Cách đây vài năm, tôi gặp một người đàn ông đặc biệt. Ông ở Quảng Ngãi vào TP.HCM đạp xích lô.
Buổi tối ông chạy tới dãy nhà trọ đưa cho một cậu học trò lúc gói xôi nóng, khi ổ bánh mì để cậu dằn bụng học khuya. Thì ra ông có cậu con trai học rất giỏi, vào thành phố thi đậu ngay vào trường phổ thông chuyên, rồi tiếp tục đoạt giải thưởng toán quốc gia. Người cha đã quyết định bán ruộng ở quê, cho con một số tiền để trụ lại thành phố, và ông cũng vào theo, đạp xích lô kiếm thêm tiền cho con ăn học.
Sau mỗi ngày lao động, ông lại ghé thăm và động viên con ráng học tốt. Những lúc ấy con đạp xích lô, chở cha đi dạo một lúc để cha con, tâm sự. Và động lực duy nhất để ông vượt qua cuộc sống cực nhọc, phải ở xa con vì không đủ tiền ở chung là những giải thưởng toán học con trai đạt được.
Câu chuyện của ông làm tôi nhớ đến cây vợt nữ Maria Sharapova, cô gái số 1 của làng quần vợt thế giới đã lên đỉnh vinh quang từ sự khởi đầu hy sinh của người cha.
Cha của cô gái vàng này đã đem cô đến nước Mỹ năm cô 9 tuổi, nhận làm những công việc chân tay nặng nhọc để lấy tiền đóng học phí cho con gái khi cô chưa được nhận học bổng của trường đào tạo thể thao IMG có mức học phí 35 ngàn đô la/năm.
Người cha cũng không được sống cùng con, chọn một căn phòng với giá thuê rẻ mạt để dồn hết tiền cho con có điều kiện ăn học, tập luyện tốt nhất. Số phận đã mỉm cười với những "núi Thái Sơn" khi những người con "vàng" đã trả được ơn đấng sinh thành cũng bằng sự kiên trì học tập, rèn luyện để thành danh trong xã hội.
Một người bạn vừa qua Mỹ thăm con du học, kể, chị vô cùng bất ngờ khi bắt gặp con cái của hai doanh nhân rất nổi tiếng ở Việt Nam cũng đang du học bên ấy, tận mắt thấy các "cậu ấm" ngoài giờ đi học nhận làm những công việc bán thời gian như lái xe chở khách từ khách sạn ra sân bay, mở cửa cho khách ở các khách sạn 4 - 5 sao ở trung tâm thành phố, phục vụ văn phòng của các tập đoàn kinh doanh lớn...
Các bạn trẻ ấy không cần đi làm kiếm tiền, vì đã được gia đình chu cấp, nhưng vẫn phải đi làm theo yêu cầu của cha mẹ, rằng "đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Khỏi nói ra cũng biết đó là một sự hy sinh về tinh thần, bởi khi bắt buộc những đứa con cưng của mình lao động chân tay, cọ xát với những tầng lớp phức tạp trong một xã hội xa lạ thì họ sẽ lo lắng, "xót ruột" đến thế nào, nhưng vẫn phải làm để con thật sự trưởng thành, hiểu được mọi giá trị của cuộc sống dù rất nhỏ nhặt.
Những câu chuyện này làm tôi rất thấm thía khi chính mình phải nghe một câu hỏi của một người mẹ, rằng chị ấy đã làm gì sai, đã lo cho con hết sức nhưng "sản phẩm con người" của chị hỏng, vô phương cứu chữa. Đứa con trai duy nhất từ nhỏ đã được mẹ buông lỏng, chơi với bạn xấu đến nỗi phải bỏ học giữa chừng.
Lớn lên cậu ấy vướng vào ma túy, nghiện ngập đến sinh bệnh, sức khỏe yếu đến mức không thể tự lao động kiếm sống. Người mẹ đã cố gắng bằng tiền và quyền sửa chữa những khiếm khuyết của đứa con trước dư luận xã hội. Con học hành dở dang, chị vẫn mua được bằng tốt nghiệp phổ thông, rồi đẩy con vào đại học tại chức và lại cũng có được tấm bằng tốt nghiệp ngành này, ngành khác.
Nhưng con không thể đi làm, chị mua đất mở nhà hàng cho con mang danh quản lý, ai cũng mừng con chị đã qua được giai đoạn đen tối nhất. Nhưng thực tế chị phải thuê người quản lý việc kinh doanh nhà hàng. Rồi chị nhắm một đứa con gái xinh đẹp ở quê, nuôi cô gái ăn học đến hết đại học và cưới cô gái ấy cho con trai mình.
Bây giờ chị đã có cháu nội bụ bẫm, xinh đẹp. Bạn bè lại chúc mừng, nào ngờ chị khóc mà nói rằng, đứa con ấy ngoài 30 tuổi vẫn chứng nào tật nấy, cá độ bóng đá thua 3 tỷ đồng. Khi bọn xã hội đen đến đòi nợ, quấy phá, chị mới hiểu ra, tất cả những bài toán của người mẹ thương con vẫn không có được đáp số đúng.
Ai cũng hiểu chỉ cần chị buông tay, biệt thự ấy, đất đai ấy, cơ nghiệp ấy, đứa con trai hư sẽ bán hết để thỏa mãn thói nghiện ngập, cờ bạc của nó. Đáp số chị ấy muốn tìm, chính chị không tìm được.
Chị không hiểu, khi đã quyết định sinh ra một đứa con, cái trách nhiệm đầu tiên là sống gương mẫu, làm ăn chân chính để có thể để lại trong tâm khảm đứa con một quan điểm sống đúng đắn, một cách cư xử đúng đắn với từng đồng tiền đem về gia đình. Điều tối thiểu ấy chị đã xem nhẹ, giờ ân hận thì đã muộn.
(Theo Bích Hồng/ Doanh Nhân Sài Gòn)