Bà Jill Tolles đã có một bài thuyết trình trên diễn đàn TED hồi cuối năm 2016 về vấn đề này và kêu gọi lòng can đảm của cộng đồng để đối mặt với nó.

{keywords}
Diễn giả Jill Tolles trên diễn đàn TED

Bà Jill Tolles đã giảng dạy về Nghiên cứu truyền thông ở ĐH Nevada, Mỹ suốt 10 năm qua. Bà cũng là một thành viên của Trường Tư pháp quốc gia. Bà là một người ủng hộ giáo dục và các vấn đề bảo vệ trẻ em ở bang Nevada. Trong phiên họp vào năm 2015, bà đã làm việc với các nhà lập pháp để thông qua một đạo luật thiết lập chuẩn chương trình giảng dạy giúp ngăn ngừa tình trạng xâm hại tình dục trẻ em bằng cách dạy về an toàn cá nhân trong chương trình K-12.

Ngoài ra, một lý do quan trọng khiến bà quyết định đứng trên sân khấu TED chia sẻ về vấn đề này là vì bản thân bà cũng từng là nạn nhân của xâm hại tình dục khi còn nhỏ. Và với tư cách là một giáo viên, một người mẹ, bà thực sự trăn trở với việc mở rộng cuộc hội thoại về dịch bệnh âm thầm này để mang đến sự nhận thức, sự phục hồi và phòng ngừa cho cộng đồng.

Dưới đây là bản dịch bài thuyết trình của bà Jill Tolles.

Tôi tin rằng có nhiều anh hùng trong căn phòng này. Thực ra, tôi tin rằng mỗi người chúng ta đều có thể là một anh hùng, thậm chí chẳng cần tới áo choàng. Chúng ta chỉ cần có lòng can đảm – đủ can đảm để có một cuộc trò chuyện không mấy dễ chịu.

Nhưng trước tiên, tôi muốn thú nhận. Tôi ghét những cuộc trò chuyện khó chịu. Tôi đã dành phần tốt hơn trong 20 năm qua để nghiên cứu và giảng dạy về truyền thông, nói thật một phần là vì tôi muốn tránh cảm giác khó chịu trong một cuộc trò chuyện.

Nhưng tôi cũng biết rằng, qua nhiều năm, bất kỳ sự thay đổi thực sự nào với một người, một tổ chức, hay một nền văn hóa đều bắt đầu bằng một cuộc trò chuyện không dễ chịu. Vì thế, ngày hôm nay tôi muốn mời các bạn tham gia vào cuộc trò chuyện về lạm dụng tình dục trẻ em.

CDC ước tính rằng cứ 4 bé gái thì có 1 bé và cứ 6 bé trai thì có 1 bé sẽ bị lạm dụng trước 18 tuổi. Các vị có thể nghĩ đến 4 bé gái mà mình quen biết? Chúng có thể là hàng xóm của các bạn, có thể là những cô bé trong đội bóng đá hay không? 6 bé trai đó có thể là người trong gia đình bạn hay trong một lớp học?

Lạm dụng tình dục trẻ em là một dịch bệnh âm thầm, như một người bạn của tôi đã từng nói rất đúng “Nếu như căn bệnh này là Ebola, thì cả thế giới này sẽ đổ sập, và chúng ta sẽ không còn được nói về nó”.

Vòng tay đâu, ruy băng đâu, cuộc đua để chữa trị căn bệnh này ở đâu? Có một người phụ nữ mà tôi gọi cô ấy là một anh hùng. Tên cô ấy là Erin Merryn, và cô ấy đã giao cho mình nhiệm vụ đảm bảo rằng mọi đứa trẻ trên khắp nước Mỹ đều hiểu về an toàn thân thể, và chúng có quyền để được an toàn. Nếu như có ai đó làm hại chúng, chúng sẽ đi tìm sự giúp đỡ. Theo kết quả của cái được gọi là “Luật của Erin”, tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu về vấn đề này trong bang của chúng tôi.

