- Sức hấp dẫn của ngôi trường đặc biệt này khiến nó được mệnh danh là “chương trình đào tạo đại học cạnh tranh nhất lịch sử nước Mỹ”. Và một nam sinh đất Cảng đã đánh bại 16.000 ứng viên để giành một suất học bổng toàn phần của trường.

{keywords}
Trần Văn Hoàng Tuấn (sinh năm 1996) - cựu học sinh Trường THPT Chuyên Trần Phú - vừa nhận học bổng trường Minerva School

Trần Văn Hoàng Tuấn

(Sinh năm 1996, cựu học sinh chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng)

- Giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh năm lớp 12

- Huy chương Bạc thi tiếng Anh qua mạng Internet toàn quốc năm lớp 9

- Huy chương Vàng tiếng Anh duyên hải Bắc Bộ năm lớp 11

- Đạt 8.0 IELTS từ năm lớp 12

- Phó bí thư đoàn trường THPT Chuyên Trần Phú 2 năm liên tiếp

- Giải thưởng của cựu học sinh chuyên Trần Phú trên toàn cầu NKTP Global năm 2013 cho thành tích hoạt động ngoại khóa xuất sắc

- Từng là trưởng ban truyền thông của NKTP Global Network - nhóm tổ chức chương trình Cửa Sổ Du Học 2015

- Sáng lập Tran Phu Media Team, một câu lạc bộ về truyền thông, làm phim và nhiếp ảnh dành cho các học sinh cấp 3

- Tổ chức Lễ bế giảng khóa 2014 "Màu của nỗi nhớ"


Ngôi trường đặc biệt

Đang theo học SP Jain School of Global Management – một ngôi trường của Úc có trụ sở tại Singapore – theo diện học bổng toàn học phí, Hoàng Tuấn bỏ ngang vì thấy quá hay và được truyền cảm hứng khi nghe về Minerva – một ngôi trường mới thành lập của Mỹ nhưng có tỷ lệ trúng tuyển còn thấp hơn bất cứ ngôi trường nào thuộc khối Ivy League.

The Minerva School được thành lập năm 2012, nhằm đào tạo các ngành khoa học trong vòng 4 năm. Năm đầu tiên tuyển sinh 2014, Minerva nhận được 2.464 hồ sơ ứng tuyển và chỉ nhận 69 sinh viên – tương đương tỷ lệ trúng tuyển 2,8%. Năm nay, trường có 16.000 đơn đăng ký nhưng chỉ nhận 306 sinh viên – tương đương tỷ lệ trúng tuyển 1,9%. Trong khi đó, năm nay Harvard nhận 2.037 sinh viên trên tổng số 39.041 đơn – tỷ lệ trúng tuyển 5,2%.

“Nếu nói là chất lượng tốt hơn Harvard thì em không nghĩ là có thể so sánh đến mức như vậy. Nó khá là khập khiễng, nhưng những trải nghiệm của học sinh khóa trước cũng như chất lượng giảng viên thực sự tốt” – Tuấn chia sẻ.

Nam sinh đất Cảng cũng chia sẻ, trước khi “apply”, em cũng đã tìm hiểu về ngôi trường này khá kỹ. Các giảng viên được mời về đều là những giáo sư đầu ngành ở các trường đại học danh tiếng nhất thế giới. Đặc biệt, mô hình đào tạo của trường hoàn toàn khác biệt so với những trường đại học khác.

Sinh viên chỉ học 1 năm đầu ở San Francisco, 3 năm sau các em sẽ cùng nhau sinh sống và học tập ở 6 thành phố khác nhau trên toàn thế giới: Berlin (Đức), Buenos Aires (Argentina), Seoul (Hàn Quốc), Bangalore (Ấn Độ), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và London (Anh).

Trong 3 năm, tất cả sinh viên sẽ cùng nhau sống trong một ngôi nhà chung và học trực tuyến qua Internet kết nối với các giảng viên ở Mỹ. Mục đích của hình thức học tập này là tạo điều kiện để sinh viên trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau trên toàn thế giới, học hỏi ở thế giới thực tiễn, thay vì bó buộc trong khuôn viên trường.

Hơn thế nữa, bằng hình thức học tập này, nhà trường muốn xây dựng một môi trường học tập dựa trên công nghệ thông tin, giảng viên có thể dạy ở bất cứ nơi đâu và sinh viên có thể học ở bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, không giống như những chương trình học “online” thông thường, mỗi lớp học của Minerva chỉ có 15 sinh viên. Các sinh viên có thể tương tác với nhau và tương tác với giảng viên, giảng viên cũng có thể quan sát được sinh viên của mình.

Hoàng Tuấn chia sẻ, mặc dù đưa sinh viên đi khắp thế giới nhưng học phí của trường rất rẻ so với hầu hết các trường đại học Mỹ hiện nay, do không tốn nhiều chi phí cho cơ sở vật chất. Theo thông tin từ trang web của trường, học phí cộng với các khoản phí khác là hơn 28.000 đô la/ năm, và đây cũng là mức học bổng mà chàng trai 20 tuổi nhận được từ Minerva trong 4 năm học.

