văn Mai Hương trở lại mạnh mẽ. Vì cũng đơn giản thôi, giọng hát ấy mà chững lại thì đúng là rất tiếc nuối cho thị trường. Nhưng đúng thời điểm ấy, Hương lại gặp sự cố.

Nhưng bây giờ mọi thứ ổn rồi, sau Đốt, chúng tôi sẽ có album, chắc sẽ ra sớm thôi vì đã đến lúc Hương tập trung cho âm nhạc. Tôi cực kỳ tự tin với lần hợp tác lần này.

- Thực ra, "Cầu hôn" khi mới ra mắt không hề “làm mưa làm gió”, thậm chí có lượt xem/nghe khá hạn chế. Song, chỉ qua một thời gian, "Cầu hôn" trở thành ca khúc “quốc dân” ở các đám cưới. Diễn biến này có thể nói lên điều gì?

- Tôi nghĩ đó cũng là câu chuyện thú vị của thị trường. Cầu hôn đúng là không hề “hot” ở thời điểm ban đầu nhưng sau đó lại nhận được nhiều đồng cảm và trở thành ca khúc được nhiều người yêu thích.

Sau này, khi hợp tác làm sản phẩm, tôi và Văn Mai Hương cũng đều giữ tâm thế như Cầu hôn. Nghĩa là, nếu ca khúc không lan tỏa ngay thì chúng tôi cũng không lấy làm buồn hay lo lắng. Bởi vì, đôi khi thời gian mới là câu trả lời.

- Cũng có những ca khúc của anh sớm được chú ý ở thời điểm ra mắt nhưng dần dần lại ít được nhắc đến, ví như “Ai cần ai” qua giọng hát của Bảo Anh?

- Đúng là tôi cũng có những ca khúc không thành công, không được yêu thích lâu dài. Nhưng đối với tôi, Ai cần ai lại là một sản phẩm thành công.

Thực ra về chất liệu âm nhạc, Ai cần ai là một bản dance khó chiều lòng được tất cả. MV có lượt xem tốt và bản audio cũng có lượt nghe khả quan. Ca khúc có thể không lan tỏa ở môi trường nào đó nhưng nếu ai hay đi bar, pub, sân khấu sôi động sẽ thấy bài này được mọi người hát rất nhiều.

- Trong những ca khúc đã ra mắt thị trường, trường hợp nào anh tiếc nuối nhất?

- Tôi tiếc bài Muốn của Miu Lê, tôi cực kỳ tiếc bài đấy! Tôi còn tiếc bài Kaheda của Tóc Tiên và Thôi miên của Cara. Các bài ấy đều có yếu tố nhạc dance, mà chất liệu này phải rơi vào đúng thời điểm, đúng xu thế mới “ăn” được.

Riêng bài Kaheda đến giờ tôi vẫn còn tiếc vì bài đó khi làm, tôi có pha house vào, về concept, ý tưởng vô tình lại khá tương đồng với Bùa yêu của Bích Phương. Ca khúc thì hoàn thành lâu rồi nhưng ra muộn, cuối cùng Bùa yêu của Bích Phương ra trước. Do vậy, khi chúng tôi ra thì bị tương đồng nên không được thành công cho lắm.

- Vậy, một bài hát muốn thành công ở thị trường nhạc Việt phải phụ thuộc vào điều gì?

- Bây giờ một bài hát muốn thành công phải hội tụ nhiều yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Nhạc hay, MV đẹp và thời điểm ra mắt. Ngoài ra cũng phải có câu chuyện truyền thông. Mà để đảm bảo được tất cả điều ấy thì phải có một ê-kíp mạnh, hiệu quả.

- Ở thị trường hiện nay, ai đang có ê-kíp mạnh, theo anh?

- Bích Phương. Một trong những ê-kíp mà tôi thấy tốt nhất là 1989 của Tiên Cookie, đứng sau Bích Phương. Họ đảm bảo cả về sáng tác lẫn hòa âm - phối khí. Tôi ngưỡng mộ ê-kíp đó, quá giỏi, mọi người nắm bắt thị trường thực sự tốt. Họ biết tạo ra cái mới, như đầu tàu, như mũi nhọn vậy. Bích Phương đang có trong tay ê-kíp mạnh và thú vị nhất của nhạc Việt.

- Còn ai có thực lực nhưng thiếu ê-kíp tốt để bứt phá?

- Nói điều này hơi động chạm nhưng mà tôi thấy hầu như ai cũng đang thiếu ê-kíp chuyên nghiệp. Mọi người làm chung ê-kíp của nhau nhiều quá, thấy người kia hay thì lại hợp tác, kéo về làm cùng. Nhưng mà mọi người phải hiểu mỗi người cần có ê-kíp ruột của mình và riêng cho mình, như vậy mới hiệu quả.

Bich Phuong dang co trong tay e-kip manh nhat nhac Viet anh 2
Bich Phuong dang co trong tay e-kip manh nhat nhac Viet anh 3

Hứa Kim Tuyền cho rằng nhạc Việt đang thiếu những ê-kíp sản xuất mạnh.

"Xu hướng hiện nay là nhạc thư giãn, tích cực"

- Ngoài những ê-kíp mạnh, từ góc nhìn của mình, anh thấy thị trường nhạc Việt đang thiếu gì để trỗi dậy mạnh mẽ hơn?

- Nếu hỏi thị trường cần gì thì thị trường cần rất nhiều thứ. Ví dụ như tại sao thị trường Mỹ và Hàn đi rất xa mình. Bởi vì một ca sĩ của họ ra mắt không chỉ là một single, một MV mà còn là bài toán của cả một ê-kíp, những chiến lược truyền thông, hình ảnh, sân khấu ra sao, thương mại thế nào.

Thực ra, theo tôi, thứ chúng ta thiếu không phải là một dòng nhạc vì thị trường nhạc Việt bây giờ cũng đa sắc màu rồi. Điều chúng ta đang thiếu là những ê-kíp chuyên nghiệp để giúp nhạc Việt phát triển.

Mỗi ca sĩ Việt thường ra lẻ tẻ một, hai bài nhưng để phát triển hơn thì phải tính toán đường dài. Bước nào đi trước, bước nào đi sao, "đánh" vào đúng thứ khán giả cần một cách trọn vẹn nhất thì mới thành công được. Còn nếu vẫn cứ giữ tâm lý làm nhạc hời hợt, quăng ra một bài hát thì khó mà thành hit trong bối cảnh hiện nay.

- Nhạc Việt có ê-kíp của AMEE làm được điều đó phải không, một ê-kíp hiện đại và nhiều chiến lược?

- Đó là một ê-kíp tốt và rất tiệm cận với Hàn Quốc. Chẳng hạn như Yêu thì yêu, không yêu thì yêu do tôi sáng tác, AMEE hát. Ngày đầu tiên ra mắt MV của ca khúc chưa được một triệu view, đó là một thành tích rất tệ đối với AMEE.

Nhưng sau đó, ê-kíp phải làm chiến lược truyền thông, chúng tôi tìm cách để làm điệp khúc Yêu thì yêu, không yêu thì yêu lan tỏa trên mạng xã hội. Ngoài ra, ê-kíp còn làm nhiều cách khác để quảng bá. Cuối cùng ca khúc đạt được thành tích tốt.

- Nhưng làm vậy để làm gì khi mà giá trị của một ca khúc vẫn được giới trong nghề khẳng định là không nằm ở lượt xem MV?

- Điều đó là đúng. Ý của tôi ở đây chỉ muốn nhấn mạnh vai trò của ê-kíp mạnh và tư duy quyết liệt với âm nhạc, không phải làm sản phẩm hời hợt. Ở trường hợp của AMEE rõ ràng mọi người đều biết là cô ấy còn có album DreAMEE, và đó mới là dấu ấn lớn nhất. Nghĩa là, cô ấy không chỉ có MV, cô ấy quyết tâm làm âm nhạc thực sự.

- Thành công của AMEE có phản ánh điều gì ở thị trường không?

- Nó phản ánh vai trò của ê-kíp và phản ánh cả sự thay đổi về gu âm nhạc. Dòng nhạc bây giờ thì tôi thấy rất đa dạng, mỗi người mỗi gu, mỗi người mỗi kiểu nhưng mà thiên hướng chung là mọi người đang muốn âm nhạc mang tính chất thư giãn, dễ chịu, nhẹ nhàng nhưng lại lâu phai.

Do vậy, kiểu hip-hop rap, R&B đang được ưa chuộng. Thời đại của EDM qua rồi, bây giờ là thời của âm nhạc tích cực. Tôi nghĩ đó cũng là từ khóa của năm nay.

- Anh có thuộc tuýp nhạc sĩ ai muốn hợp tác, anh cũng gật đầu không?

- Không!

- Nhưng số liệu lại cho thấy điều đó. Anh hợp tác với nhiều giọng ca tốt như Văn Mai Hương, Bảo Anh, Tóc Tiên, AMEE nhưng lại cũng có cả Hương Giang?

- Tôi chỉ hợp tác với những người mà tôi cảm nhận được về tâm hồn. Tôi không nói về giọng hát nhé vì giọng hát kiểu gì tôi cũng chơi được nhưng tâm hồn và tính cách thì không.

Thế nên nếu đã cảm nhận được sự chân thành của nhau, tôi không ngại hợp tác. Tôi kết nối rất tốt với các giọng nữ và tôi nhận ra đặc sắc của từng người. Tôi cũng thích tinh thần đi khai hoang, thú vị lắm!

- Như giọng hát của Hương Giang, anh khai hoang được gì?

- Như Tặng anh cho cô ấy, ca khúc rất vừa vặn với Hương Giang. Tất nhiên ca khúc ấy Hương Giang cũng sửa để phù hợp hơn nên cá tính của tôi không rõ. Tôi thì tin là giọng hát nào cũng có thể tìm ra được những đặc trưng để trở nên hấp dẫn. Như Hương Giang, cô ấy cũng là người chấp nhận thử thách, chịu khó làm mới mình.

Bich Phuong dang co trong tay e-kip manh nhat nhac Viet anh 4
Bich Phuong dang co trong tay e-kip manh nhat nhac Viet anh 5

"Một bài hát hay đôi khi cũng phải về với một người phù hợp", Hứa Kim Tuyền chia sẻ.

"Ca khúc của Ariana Grande thì không thể trao cho Mariah Carey"

- Nhạc sĩ Huy Tuấn của nhiều năm về trước, từng chia sẻ, đại ý là: Nếu bạn có một ca khúc hay mà bạn muốn được hát hay nhất, hãy gửi ca khúc ấy cho Mỹ Linh. Nhạc sĩ hiện nay vẻ như dễ thỏa hiệp hơn, và không cần tìm một giọng hát như Mỹ Linh cho "đứa con âm nhạc" của mình?

- Thực ra đã nói thị trường thì ắt có thương mại, mà thương mại là thuận mua vừa bán. Nhạc sĩ giờ như thợ chế tác, người ta đến đặt mình, nếu mình đồng ý thì mình làm, không thì thôi. Đúng là bài hát hay mình phải gửi cho một người hát hay nhưng mà vấn đề là một bài hát hay đôi khi cũng phải tiến về với một người phù hợp.

Thế hệ của các diva như Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, các chị có giọng hát rất tuyệt vời. Nhưng nếu bảo bây giờ bài nào muốn hay cũng phải gửi cho những giọng hát như vậy có thể cũng không hợp.

Ví dụ như Same Old Love của Selena Gomez với kiểu hát lả lơi thì không thể đưa chị Alicia Keys hát được, đúng không? Hay như 7 Rings của Ariana Grande, đọc rap và ngầu như vậy sao mà đưa cho diva Mariah Carey được, đúng không? Bài hát bây giờ phải là phù hợp với từng người.

- Nhưng điều đó cũng có nghĩa nhạc sĩ hiện nay muốn đắt show thì phải chạy theo cá tính của nhiều ca sĩ. Và do vậy, nhạc Việt ít dần đi những gương mặt nhạc sĩ nổi bật, cá tính, tạo ra trường phái và sẵn sàng từ chối hợp tác với những giọng ca dở?

- Tôi nghĩ sự đa dạng cũng góp phần kích thích trí tuệ và khả năng của producer. Viết một bài hay đưa cho một người hát hay là câu chuyện đơn giản từ xưa tới giờ rồi. Bây giờ là làm thế nào để những ca sĩ có giọng hát vừa phải nhưng có màu riêng vẫn có cơ hội tỏa sáng. Nghĩa là mình phải “khều” năng lực của họ ra.

- Tại sao phải khều khi năng lực của họ, như anh nói, chỉ… vừa phải?

- Với tôi, "khều" là trách nhiệm của mình. Không phải vì mình bán bài lấy tiền mà mình cố "khều" cho bằng được. Nói thật, tôi không quan tâm chuyện tiền bạc. Nếu làm nhạc vì tiền thì tôi đã chuyên làm nhạc cho nhãn hàng, nhạc quảng cáo rồi. Tôi không đặt mục tiêu kiếm tiền bằng việc bán bài cho ca sĩ, dù đúng, đó cũng là một nguồn thu.

Nhưng quan trọng hơn là như tôi đã chia sẻ, đó là mình khai phá các ca sĩ. Và đó cũng là tham vọng của tôi, tôi luôn muốn cộng hưởng với các giọng ca khác nhau để ra sản phẩm vừa vặn nhất với họ.

Tôi luôn muốn làm những sản phẩm mà các ca sĩ thấy ổn với chính họ, họ cũng có thể mang nó đi hát live với giọng hát của họ mà không phải lo sợ khó hát hay không thể hát trực tiếp. Hơn cả, những cú hợp tác đa dạng sẽ mang lại sự đa dạng cho thị trường.

Thị trường chỉ hấp dẫn khi có nhiều màu sắc, nhiều tầng lớp, nhiều giọng hát, nhiều ca sĩ. Có người muốn nghe nhạc, có người lại muốn đi xem biểu diễn, khán giả rõ ràng cũng rất đa chiều. Tôi muốn chiều lòng tất cả và tôn vinh sự đa dạng đó.

(Theo Zing)

'Thánh nữ nhạc sầu' Bích Phương chọn thử thách hay vuốt ve thị hiếu?

'Thánh nữ nhạc sầu' Bích Phương chọn thử thách hay vuốt ve thị hiếu?

Bích Phương thường chỉ được nhìn nhận thành công qua các bài hit nhưng thứ ít ai nhìn thấy ở cô đằng sau loạt hit ấy, là tác phong, nỗ lực và tư duy thức thời.