Trong hai cuộc đối thoại kinh điển “Sumpósion” (Yến hội) và “Phaedrus”, được thuật lại bởi triết gia Hy lạp cổ đại lừng danh Platon, ba chủ để ấy đã được bàn luận hết sức ấn tượng, dưới hình thức hai cuộc bàn luận về “Êrôs” - “Thứ tình yêu bắt nguồn từ sự thèm muốn thể xác, song có khả năng vượt qua nguồn gốc trần tục để vươn tới đỉnh cao nhập định".

Cuộc đối thoại thứ nhất - “Sumpósion”, hay “Yến hội”, là một cuộc đối thoại xoay quanh chủ đề cái đẹp, với sự tham gia của nhiều học giả lừng danh của thành Athens cổ đại. Bối cảnh của “Yến hội” là một bữa tiệc rượu Hy Lạp cổ đại, cả chủ tiệc lẫn khách mời đều là đàn ông, nâng ly, thưởng rượu và đàm đạo nhằm thắt chặt tình thân trong giới quý tộc, đồng thời giúp đỡ các quý tộc trẻ tuổi, non dại hơn được khai tâm từ những vị học giả đứng tuổi, gạo cội.

“Toàn cảnh tạo thành không gian riêng biệt, khép kín, trong đó tửu khách chú ý lẫn nhau, chia sẻ nguồn vui qua ly rượu, câu chuyện, khúc nhạc và nhục cảm thầm kín. Cảm giác gợi tình do nữ nô lệ trong vai kỹ nữ, đôi khi do nam nô lệ trong vai bồi tửu tạo nên; họ sắm vai khêu gợi trong buổi tiệc rượu song dường như chỉ lả lướt bề ngoài hơn là thực sự gợi tình bên trong …”.

{keywords}
Đọc Yến hội và Phaedrus để hiểu người xưa quan niệm thế nào về tình yêu đồng tính

Cuộc đối thoại thứ hai, được đặt theo tên của chàng thanh niên được Socrates quý mến - “Phaedrus”, có bối cảnh là một khoảng trời ngoại ô sáng rỡ với bãi cỏ xanh tươi, bóng mát trải rộng dưới tán cây tiêu huyền, hương thơm cánh đồng hoa trinh nữ và nước sông trôi êm đềm.

“Phaedrus” thiên nhiều hơn về việc làm thế nào để sáng tạo ra một diễn từ lôi cuốn, tuy nhiên cũng ẩn chứa nhiều chi tiết gợi cảm phần nào phản ánh quan niệm của người Hy Lạp cổ đại về tình yêu. Trong số các quan niệm đó, có lẽ quan trọng nhất là quan niệm về những mối quan hệ đồng tính luyến ái giữa một nam giới lớn tuổi – được gọi là người yêu – và một nam thanh niên non trẻ - gọi tên là người tình.

Người Hy Lạp cổ đại cho rằng, việc hợp nhất giữa đàn ông và đàn bà chỉ có thể “giúp con người tồn tại lâu dài trong cái đẹp và cái tốt của thế giới cảm tính. Còn sáng tạo, chỉ có thể được thực hiện qua giao tiếp giữa đàn ông với nhau, giúp con người tìm thấy tình trạng bất tử chân thực hiện hữu không phải trong thế giới cảm tính mà trong thế giới lý tính”.

Sáu nhân vật phát biểu trong “Yến hội”, bao gồm Phaedrus, Agathon, Pausanias, Eryximachus, Aristophanes, và Socrates, sẽ lần lượt đưa ra những lời ngợi ca của họ đối với Êrôs, qua đó sẽ làm vui thích quý độc giả bởi những mẩu chuyện thần thoại, cũng như những tranh cãi đời thực xoay quanh vị thần của tình yêu – tình ái này.

Tại sao con người lại luôn luôn sốt sắng đi tìm “nửa kia” của đời mình?

Đồn rằng, từ thuở hồng hoang, con người có hình dạng tròn như quả trứng, được cấu thành từ hai nửa: nam nam, nữ nữ, hoặc nửa nam nửa nữ. Loài người khi ấy, cái gì cũng có gấp đôi: có bốn tay, bốn chân, hai mặt đối diện nhau, và hai giới tính. Một ngày nọ, loài người từ thuở hồng hoang ấy học đòi muốn lật đổ thần linh. Để trừng phạt, thần Zeus đã quyết định chẻ con người làm đôi. Sự trừng phạt này đã dẫn loài người tới chỗ mất mát: nửa này lúc nào cũng cố gắng đi tìm nửa kia. Êrôs chính là thứ duy nhất có thể lấp đầy sự mất mát từ thuở đó: bằng tình yêu và tình dục, hai nửa của con người có thể tìm thấy nhau, ôm nhau và hợp nhất, đồng thời có thể tạo ra kết tinh của tình yêu - những đứa con - đồng thời cũng phục vụ cho việc phát triển nòi giống tương lai.

Tại sao chúng ta khuyến khích người yêu theo đuổi người tình, đồng thời thôi thúc người tình lảng tránh khi người yêu tiếp cận? Vì đó là phép thử cho chúng ta biết người yêu của mình thuộc loại nào: nhún nhường trước tiền bạc, run sợ trước hiểm nguy, hay lóa mắt trước quyền hành?

Tại sao nhân loại chúng ta ca ngợi tình yêu, nhưng lại không ngợi ca những kẻ lụy tình? Thế nào mới là một tình yêu đích thực? Thích chỉ đàn ông/ đàn bà, hay thích cả đàn ông lẫn đàn bà? Thích cả tâm hồn lẫn thể xác, hay chỉ thích tâm hồn, hoặc thể xác? Thích cung cách thực hiện hành vi tình dục, thích bản thân việc thực hiện hành vi tình dục, hay quy phục trước cả hai thứ đó? …

Về tình yêu và cái đẹp, có thể nói rằng, về đại khái và tổng quát thì ai cũng có thể nói, nhưng để bàn luận chuyên sâu thì chúng ta chỉ có thể kiếm tìm giữa những học giả và vở sách. Các bạn hãy thử tìm đọc và tự khám phá xem, liệu quan niệm cổ xưa của Socrates, rằng có phải niềm đam mê đích thực chỉ có thể được thấu hiểu bởi một vị kiệt xuất triết gia không?

Yến hội và Phaedrus” là một tác phẩm ẩn chứa lời giải đáp cho câu hỏi đó, với cách diễn đạt nên thơ, cùng những cấu trúc uyển chuyển tựa như một câu chuyện thường nhật được thuật lại dưới ngòi bút tài hoa của nhà triết học – sử gia Platon.

Trương Huyền Linh

Muốn kiếm tiền bằng công nghệ phải đọc 'Khái niệm kinh doanh số 4.0'

Muốn kiếm tiền bằng công nghệ phải đọc 'Khái niệm kinh doanh số 4.0'

Cuốn sách Khái niệm kinh doanh số 4.0 đề cập tới một số mô hình kinh doanh mới, đặc biệt loại hình kinh doanh số.