Kỳ vọng vào môi trường khác biệt

{keywords}
Hoàng Tuấn cùng các bạn học đi tham quan đất nước Singapore

Với tham vọng xây dựng một môi trường giáo dục đại học khác biệt, cung cấp cho sinh viên những công cụ cần thiết để trở thành các nhà lãnh đạo tương lai, những người sáng lập ra Minerva cũng đưa ra một quy trình ứng tuyển khác biệt. Minerva không chấp nhận bất cứ điểm thi chuẩn hóa nào, mà gọi đó là “sự đánh giá thiên vị và không công bằng về tiềm năng thực sự của sinh viên”. Thay vào đó, nhà trường đưa ra một bộ tiêu chí riêng.

“Em phải làm một bài IQ toán, một bài test về khả năng sáng tạo, thực hiện một cuộc phỏng vấn online, làm một bài văn ngắn và liệt kê ra 5 thành tích mà mình tự hào nhất về bản thân” – Tuấn chia sẻ.

Trong bài văn ngắn, ứng viên được hỏi “nếu được đưa ra lời khuyên cho các bạn học sinh cấp 3 thì em sẽ đưa ra lời khuyên gì?”. Tuấn cho biết, cậu đã khuyến khích các bạn cân bằng giữa việc học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa. “Mặc dù việc học tập rất quan trọng nhưng các hoạt động ngoại khóa là nơi để các bạn thể hiện và khám phá bản thân nhiều nhất, trưởng thành tốt nhất”.

Bài phỏng vấn của trường cũng khác biệt khi dựng sẵn video, với những câu hỏi có sẵn, ứng viên nhìn vào webcam và trả lời. “Họ hỏi rất kỹ về con người mình để hiểu xem thực sự mình là người như thế nào, có phù hợp với ngôi trường của họ hay không. Người sáng lập trường nói rằng ngôi trường này thực ra không dành cho tất cả mọi người, mà chỉ cho những người dám đứng lên tham dự một môi trường mới, chấp nhận những rủi ro vì nó không phải là một ngôi trường lâu đời. Họ muốn tìm hiểu xem mình có phải là con người mà họ đang tìm kiếm hay không”. 

Hoạt động ngoại khóa không phải để xin học bổng

{keywords}
Trải nghiệm lễ hội Diwali - một ngày lễ truyền thống của Ấn Độ - tại Singapore

Sở hữu một bảng thành tích ấn tượng cả về học tập lẫn hoạt động ngoại khóa, Hoàng Tuấn cho biết, em tham gia nhiều hoạt động chỉ vì bản thân thích, chứ không hề lên kế hoạch làm những việc đó để có bảng thành tích đẹp xin học bổng.

“Em cũng giống như nhiều bạn ở Hải Phòng, không có nhiều cơ hội tiếp cận với những thông tin về học bổng hay những kinh nghiệm từ người đi trước như các bạn ở trên Hà Nội. Hồi học cấp 3 em cũng chưa hề có ý định sẽ đi du học, nhưng vô tình cơ hội đến với mình”.

{keywords}
Hoàng Tuấn tham gia Hội nghị Mô phỏng Liên Hiệp Quốc (MUN) tại trường SP Jain School of Global Management

Tới tận năm lớp 12, sau khi đạt giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh, Tuấn vẫn ngấp nghé ý định sẽ xin tuyển thẳng vào ĐH Ngoại thương, nhưng rồi cơ hội thú vị hơn đã đưa chàng trai này đến với đất nước Singapore trong vòng 1 năm, sau đó sang cơ sở của trường ở Dubai học một kỳ rồi mới trở về Việt Nam chuẩn bị cho năm học mới ở Minerva vào tháng 8 tới.

Có cơ hội trải nghiệm môi trường học tập cũng như nền văn hóa của nhiều quốc gia, Hoàng Tuấn khát khao được đưa những cơ hội ấy tới gần hơn với các bạn trẻ, đặc biệt là các em học sinh ở Hải Phòng. Đó cũng là lý do Tuấn cùng với một số bạn trẻ khác tổ chức chương trình Cửa số du học – nơi để các du học sinh Hải Phòng trở về chia sẻ và tư vấn kinh nghiệm xin học bổng với các bạn học sinh có hoài bão đi du học. “Năm ngoái bọn em đã mời được nhiều du học sinh ở 12 quốc gia trên thế giới về tham gia chương trình. Hiện tại, cả nhóm đang chuẩn bị làm Cửa số du học 2016 vào tháng 8 tới”.

{keywords}
Tuấn là một trong những thành viên ban tổ chức chương trình Cửa sổ du học tại Hải Phòng

Hiện tại, chàng trai năng động này cũng đang tham gia một dự án có tên Hai Phong Free Tour Guide – một nhóm sẵn sàng làm hướng dẫn viên miễn phí cho các du khách nước ngoài đến với thành phố Cảng. Ý tưởng được đưa ra với mục đích không chỉ quảng bá hình ảnh quê hương, mà còn tạo ra một sân chơi để các bạn trẻ có môi trường giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài.

Sở thích tham gia các hoạt động xã hội của Hoàng Tuấn chắc chắn sẽ được phát huy và tận dụng hết sức khi em đặt chân lên đất Mỹ. Tuấn cho biết, năm đầu tiên học tập ở thành phố San Francisco năng động, em mong muốn được khám phá thành phố này. “Trường cũng gần Silicon Valley, em nghĩ sẽ có rất nhiều hoạt động hay mà mình có thể tham gia ở khu vực này”.

  • Nguyễn Thảo

* Bài viết thuộc bản quyền của báo Vietnamnet. Đề nghị không sao chép dưới bất kỳ hình thức nào.

Xem thêm: