Những chuyến đi xuyên Việt đầy gian khó từ lâu đã trở thành hành trình khám phá bản thân, thử thách trưởng thành của người trẻ mê xê dịch. Nhưng "dành cả thanh xuân" để đi bộ xuyên Việt và tự kiểm chứng tình người trong xã hội thì chỉ có Hồ Nhật Hà. Mới đây, hành trình ấn tượng của anh đã được ghi lại trong cuốn sách mới “Đi bộ xuyên Việt với cây đàn Guitar” và ra mắt bạn đọc vào tháng 5/2019. 

{keywords}
Hành trình đi bộ của Hồ Nhật Hà đem đến cho anh nhiều trải nghiệm, cuốn sách được viết ra, các bản tình ca về miền đất anh đặt chân tới được ra đời.


Chuyến đi táo bạo và điên rồ

- Nghĩ lại, anh thấy quyết định đi bộ xuyên Việt không mang theo tiền với mục đích kiểm chứng về tình thương của người Việt Nam như thế nào?

Đây có thể là quyết định táo bạo và điên rồ nhất từ trước tới giờ của tôi. Tuy nhiên tôi có lý do lớn để bắt đầu và có quá trình rèn luyện kỹ năng kỹ càng nên tôi tin tưởng chuyến đi sẽ thành công.

- Phải chăng anh thiếu niềm tin vào con người nên mới cần hành trình trải nghiệm dài và mạo hiểm như vậy để kiểm chứng?

Vấn đề lại ngược lại. Nếu tôi thiếu niềm tin vào con người chắc tôi không thể bắt đầu rồi. Dù rằng thời gian gần đây trên mạng xã hội cũng có một bộ phận thường chia sẻ góc nhìn tiêu cực về cuộc sống khiến cho chúng ta hoang mang nhưng tôi nghĩ đó chỉ là một nhóm nhỏ. Cuộc sống sẽ còn rất nhiều người Việt Nam tốt ,vấn đề là cần lan tỏa điều tốt mạnh mẽ hơn. Và tôi chọn hành trình này như một cách kiểm chứng điều tôi nghĩ có đúng không. Nếu đúng thì sẽ là một cảm hứng lan tỏa giá trị tốt đẹp của người Việt nói riêng và nhân loại nói chung.

- Vậy kết quả mà anh thu được sau hành trình kiểm chứng ấy là gì?

- Giá trị lớn nhất là những bài học về cuộc sống mà chỉ có khi đi ta mới cảm được. 16 bài học tôi đã chia sẻ trong cuốn sách vừa xuất bản “Đi bộ xuyên Việt với cây đàn guitar”. Và chuyến đi thực sự giải đáp trọn vẹn được điều tôi muốn kiểm chứng. Hy vọng độc giả sẽ đọc sách và chia sẻ với tôi những bài học ấy.

- Câu chuyện nào về tình thương của con người Việt Nam gây ấn tượng mạnh với anh trong hành trình của mình?

Thật sự mỗi người tôi gặp và được đối đãi chân tình đều gây ấn tượng mạnh với tôi. Đó là câu chuyện anh Duy Bình Châu sống trong căn nhà sắp giải tỏa nhưng luôn tràn đầy lạc quan và giúp tôi có chỗ ngủ, chuyện cô Tư Phan Thiết kêu tôi quay về Sài Gòn hệt như người mẹ quan tâm con vì không hiểu sao lại chọn con đường vất vả như vậy, là câu chuyện của những anh gác tàu, của chị bán hủ tiếu ở Khánh Hòa giúp tôi chỗ trú thân trong đêm tối, là câu chuyện cả khu chợ nghèo Quảng Nam xôn xao lên và mọi người tới gửi lời hỏi thăm, giúp đỡ khi biết tôi đi bộ, là câu chuyện chú Tòng Phú Thọ mỗi ngày đều làm thơ động viên tặng mình suốt từ Phú Thọ đến Hà Giang… Vô số những câu chuyện mà tôi đã gặp trên hành trình mà không thể nào nói hết được. Chỉ biết thật sự biết ơn bà con cô bác...

 

{keywords}
Hồ Nhật Hà chàng trai trẻ đã dành cả tuổi thanh xuân để đi bộ xuyên Việt cùng người bạn đường đầy mộng mơ - cây đàn guitar.

 

Du lịch là cách tận hưởng cuộc sống

- Anh nói đi bộ xuyên Việt vừa kiểm chứng tình thương của người Việt vừa để kết hợp sáng tác nhạc. Vậy chất liệu cuộc sống đi vào trong các sáng tác của anh như nào?

Những bài hát tôi viết trên chuyến đi là những đề tài gần gũi với người dân mình gặp và là những câu chuyện thật từ chính chuyến đi. Như bài hát viết về Tam Quan, Bình Định ra đời trong lúc mình không còn tiền và mình nghĩ cần viết một bài hát tặng bà con. Bài hát có câu: “Tôi đến Tam Quan vào một chiều mưa rơi khắp nơi. Tôi đến Tam Quan trên con đường của kẻ thích phiêu bồng. Tôi đến Tam Quan lòng rộn ràng say mê chốn đây. Tôi yêu chốn đây nhưng sao gặp bao ánh mắt nghi ngại… Tìm nơi đâu, đâu, đâu, đâu là nhà mình? Nhà tôi đâu ở đây giữa chốn xa lạ vầy…”. Đó là cảm xúc thật và khi tôi hát bài này ở chợ Tam Quan thì được bà con ủng hộ. Thành quả là 1 nải chuối và ít lộ phí để tiếp tục lên đường. Đó thật sự là khoảnh khắc hạnh phúc không quên.

