“Lớn tuổi rồi, cần gì đọc nữa” chẳng khác "Lớn tuổi rồi không cần đánh răng"

- Sau 1 năm gặp lại, việc đọc của anh thế nào?

Tôi vẫn vậy, đọc 2 tiếng/ngày. Mỗi sáng của tôi diễn ra theo trình tự: thiền, thể thao, đưa con đi học, ăn sáng, dọn dẹp xong thì đọc sách. Nếu có vấn đề cần tìm hiểu, tôi vào mạng tìm đọc sách điện tử. Thời buổi này không nên phân biệt sách in hay sách điện tử. Riêng sách in tôi ưu tiên những cuốn nhẹ gọn, như cuốn Hạnh phúc cầm tay của thiền sư Thích Nhất Hạnh có thể đọc mỗi ngày, cầm cuốn nào nặng mỏi tay lắm.

- Nếu ai đó nói anh “Lớn tuổi rồi, cần gì đọc nữa” thì sao?

Ô! Thế có khác gì bảo tôi: Lớn tuổi rồi không cần đánh răng? Tôi chỉ mong ước đến phút cuối đời, tôi vẫn đủ khả năng cầm cuốn sách để đọc. Tức là mắt tôi đủ rõ, tay tôi đủ vững, óc tôi còn minh mẫn, thật quá may mắn! Chúng ta có mấy dịp gặp gỡ những vĩ nhân và được họ khai thông cho mình? Đọc sách có điểm rất hay. Bạn đọc một lần sẽ thấy hiểu ngay nhưng phải đến lần thứ 20 mới thấy có ánh sáng rọi vào đầu mình cho một câu bạn tưởng chừng như đã hiểu rồi.

{keywords}
Đức Huy truyền cảm hứng đọc đến vợ con.

- Anh đang đọc cuốn gì?

Gần đây, tôi rất tâm đắc cuốn Meditations (tạm dịch: Suy tưởng) của Marcus Aurelius - một vị minh quân của La Mã, thời còn là một đế quốc hùng mạnh khoảng hơn 100 năm trước Công nguyên. Có bản dịch sang tiếng Việt Từ hạt cát đến hạt trai do NXB Thanh Niên in, đọc rất thích. Ông là một vị vua rất ham học hỏi, đọc và viết rất nhiều, luôn tự kiểm điểm mình. Tuy là hoàng đế nhưng ông không hề tỏ ra cao ngạo hay lạm quyền, một lòng yêu nước thương dân. 

Và tác phẩm kinh điển này đã được trở thành cuốn sách gối đầu giường của rất nhiều vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Meditations giúp chúng ta học đạo làm người, nuôi dưỡng và phát triển lòng nhân ái, tu dưỡng và hoàn thiện bản thân cũng như sống sao cho vui vẻ mỗi ngày. Tôi cũng đang chiêm nghiệm phần nói về việc nhìn thẳng vào sự hạ màn của cuộc đời trong cuốn sách này...

Gấp gáp cả đời rồi chưa đủ sao?

- Nghe anh nói nhẹ bẫng, chắc do anh đã đi qua hơn 70 năm cuộc đời thôi!

Nhiều người vẫn nói: Ông Đức Huy già chát nên nói trên báo chí, trên bàn giám khảo nhẹ tênh! (cười) Tôi chỉ nói lại: Tôi chấm thi thì thế chứ nếu tôi phải lên thi, tôi cũng run như các bạn. Nhưng theo tôi, sự thức tỉnh không phụ thuộc vào số năm bạn sống. Một nhúm lửa có thể thiêu rụi cánh rừng, một tăng trẻ có thể thức tỉnh trước bậc trưởng thượng. Ngày xưa có câu: Hậu sinh khả úy, đừng xem thường điều đó!

Tôi tin rằng con người không thức tỉnh kiểu “mì ăn liền” như bị một cú ngã hay cố đập đầu vào tường mà bởi những va chạm nhẹ, kích động nho nhỏ. Giọt nước cuối cùng tuy nhỏ sẽ là câu trả lời cho những gì bạn đã nghiêng về.

{keywords}
Đức Huy sống an nhiên, tĩnh tại tuổi 73.

- Tiếp cận một hệ tư tưởng khổng lồ, có bao giờ anh ngợp vì “bơi ra biển lớn”?

Tôi không có tham vọng trở thành một cái gì đó vĩ đại. Tôi hài lòng là chính tôi, kể cả với những yếu kém. Và quan trọng là tôi không vướng bận lo lắng về thời gian. Người ta nói ở tuổi tôi phải gấp gáp vì thời gian không còn nhiều. Sao thế nhỉ? Gấp gáp cả đời rồi chưa đủ sao? Đến khi nào ta mới xong hết việc của cuộc đời bon chen này? Đến bao giờ ta mới thôi chạy đuổi theo những thứ mà khi ra đi chẳng thể mang được theo khi chôn cất?

Mark Twain từng nói một câu đại ý rằng hãy sống trọn vẹn mỗi ngày như ngày đầu tiên của tuần trăng mật và ngày cuối của dịp nghỉ hè. Giả sử, nếu biết trước ta chỉ còn 24 giờ để sống, bạn sẽ làm gì? Bạn có định ra ngồi quán cà phê dành cả tiếng lướt mạng xã hội, theo dõi người này phê bình người khác hay tìm những nơi đang có khuyến mãi lớn để đi shopping không? Tôi cũng không nghĩ vậy. Vì thế, nếu bạn nói muốn đến gần bên người thân yêu, ôm lấy và nói rằng bạn yêu họ, sao không làm ngay bây giờ? Mình còn chờ gì nhỉ?

Tôi hạnh phúc vì là chính tôi chứ không phải là “nhạc sĩ lấy vợ kém 44 tuổi”

- Anh đọc gì trong từng giai đoạn cuộc đời?

Ký ức tuổi thơ tôi hoàn toàn thiếu thốn những điều ấy. Thuở bé, tôi không được sống với bố mẹ. Tôi bắt đầu đọc hồi cuối trung học đệ nhị cấp khi bắt đầu chơi nhạc. Tôi đọc sách triết của ông Phạm Công Thiện, một số triết gia Pháp, những cuốn truyện tiếng Anh như Bố già (Mario Puzo); Trở Lại Thiên Đường (Elia Kazan) hay Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (Mark Twain).

Tuổi 20, tôi đọc những cuốn sách chép lời bài hát, đặc biệt là Bob Dylan với Where have all the flowers gone hay John Lennon với Imagine… Tôi học từ các ông rất nhiều. Họ có những tư tưởng sống rất rõ ràng hoặc những câu hỏi về cuộc đời khiến tôi phải suy nghĩ không ngừng.

Năm 1975, tôi sang Mỹ với những lao đao, khó khăn buổi đầu. Một vài cuốn sách như Ông già và biển cả (Ernest Hemingway) thực sự giúp tôi có thêm quyết tâm vượt qua tất cả. Tôi khá giống ngư ông đó, cô độc, thường lang thang một mình. Tuy nhiên, sự quyết tâm sẽ không tốt nếu không đặt đúng chỗ, như quyết tâm làm giàu chẳng hạn.

10 năm sau, tôi sống ở Hawaii, từng có lúc tôi quyết tâm làm giàu. Mất một năm tìm hiểu mua bán địa ốc, tôi nhận ra đây không phải là mình nên quay về với âm nhạc và dành 3-4 năm chuyên tâm đọc các sách Thánh Kinh.

Tuổi 50 - 60, tôi đọc sách của Đạt-lai Lạt-ma, rồi như duyên, tôi tìm gặp những cuốn Thức tỉnh mục đích sống, Sức mạnh của hiện tại của Eckhart Tolle. Tôi đọc cả bản gốc và bản dịch để xem cảm nhận nào gần với mình hơn.

Tôi sống bằng lòng với thực tại để hạnh phúc. Bạn có tu hay uống thuốc tiên đi nữa nhưng không biết bằng lòng với thực tại thì tâm bạn chưa thể bình an. Tôi chỉ mới phát hiện bí mật của sự dừng lại trong vài năm nay. Tôi hạnh phúc vì là chính tôi chứ không phải do bạn muốn hay do khán giả đóng mác tôi là “nhạc sĩ lấy vợ kém 44 tuổi”.

Trong số người giỏi quanh mình, tôi là người dở nhất. Tôi không thể so với một người bạn tay trắng làm nên đế chế kinh doanh, con cái thành đạt, ví dụ vậy. Nhưng bạn có nghĩ sẽ thực sự dừng lại để bằng lòng với những gì mình đang có?

{keywords}
Vợ chồng Đức Huy và 2 con chụp ảnh kỷ niệm dịp Tết Tân sửu 2021.

- Có bài hát nào ra đời từ một tác phẩm khác anh từng đọc?

Đó là bài Em đi viết năm 1982. Khi ấy tôi tình cờ đọc một bài thơ trên tạp chí xuân của Đại học Long Beach của tác giả Phù Du. Một bài thơ hay vốn dĩ đã là bài nhạc rồi. Tôi cứ thế hát lên bài thơ ấy, mọi người rất yêu thích và thâu bằng cát-xét. Hai năm sau, tôi có dịp gặp Phù Du trò chuyện và xin gửi cô ấy tiền tác quyền.

“Các con tôi đọc sách như đánh răng hằng đêm”
Chị Huỳnh Thư, vợ nhạc sĩ Đức Huy, chia sẻ với VietNamNet: “Hồi xưa, tôi chưa từng đọc sách, cầm lên thôi đã buồn ngủ rồi. Nhưng nhờ anh Huy đọc mà cả nhà chúng tôi đọc theo. Tôi hay đọc những cuốn anh đã đọc hay đề xuất, thế là chúng tôi càng thêm nhiều đề tài trò chuyện! Mấy bé nhà tôi đã thành thói quen đọc sách mỗi tối trước khi đi ngủ như đánh răng, rửa mặt vậy. Có hôm đi chơi đến tối khuya mới về đến nhà, các bé vẫn nhất quyết đòi phải đọc. Nhiều khi tôi phải nhắc, thằng bé mới gấp sách đi ngủ. Còn bé gái thì đều đặn 8 cuốn sách thiếu nhi”.

Ca khúc 'Em đi' (nhạc: Đức Huy; thơ: Phù Du) qua giọng hát Thanh Lam

Gia Bảo

Ảnh: NVCC

Lời nhắn xúc động nhạc sĩ Đức Huy gửi vợ kém 44 tuổi

Lời nhắn xúc động nhạc sĩ Đức Huy gửi vợ kém 44 tuổi

"Mẹ hãy chấp nhận rằng tới một lúc nào đó, Ba sẽ lặn xuống, khuất mất khỏi chân trời, và chỉ còn lại một khoảng tối mà thôi", nhạc sĩ Đức Huy từng nói với chị Huỳnh Thư khi cả hai ngắm hoàng hôn.