Trong suốt khóa học 8 tháng, chúng tôi đã biết một vài sự thật không mấy dễ chịu. Chúng tôi biết rằng, 93% trẻ biết kẻ lạm dụng mình, thường kẻ đó là bạn bè hoặc người thân của gia đình. Chúng tôi biết rằng, 90% trẻ không kể với ai, và con số này thậm chí còn cao hơn ở các bé trai bởi vì vẫn có sự kỳ thị rằng chuyện đó sẽ không xảy ra với các bé trai, hoặc chỉ có đàn ông mới có thể là kẻ lạm dụng. Sự thật là những kẻ dã thú có thể ở bất kỳ hình dạng, kích thước, giới tính, độ tuổi hay bất kỳ trình độ văn hóa nào.

Chúng tôi biết về những lời lẽ ngọt ngào mà chúng dùng để dụ dỗ bọn trẻ đi cùng mình, khiến bọn trẻ tin chúng và giữ bí mật. Chúng tôi biết về sự khác biệt giữa một bất ngờ an toàn và một bí mật không an toàn.

Một bất ngờ an toàn là khi bạn nướng một chiếc bánh tặng mẹ, và “Suỵt! Chúng ta sẽ không nói trước với mẹ điều này cho tới khi mẹ về nhà nhé!”

Một bí mật không an toàn là “Tại sao cháu không ghé qua sau khi tan học nhỉ, và ta sẽ cho cháu chơi trò chơi đó. Cháu biết đấy, trò chơi mà bố mẹ sẽ không cho cháu chơi, và đó sẽ là bí mật nhỏ giữa hai chúng ta thôi!”

Thế nhưng, chúng tôi cũng biết đến một số anh hùng có lòng can đảm. Chúng tôi biết về những giáo viên, những cố vấn, những người hàng xóm, các thành viên trong gia đình, những người nhìn thấy những dấu hiệu lạm dụng, những người lên tiếng và giúp cứu sống cuộc đời đứa trẻ. Chúng tôi biết về những tổ chức dạy về an toàn thân thể cho trẻ em. Chúng tôi biết về những đường dây nóng, nơi mà một đứa trẻ có thể gọi tới và tìm kiếm sự giúp đỡ ở khu vực của mình. Chúng tôi biết về những tổ chức giúp đỡ lan truyền nhận thức về vấn đề này, những diễn đàn trực tuyến, những nhóm hỗ trợ các nạn nhân phục hồi.

Chúng tôi có cơ hội được nghe một phụ nữ trẻ cực kỳ can đảm, tình cờ là sinh viên của tôi ở trường đại học mà tôi đang giảng dạy. Khi cô ấy ngồi đó, chia sẻ với chúng tôi, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của mình, tôi đã không thể không khâm phục lòng can đảm của cô ấy. Và tôi cũng không thể không cảm thấy khó chịu.

Bởi vì như các bạn biết, tôi được giao nhiệm vụ này bởi vì tôi là một thành viên tích cực của cộng đồng, tôi là một công dân, một người có liên quan, một phụ huynh. Và điều mà hầu hết thành viên của nhóm không biết, là tôi cũng từng là một trong số 4 bé gái đó.

Năm tôi 6 tuổi, khi tôi đang ở nhà của ông bà thì ông dượng tôi bước vào lúc tôi đang tắm. Ông ấy làm những việc mà tôi không thể nói ra. Và khi nó qua đi, ông ấy hỏi tại sao tôi khóc, bởi vì ông ấy nói rằng tôi sẽ thích việc đó, rằng nếu tôi nói với bất cứ ai, tôi sẽ gặp rắc rối. Đó là lần đầu tiên của tôi, là ký ức tồi tệ nhất của tôi với một kẻ lạm dụng, nhưng đó không phải là lần cuối cùng.

Năm 11 tuổi, tôi tới dự tiệc sinh nhật của một trong những người bạn thân nhất, và tôi liên tục chú ý tới một người bác của cô ấy cứ chụp những bức ảnh tôi mặc bộ đồ tắm. Sau khi chúng tôi ăn bánh và mở quà, ông ấy đề nghị tôi đi dạo với ông ấy trong khu vực rừng cây cạnh nhà. Ông ấy nắm tay tôi và nói rằng tôi xinh đẹp và trưởng thành như thế nào, rồi ông ấy nói rằng hi vọng tôi sẽ là bạn tốt với cháu ông ấy, để 3-4 năm nữa, ông ấy có thể có tôi cho riêng mình. Lúc đó tôi 11 tuổi.

Lần đó, mặc dù mất 2 tuần nhưng tôi đã nói ra bởi vì mỗi khi đêm xuống, tôi đều sợ hãi. Tôi sợ điều ấy có ý nghĩa gì đó, và sợ những gì mà ông ấy có thể làm. Các bạn có biết gia đình tôi đã phản ứng như thế nào không? Họ nói rằng bạn không thể coi bất cứ điều gì ông ấy nói đều là nghiêm túc, rằng ông ấy luôn có “khiếu hài hước kỳ lạ”.

Năm 13 tuổi, chúng tôi có một giáo viên khoa học thật điên rồ. Ông ấy nổi tiếng với hành động bôi phấn lên tay, sau đó tát vào mông các nữ sinh để in vết phấn lên đó. Ông ấy sẽ hát những bài hát bậy bạ trong lớp. Thậm chí ông ấy còn có một khẩu hiệu trong lớp: “Tôi không phải là một tên già bẩn thỉu. Tôi là một bô lão quyến rũ”.

Một hôm, khi tất cả học sinh đã ra khỏi lớp, tôi ở lại để lấy vài đồ trong tủ quần áo của mình. Ông ấy đi về phía tôi, lại gần và ôm tôi, và trước khi tôi biết chuyện gì đang xảy ra thì ông ấy đã đẩy tôi vào những chiếc kệ sách, bắt đầu đặt tay xuống phía dưới. Tôi đã đẩy ông ta ra, chay đi và khi tôi chạy, tôi vẫn nhớ ông ấy hét lên rằng “Chỉ đùa thôi mà!”. Lần này, tôi đã không nói với bất kỳ ai, bởi vì lúc đó tôi đã hình dung ra câu hỏi: “Còn gì nữa không?”

Tôi không biết cho đến năm 17 tuổi, khi một giáo viên mà tôi yêu quý đã cho chúng tôi xem một video và dẫn dắt một cuộc thảo luận về lạm dụng tình dục trẻ em. Cuối cùng tôi đã đặt tên được cho những gì đã xảy ra với mình, và tôi đã có can đảm để nói chuyện với gia đình mình.

Nghiên cứu cho thấy có nhiều yếu tố có thể giúp một đứa trẻ phục hồi sau những chấn thương như thế này, nhưng có một yếu tố quyết định, đó là sự ủng hộ của người mẹ. Cái ngày mà mẹ tôi lắng nghe tôi, bà đã tin tôi, bà đứng về phía tôi và trao cho tôi sự giúp đỡ mà tôi cần để bắt đầu quá trình làm lành những tổn thương. Ngày hôm đó, mẹ tôi là anh hùng của tôi.

Theo như lời khuyên “Cách để có một bài thuyết trình TED”, đây sẽ là lúc tôi nên nói điều gì đó buồn cười. Bởi vì tôi biết – cảm ơn vì đã cười – bởi vì điều này quá khó chịu. Tôi biết – tôi biết rằng điều này không hề dễ chịu, với tôi cũng thế. Các bạn thấy đấy, tôi đã phải đối mặt với chuyện này cách đây hơn 20 năm. Tôi đã làm việc rất vất vả bằng việc đi qua những ký ức đau buồn để nhận biết đầy đủ những gì đã xảy ra với mình, và nhờ có Chúa, tôi đã bước tiếp.

Tôi hiểu về những mối quan hệ lành mạnh, sự tin tưởng, những ranh giới, lắng nghe tâm can mình và tôi tha thứ. Tôi không phủ nhận, không giấu diếm nó, không coi nhẹ những gì đã xảy ra,và chắc chắn tôi không bỏ qua nó. Nhưng tôi tha thứ, để nó không còn quyền lực gì đối với tôi.

Và tôi quyết định rằng, mặc dù những chuyện này đã xảy ra nhưng nó không hề định nghĩa tôi là ai. Nó không làm nên con người tôi. Và tôi bước tiếp về phía trước. Tôi đã kết hôn với một người đàn ông tuyệt vời. Chúng tôi bắt đầu một gia đình xinh đẹp, tôi bắt đầu gây dựng sự nghiệp của mình và bước tiếp tới những thứ khác mà tôi đam mê, bênh vực và vì những thứ tốt đẹp khác ở ngoài kia. Tôi sẽ hạnh phúc khi để nó lại với quá khứ. Tôi sẽ hạnh phúc khi không bao giờ phải nói về nó một lần nữa. Nó không phải thứ mà tôi sẽ chối bỏ, hay chia sẻ mỗi khi có dịp thích hợp, nhưng nó không phải là thứ mà tôi muốn nói về.

Cho tới khi tôi nhận ra rằng nếu sự im lặng là người thân tốt nhất của kẻ dã thú, nếu như sự xấu hổ và chối bỏ là những thành phần giúp dịch bệnh này phát triển, thì tại sao chúng ta lại cứ giữ im lặng? Vì thế, tôi nghĩ rằng, thay vì chỉ tập trung vào việc cuộc hội thoại này khó chịu đến mức nào, chúng ta có thể tập trung vào việc đây chính là cơ hội để có lòng can đảm. Lòng can đảm để có cuộc hội thoại này, bởi vì có những đứa trẻ ở ngoài kia đang tin tưởng rằng chúng ta sẽ có cuộc trò chuyện này.

Vì thế, nếu như có bất cứ cậu bé, cô bé nào đang nghe bài thuyết trình này, các bạn có quyền được an toàn. Nếu như có ai đó đang làm hại các bạn, hay làm những thứ khiến các bạn cảm thấy không thoải mái và bắt các bạn phải giữ những bí mật không an toàn, đó không phải là lỗi của các bạn. Các bạn có lòng can đảm – các bạn có lòng can đảm và hãy trở thành anh hùng của chính mình, hay của những người khác. Hãy tìm một người lớn tin cậy, hãy tìm một cố vấn, một giáo viên hoặc một thành viên tin cậy trong gia đình. Và nếu như người đầu tiên bạn chọn không lắng nghe, hãy tiếp tục can đảm, tiếp tục cố gắng cho tới khi bạn tìm được ai đó có thể cho bạn sự giúp đỡ mà bạn xứng đáng.

Gửi tới những người lớn tin cậy ở đầu kia của cuộc trò chuyện, ở đầu kia của đường dây nóng, hãy có lòng can đảm để lắng nghe, để tin tưởng, và để trao cho đứa trẻ sự giúp đỡ mà chúng cần.

Gửi tới những anh chị em của tôi, gửi tới ¼ bé gái, gửi tới 1/6 bé trai đã là nạn nhân, điều này không hề định nghĩa bạn là ai. Bạn có thể phục hồi, bạn có thể tìm thấy lòng can đảm, và một vài người trong số các bạn có thể được đề nghị chia sẻ câu chuyện của mình để những người khác có thể phục hồi, có thể hiểu biết và lắng nghe.

Với mỗi người trong số chúng ta, chúng ta cần lòng can đảm để mở mắt, để thấy rằng “Đúng, điều này là có thật. Đúng, điều này xảy ra xung quanh chúng ta”. Chúng ta cần có lòng can đảm để mở tai lắng nghe, để cảm ơn đứa trẻ đó đã tin tưởng giao câu chuyện của mình cho chúng ta, để hiểu về những cách mà chúng ta có thể tham gia, và chúng ta có thể giúp đảo ngược dịch bệnh này.

Với tất cả mọi người trong số chúng ta, hãy có lòng can đảm để mở miệng, để lên tiếng và báo cáo, nếu chúng ta biết sự lạm dụng đang diễn ra, và để lên tiếng, chia sẻ ý tưởng có giá trị lan truyền này, bởi vì tôi tin rằng đó là một ý tưởng đáng để lan truyền.

Tất cả chúng ta đều có thể là anh hùng, và chúng ta thậm chí không cần đến một chiếc áo choàng. Chúng ta chỉ cần có lòng can đảm.

Cảm ơn tất cả các bạn

  • Nguyễn Thảo