Trích đoạn ngắn tập cuối phim "Tân Ỷ thiên Đồ long ký":

Tối 17/4 (giờ Việt Nam), phim “Tân Ỷ thiên Đồ long ký” bản 2019 chính thức khép lại ở tập 50. Điều đáng nói, kết phim bị cải biên quá vô lý, “châm ngòi” cho những bức xúc của khán giả từ giữa phim đến nay. Trên các diễn đàn, khán giả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều không hài lòng việc cải biên một danh tác của Kim Dung thành ra như vậy.

Cuối phim, khán giả hoảng hốt khi thấy Tạ Tốn lao ra đỡ tên cho Chu Chỉ Nhược. Trước khi chết, ông còn dặn dò Chu Chỉ Nhược chăm sóc tốt cho Trương Vô Kỵ. Nhân vật Chu Chỉ Nhược cũng vì cái chết của Tạ Tốn mà hối cải, hoàn lương.

{keywords}
Tạ Tốn đỡ tên, chết vì Chu Chỉ Nhược.

Thực tế, diễn biến từ giữa phim đã ngày càng xa rời nguyên tác. Khán giả đã liên tục đặt dấu hỏi khi thấy nhân vật Chu Chỉ Nhược được cải biên quá đà. Theo nguyên tác, Chu Chỉ Nhược vốn là một thiếu nữ hiền lành nhưng bị dòng đời xô đẩy cũng như vì quá yêu Trương Vô Kỵ mà sinh hận, trở nên lạnh lùng, tàn nhẫn, có thể nói là nhân vật phản diện số 1 của bộ “Ỷ thiên Đồ long ký”.

Tuy nhiên trong bản 2019, nhân vật này đã được ‘tẩy trắng’ gần như toàn bộ, tất cả đặc sắc trong khắc họa tính cách của Kim Dung đều không còn. Chu Chỉ Nhược trong “Tân Ỷ thiên Đồ long ký” không tốt không xấu, không chính cũng không tà, người xem cũng không hiểu vì sao cô lầm lạc vì các tình tiết tác động không đủ thuyết phục.

Ngoài Chu Chỉ Nhược, các nhân vật Thành Côn, Tống Thanh Thư hay Diệt Tuyệt Sư Thái đều bị chê… kém ác. 

{keywords}
Triệu Mẫn từ nữ chính thành "con ghẻ", cuộc đời bi thảm.

Không riêng Chu Chỉ Nhược, dàn nhân vật của phim đều thay đổi tính cách.

Trương Vô Kỵ từ thiện lương, trọng tình nghĩa trở thành kẻ đào hoa và… yếu đuối đến khó hiểu. Xuyên suốt phim, khán giả không đếm xuể số lần Trương Vô Kỵ rơi nước mắt, bất chấp tôn chỉ “nam nhi rơi máu không rơi lệ” của phong kiến, chưa kể đây là tuyến nhân vật đại anh hùng. Diễn viên Tăng Thuấn Hy bị chê diễn xuất non kém, không có khí chất anh hùng. 

Nhân vật Triệu Mẫn được yêu thích bởi tính cách sắc sảo, phóng khoáng bị sửa thành quỵ lụy, yếu đuối. Từ nhân vật nữ chính, Triệu Mẫn bị ví von như ‘con ghẻ’ của biên kịch với thời lượng hạn chế, cuộc đời bi thảm, hoàn toàn lép vế so với Chu Chỉ Nhược.

Cảnh Triệu Mẫn đoàn tụ Trương Vô Kỵ ở cuối phim vốn dĩ gây xúc động nhất lại diễn ra chóng vánh trong vỏn vẹn 5 phút. Ngay cả người đàn ông duy nhất của mình là Trương Vô Kỵ cũng yêu cô rất lấp lửng, không hề phủ nhận tình cảm với Chu Chỉ Nhược như trong nguyên tác.

{keywords}
Cảnh Trương Vô Kỵ đoàn tụ Triệu Mẫn ở cuối phim diễn ra chóng vánh.

