Cục Xuất bản, In và Phát hành vừa có báo cáo tổng kết năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Năm 2020 do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song nhờ việc áp dụng hình thức chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến nên vẫn duy trì được hoạt động phát hành sách, phát triển văn hoá đọc. Toàn ngành xuất bản trên 33.000 đầu sách với 410 triệu bản sách, doanh thu ước tính 2.700 tỷ đồng (bằng 97% so với năm 2019).
Hội sách trực tuyến lần đầu tổ chức đã mang lại doanh thu trên 1 tỷ đồng. |
Theo đó, Cục Xuất bản In và Phát hành đã tổ chức Hội sách trực tuyến Quốc gia năm 2020 trên sàn book365.vn và đã thu hút sự tham gia của 54 nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách; giới thiệu khoảng 15.000 đầu sách; số lượng đơn đặt hàng là 11.000 đơn vận với trên 13.000 cuốn sách; gần 2 triệu lượt truy cập; doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng; tổ chức được 18 sự kiện tọa đàm, giao lưu và hơn 1.000 người tham dự. Hội sách đã có khoảng 50% số bạn mua sách tới từ các địa phương, vùng sâu, vùng xa,...
Cục đã phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện công tác tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 3. Đã có 48/59 nhà xuất bản cùng nhiều doanh nghiệp liên kết tham dự giải, với 259 tên sách, bộ sách gửi đến dự thi. Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba đã thống nhất trao giải cho 27 cuốn sách, bộ sách, trong đó có 3 giải A, 10 giải B và 14 giải C. Giải thưởng tạo tiếng vang khi tôn vinh những tác giả, dịch giả, người làm xuất bản, đồng thời giới thiệu tới công chúng những cuốn sách giá trị.
Không chỉ thực hiện hội sách trực tuyến, các hoạt động triển lãm, trưng bày sách theo chủ đề lớn của đất nước cũng được triển khai với hình thức online. Ngoài triển lãm sách kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tổ chức tại Thư viện Quốc gia), nhiều triển lãm được thực hiện qua mạng Internet như: Triển lãm sách kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Triển lãm sách kỷ niệm 75 năm Quốc khánh…
Không gian triển lãm sách kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Dù có nhiều thành tựu, tuy nhiên, hạn chế của ngành Xuất bản, In và Phát hành chưa có bước phát triển mang tính đột phá. Quy mô, năng lực hoạt động của nhà xuất bản còn nhiều hạn chế; mô hình tổ chức chưa phù hợp. Chất lượng một số mảng sách chưa cao. Sách văn hóa - xã hội - tôn giáo, sách văn học, nghệ thuật còn thiếu các công trình nghiên cứu, các tác phẩm có giá trị đỉnh cao. Sách khoa học kỹ thuật chưa đáp ứng tốt yêu cầu cao cung cấp tri thức mới, tiên tiến của khoa học kỹ thuật phục vụ cho yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế.
Lĩnh vực in phát triển với quy mô nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; năng lực công nghệ và năng lực quản trị còn hạn chế; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ phát triển. Mạng lưới phát hành chưa phục vụ tốt vùng nông thôn, miền núi, chưa đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Ứng dụng công nghệ, phát triển xuất bản điện tử chậm, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Vấn nạn in, phát hành lậu chậm được khắc phục,...
Chính vì thế, Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng kiến nghị với Chính phủ Sửa Luật xuất bản năm 2012 để phù hợp với thực tiễn; Kiến nghị, đề xuất với Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đầu tư chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước của Cục; Bổ sung nguồn nhân lực của Cục để đảm bảo công tác ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo điều kiện làm việc.
Tình Lê
Tử tế đáng giá bao nhiêu nếu mỗi ngày bạn làm một việc tốt?
"Những hành động nhỏ diễn ra mỗi ngày có thể thay đổi cuộc sống của bạn và cuộc sống của người khác" - đó là thông điệp của của cuốn sách 'Tử tế đáng giá bao nhiêu?'.