- Với anh, chặng nào trên hành trình đi bộ là khó khăn nhất? Và có khi nào anh đã nghĩ tới việc bỏ cuộc chưa? Và điều gì đã giúp anh vượt qua được những khó khăn ấy?

Tôi đã ngủ trên rừng, trong chợ, cây xăng, nhà hoang… và cũng từng gặp các bạn chích hút hay có ý đồ và có khi lạc đường, rồi đối diện các kiểu thời tiết, địa hình khác nhau…

Về địa hình và thời tiết thì khó đi tốn nhiều sức nhất là các huyện miền núi cao Hà Giang như Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn. Thứ nhất là nơi đây có những dãy núi rất cao. Thứ hai là thời điểm tôi đi nhiệt độ thời tiết có lúc xuống dưới 10 độ C. Ảnh hưởng khá nhiều đến việc di chuyển.

Và Hà Giang thì cũng có một chút khác biệt văn hóa, giọng nói hơn so với trong Nam nên lúc đầu tôi cũng có hơi lo lắng. Tuy nhiên nơi mà tôi càng lo thì mình lại có nhiều trải nghiệm đáng nhớ nhất trên hành trình. Và thật ra mỗi vùng đất đến đều có những khó khăn riêng. Nhưng thật sự chuyến đi này tôi xem như một hành trình trải nghiệm nên mỗi khó khăn đến tôi xem như một cơ hội để rèn luyện tinh thần.

Lo lắng là chuyện đương nhiên có. Thường buổi sáng tôi đi rất vui, hăng hái. Còn từ 2h chiều trở đi là thời điểm để suy nghĩ tối nay tôi sẽ ngủ ở đâu, ăn gì. Và đôi khi thật sự cũng có giây phút chán nản nhưng nếu nói đến suy nghĩ bỏ cuộc thì chưa bao giờ.

Điều giúp tôi vượt qua được những khó khăn đó chính là tinh thần lạc quan. Mỗi khi cảm thấy chán nản tôi sẽ thường rèn kỹ năng tự cười chính mình và nó có cơ sở của nó. Bởi vì tôi biết khi tôi thay đổi được trạng thái cơ thể bên ngoài thì tôi có thể thay đổi được cách suy nghĩ bên trong. Và chỉ cần cười một cái thật to không cần lý do gì cả tự động tôi lấy lại tinh thần rất nhanh.

Ngay sau đó tôi sẽ nhớ về ý nghĩa của chuyến đi và tại sao mình bắt đầu chuyến đi này. Tôi nhớ về những người tốt đã giúp đỡ mình trên hành trình. Tôi tin rằng nơi nào còn có tình yêu thương, nơi đó sẽ có sự sống. Và đó chính là những động lực khiến tôi tiếp tục đứng lên và bước tiếp.

- Khác với cách đi của anh, hiện nay có một số bạn trẻ đi du lịch chỉ để check-in, chụp ảnh chứ không thật sự quan tâm tới văn hóa, lịch sử và cả môi trường ở địa danh ấy. Hay nói cách khác, các bạn đi rộng chứ không đi sâu. Anh nghĩa sao về xu hướng du lịch này?

Du lịch là một cách để chúng ta tận hưởng cuộc sống và cũng là cách để khám phá bản thân. Chụp ảnh check-in là cách để chúng ta lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ. Và tôi để ý những bạn thích chụp ảnh tính cách cũng khá vui vẻ. Thế nhưng chỉ chụp để check-in và không tìm hiểu thêm về văn hóa con người ở nơi ta đến thì thật sự hơi đáng tiếc. Niềm vui chụp ảnh chẹck-in có thể sẽ tồn tại trong thời gian ngắn.

Và để có niềm vui và hạnh phúc lâu dài hơn tôi nghĩ chúng ta cần đi sâu hơn để tìm hiểu. Bởi vì như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói một câu mà tôi rất thích: “Bạn không hiểu thì bạn không thể yêu”. Có những nét văn hóa lần đầu ta tiếp xúc ta thấy lạ và so sánh với cái mình biết trước đây. Và đôi khi ta đưa ra đánh giá không đúng. Chỉ khi ta thật sự cởi mở tìm hiểu tiếp thu thì ta mới thấy hết vẻ đẹp của nó. Và khi đó tự dưng ta yêu luôn văn hóa và con người nơi ta đến.

Khi ta yêu một thứ gì đó ta sẽ luôn mong mọi điều tốt đến với nó. Và nghĩa là ta sẽ tôn trọng, sẽ giữ gìn môi trường nơi ta đến phải không? Tất cả xuất phát từ sự hiểu. Cuối cùng nếu ta chọn mình là kẻ lữ hành thì hành trang không thể thiếu là một bộ óc rộng mở, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm vẻ đẹp cuộc sống.

Tình Lê 

Asterix - Huyền thoại truyện tranh trở lại

Asterix - Huyền thoại truyện tranh trở lại

Những cuộc phiêu lưu của Asterix – một di sản của văn hóa Pháp, xứng đáng là bộ truyện tranh bất hủ mọi thời đại vừa ra mắt độc giả Việt Nam.