Tuy nhiên, khán giả vẫn bức xúc nhất việc Tạ Tốn bị ‘hô biến’ thành nhân vật ngu ngốc, khờ khạo nhất phim. Theo nguyên tác, Tạ Tốn có cuộc đời lẫn tính cách hết sức phức tạp. Ông vì lầm lạc mà gây nhiều tội ác, đến cuối đời nhờ quy y cửa Phật nên giác ngộ, thông tuệ, thấu hiểu hết mọi chuyện, mọi lẽ xảy ra. Tạ Tốn là người vạch trần Chu Chỉ Nhược, mở nút thắt lớn nhất của truyện “Ỷ thiên Đồ long ký” cũng như tác động và tạo nên phần anh hùng bên trong con nuôi của mình là Trương Vô Kỵ.

Một trong những điểm hay nhất của bộ “Ỷ thiên Đồ long ký” là võ học lại thể hiện rất nhạt nhẽo, chán chường trong bản 2019. Theo nguyên tác, vòng xoáy chính – tà thông qua cuộc chiến dai đẳng của các môn phái là mạch cốt lõi, vì thế yếu tố võ học của bộ truyện này cũng phong phú, đặc sắc hơn hẳn. Tuy nhiên, phim “Tân Ỷ thiên Đồ long ký” chủ trương khai thác theo hướng ngôn tình cổ trang hơn là võ hiệp nên yếu tố võ học bỗng chốc trở thành thứ yếu.

Các trận đánh xuyên suốt phim đều rất tẻ nhạt, ngay cả hai trận lớn nhất ở đỉnh Quang Minh và đại hội Đồ Sư. Nhân vật giao đấu với động tác ngô nghê, thiếu trau chuốt, kỹ xảo giả tạo lại lạm dụng chiếu chậm (slow-motion) đến mức gây khó chịu. Các bộ võ công cũng không được lột tả bản sắc riêng.

{keywords}
Khán giả bật cười vì Ỷ thiên kiếm lẫn vết thương trên trán Trương Vô Kỵ quá giả tạo.

Trong trận chiến quan trọng ở đại hội Đồ Sư, khán giả thất vọng nặng nề vì không được xem cảnh cô gái áo vàng bí ẩn (hay “hoàng sam nữ tử”) giao chiến với Chu Chỉ Nhược. Là nhân vật phụ bí ẩn và lôi cuốn bậc nhất trong truyện Kim Dung nhưng cô gái áo vàng của “Tân Ỷ thiên Đồ long ký” chỉ xuất hiện thoáng chốc, không để lại ấn tượng gì ngoài dàn kèn trống khoa trương. Khi cứu Tạ Tốn, cô gái áo vàng chỉ bắn kình điểm huyệt Chu Chỉ Nhược rồi thôi chứ không giao chiến gì, vô hình trung không thấy được trình độ võ công thâm hậu ở nhân vật này.

Thực tế, việc cải biên một danh tác đã ra đời vài chục năm là cần thiết để bộ phim mới mẻ hơn. Tuy nhiên, việc cải biên vô lý, thiếu thuyết phục và kém sáng tạo đã khiến “Tân Ỷ thiên Đồ long ký” kết thúc trong sự bức xúc của khán giả.

Đổi lại, không ít người xem đã ủng hộ phim “Tân Ỷ thiên Đồ long ký” với dàn diễn viên đẹp, ngoại cảnh hùng vĩ và cốt truyện đậm đà yếu tố ngôn tình. Có thể nói, “Ỷ thiên Đồ long ký” là bộ truyện phù hợp nhất có thể khai thác theo hướng ngôn tình cổ trang.

Gia Bảo

Cảnh nóng của Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn gây tranh cãi trong 'Tân Ỷ Thiên Đồ Long Ký'

Cảnh nóng của Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn gây tranh cãi trong 'Tân Ỷ Thiên Đồ Long Ký'

Khán giả bực bội vì cảnh nóng "lúc quá đà, khi chưa chưa tới" của Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn.