- Mỗi lần đến với ngôi nhà trọ ẩm thấp cạnh hồ Hoàng Cầu tôi đều đón nhận tình cảm chân tình của mấy chục con người từ Thanh Hóa ra đây bán hàng rong. Sống trong vất vả, họ càng khát khao con cái học giỏi để thoát nghèo.

NGƯỜI NGHÈO VÀ CÁNH CỬA ĐẠI HỌC

Ngày nào cũng vậy, ở ngôi nhà trọ trên phố Nguyễn Phúc Lai ấy, mấy chục con người lủng lẳng rổ hàng rong trước ngực đi bán dạo khắp hang cùng ngõ hẻm ở Hà Nội. Tối đế,n mọi người (đều quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa) chen chúc trong ngôi nhà ẩm thấp đếm từng gói bông tai, cái bấm móng tay, ví da,…xem ngày qua lời lãi bao nhiêu.

Chuyện tối nay vui hơn khi tôi đến hỏi chuyện học tập của các em nhỏ và những người cô, người bác ở đây.

Ngồi quây quần dưới ánh đèn nê-on lờ mờ, bà Tâm (nay đã ngoài 60 tuổi) dáng gầy gò, khắc khổ nhìn tôi cười móm mém: “Bác trước cũng là giáo viên mầm non, vì sức yếu nên về nghỉ mất sức lao động.

Nhà 6 người con, không thể trông vào vài đồng trợ cấp. Bác ra đây bán hàng rong hơn 10 năm rồi”. Con cả của bác Tâm đã 37 tuổi, người nhỏ nhất vừa tốt nghiệp ĐH nhưng chưa xin được việc. Một trong 6 người cũng nối nghiệp mẹ làm giáo viên. 

Bác mau mắn chỉ tôi sang phía cô Lê Thị Phúc (39 tuổi) nhà ở thôn 11, xã Quảng Lưu với lời giới thiệu: “Cháu Trang (Đoàn Thị Trang – PV), con cái Phúc vừa ngoan lại học giỏi. Đợt tới xóm này chỉ có nó thi ĐH. Mà cháu quyết tâm lắm, đã đăng ký vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân”.

Cô Phúc gương mặt hốc hác, cho biết: “Nhà mình 3 cháu, 2 gái 1 trai mà chỉ hơn sào ruộng, xung quanh lại không có công ty nào nên mình đành ra Hà Nội bám víu lấy rổ hàng rong. Bố các cháu vừa làm mẹ làm cha nuôi dạy các con kể cũng vất vả. Nhưng không thể khác được”.

{keywords}
Cô Lê Thị Phúc tranh thủ mấy ngày còn lại đi bán hàng rong kiếm thêm chút tiền lo cho con ra Hà Nội thi ĐH. (Ảnh: Văn Chung)

Ở quê cô thuộc xã miền biển Quảng Lưu, nhà đông con hay ít con cũng chỉ 9-10 thước ruộng. Mùa hè, nước biển ngấm sâu vào đất liền, giờ lại thêm những người nuôi tôm dẫn nước biển vào. Trồng cây gì cũng thấy héo hon, còi cọc.

Ra Hà Nội, một ngày bước đi rạc chân gần 20km của cô Phúc nếu may mắn thì lãi 50.000 đồng, ít hơn chỉ đủ tiền ăn với trả tiền trọ thuê. Mấy ngày trước, Hà Nội mưa rả rích. Cô và mọi người đành nằm nhà mà lòng buồn rượi vì không đi làm được.

Người mẹ nghèo cười gượng tâm sự: “Nếu Trang đỗ ĐH, chắc chắn là vui rồi. Nhưng cũng lo nhiều. Tháng cô đi làm, cố gắng thì tiết kiệm được 2 triệu là tốt. Ở Hà Nội cái gì cũng đắt đỏ chẳng biết sau này ra cháu ra đây gia đình phải xoay xở thế nào”.

Nhà khó khăn, hiện vợ chồng cô Phúc đã phải vay lãi ngân hàng hơn 10 triệu để nuôi con. Thế nên, giọng cô quyết tâm lắm: “Cho các con được đi học là tâm nguyện của vợ chồng cô. Dù nghèo khổ đến mấy hay phải vay lãi, cô chú cũng sẵn sàng cho con theo học. Học để cố thoát nghèo”.

Mấy ngày qua, cô lóc cóc rổ hàng rong sang tận khu Trung Kính (địa điểm con gái cô sẽ dự thi) để hỏi giá, tìm phòng thuê trọ cho mẹ con khi Trang ra Hà Nội thi ĐH.

Giá phòng 1 triệu đồng/3-4 ngày trọ thực sự là khoản tiền lớn với cô. Dự định cho con ra sớm để đi thăm Lăng Bác, cô đành gác lại. Người mẹ nghèo cố gắng chạy bán hàng rong 1-2 hôm nữa, kiếm thêm vài đồng để bắt xe khách về quê đón con trở ra đây. Ở nhà, chú Đoàn Thế Huy cho biết cũng đang đi chạy xung quanh hàng xóm vay nóng ít tiền để đưa mẹ con đi thi.

Đoàn Thị Trang, HS lớp 12 Trường THPT Quảng Xương 3 là con cả của vợ chồng cô Phúc. Em vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT với tổng điểm 47 và 3 năm liền là học sinh giỏi.

Em nói sắp tới sẽ thi vào ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế quốc dân để “sau này có thể làm giàu cho mình, giúp gia đình thoát nghèo. Mẹ em không còn phải đi bán hàng rong nữa”.

Ngoài thi khối A ở Hà Nội, nghe lời bố mẹ, cô bạn đã đăng ký ngành sư phạm mầm non của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) như phương án dự phòng. Em cho biết: “Ngành sư phạm ở quê em giờ thừa nhiều nhưng giáo viên mầm non vẫn thiếu. Hơn nữa nếu sau đi dạy ở quê em sẽ có điều kiện chăm sóc các em và bố”.

  • Văn Chung