{keywords}
 

“Có thể sức khỏe con chưa đủ vững chắc

Nhưng trái tim con có đủ khát khao

Có thể xương con bằng thủy tinh

Nhưng con cố gắng rèn luyện ý chí bằng sắt thép”.

Những vần thơ Vân viết trên trang giấy, dù chưa một lần được gửi tới mẹ, nhưng chị Nguyễn Thị Minh Hà cũng thấu hiểu con gái đã phải cố gắng đến nhường nào trong suốt hành trình 23 năm qua. 

Cả tuổi thơ gắn với bệnh viện cùng vô số lần gãy xương không đếm xuể, Minh Vân vẫn mạnh mẽ bước đi trên “những mảnh thủy tinh”, chỉ để hôm nay em được thực hiện ước mơ trở thành tân cử nhân Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Cả tuổi thơ gắn với bệnh viện cùng vô số lần gãy xương không đếm xuể, Minh Vân vẫn mạnh mẽ bước đi trên “những mảnh thủy tinh”

Bước đi mạnh mẽ trên “những mảnh thủy tinh”

Tuổi thơ của Nguyễn Minh Vân (Nam Định) không giống như bao đứa trẻ khác. 20 ngày tuổi, sau một lần bị gãy tay, vợ chồng chị Hà đau đớn phát hiện ra con gái mắc phải căn bệnh xương thủy tinh. Cũng từ ấy, cuộc sống của Vân chỉ gắn liền với bệnh viện và những lần băng bó.

Ở tuổi lên 4, lên 5, Vân chợt thấy mình không giống những bạn bè cùng trang lứa. Lần đầu tiên em biết đến sự mặc cảm trước mọi người là khi chẳng thể chạy nhảy, nô đùa. Những bước chân đi cũng chỉ rất chậm, có phần hơi luống cuống khi bước xuống cầu thang. Hay mỗi lần gãy xương bó bột, em phải nằm bất động cả tháng trời trên giường bệnh.

Vân phải lớn lên cùng đôi chân của bố và những gánh hàng tỏi của mẹ. Số lần gãy xương không đếm xuể cũng là bấy nhiêu lần bố mẹ em lo lắng liệu con gái có thể bước tiếp và vượt qua.

Nhưng giống như cây xương rồng chẳng thể gục ngã trước giông bão, Vân cứ thế mạnh mẽ vươn lên để nỗ lực cho cuộc sống của chính mình và nuôi lớn ước mơ vào đại học.

“Bắt đầu chậm hơn các bạn, em tự dặn mình phải cố gắng gấp 2, gấp 3 lần để bù vào khoảng trống ấy”, Vân nói.

Những năm cấp 1 là quãng thời gian Minh Vân ở viện nhiều hơn ở nhà. Sau mỗi lần gãy xương, em phải nằm im trên giường trong suốt 2 – 3 tháng. Nhưng cô bé 7 tuổi nhất quyết đòi bố dạy chữ, học tính toán dù cơ thể cử động rất khó khăn.

Vào ngày thi, cô giáo chủ nhiệm lại mang đề đến tận nơi để Vân hoàn thành ngay trên giường bệnh. Những cố gắng từng ngày ấy, với Vân, nếu không có sự đồng hành của thầy cô và cha mẹ, chắc chắn em sẽ không đủ nghị lực để bước tiếp.

{keywords}
 

Không muốn là gánh nặng của gia đình, Vân còn tự học cách chăm sóc bản thân, nấu cơm, rửa bát. Em cũng luyện đi trên hai chiếc nạng thay vì phải phụ thuộc hoàn toàn vào bố.

Nhớ lại quãng thời gian 12 năm được bố đưa đến trường dù mưa hay nắng khiến Vân nghẹn ngào viết nên những câu thơ:

“Bố đã in sâu vào trí nhớ thầy cô

Con một bước bố theo sau một bước

Ngày con trở về thăm lại trường cũ

Các cô nhắc lại con chạnh lòng xiết bao”.

{keywords}

Hiện tại Vân đã có thể tự đi trên hai chiếc nạng

Trải qua đau đớn suốt quãng tuổi thơ cùng không ít lần rơi nước mắt vì mặc cảm, Minh Vân đã dần tự bước đi được trên chính đôi chân của mình, chỉ để đến ngày em được ghi danh vào một trường đại học.

Trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015, bằng sự nỗ lực không ngừng, Vân đã được xét đặc cách vào Học viện Công nghệ - Bưu chính viễn thông, chuyên ngành Công nghệ thông tin với 22 điểm.

Lựa chọn ngành Công nghệ thông tin, Vân bảo: “Chân em giờ không thể đi lại nhiều. Đây là ngành học phù hợp với sức khỏe của em nhất”.

Bố cũng có sự nghiệp riêng là sự nghiệp làm bố

365 ngày nhân 12 năm là chừng ấy thời gian anh Nguyễn Trung Sơn trở thành đôi chân thứ hai của con. Người đàn ông tuổi ngoài 40 đáng lẽ đã có một sự nghiệp riêng và trở thành trụ cột kinh tế của cả gia đình. Nhưng anh chấp nhận ở nhà phụ vợ bán những gánh hàng tỏi để có thời gian chăm sóc con trên mọi nẻo đường.

Suốt 12 năm phổ thông, các thầy cô giáo đã quen với hình ảnh một người cha trên chiếc xe máy cũ đều đặn dắt tay cô con gái nhỏ vào đến tận chỗ ngồi.

“Kể từ khi biết em bị bệnh, bố mẹ không sinh thêm con nữa mà dồn mọi thứ để nuôi nấng em. Bố cũng đã hi sinh cả sự nghiệp riêng chỉ để ở nhà chăm sóc, đưa đón em đi học. Bố thường nói với em rằng, bố cũng có một sự nghiệp riêng. Đó là sự nghiệp làm bố”.

{keywords}

Ngày biết tin con gái đỗ vào đại học, anh Sơn quyết định rời quê cùng con lên Hà Nội để thuê nhà. Anh tính khi nào ổn định sẽ đi chạy xe ôm cho đến khi con học hết 4,5 năm đại học.

Nhưng ở đất Thủ đô mọi thứ đều đắt đỏ lại không dễ tìm việc làm, Vân xin bố cho chuyển vào ký túc xá để bắt đầu cuộc sống tự lập. Dù thương và lo lắng cho con nhưng không còn cách nào khác, anh Sơn đành phải chấp nhận.

Cuộc sống của cô tân sinh viên vốn quen với sự có mặt của bố ở bên, những ngày đầu phải tự làm mọi thứ khiến Vân không khỏi xáo động vì nhớ nhà. Cô bé 18 tuổi khi ấy bắt đầu học cách kìm chế cảm xúc và gửi gắm mọi nỗi niềm vào những vần thơ.

Những ngày đầu đại học, nhớ nhà, Vân viết:

“Nhưng mẹ ơi tất cả vì tương lai

Nước mắt rơi mới có ngày vinh hiển

Tin con đi rồi ngày mai sẽ khác

Bốn năm dài tựa như giấc ngủ trưa”.

Vân bảo, khi làm thơ em thấy mình có thể trải lòng những thứ em chẳng thể nói trước bố mẹ.

“Em thấy mình may mắn hơn rất nhiều người. Đôi chân em dẫu chỉ bước những bước thật chậm, thật khẽ nhưng em vẫn được cảm nhận cái mát lạnh của đất, của nước ở dưới chân mình. Và hơn hết, em vẫn được nằm trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Đó là may mắn, là hạnh phúc vô cùng”.

Sự trưởng thành của bản thân với Vân cũng chính là món quà lớn nhất em có thể tặng cho bố mẹ. Cô bé năm nào giờ đã chuẩn bị tốt nghiệp đại học và có một công việc như em từng ước ao. Cho nên đến bây giờ, khi viết cho bố, em viết:

“Những ngày tháng ấy qua hết rồi bố ơi

Đưa con đi mọi nơi, bố không hề than mệt

Mệt chi con, bố không sợ gì hết

Đưa con đến trường bố gửi gắm tin yêu”.

Thúy Nga

Cậu bé sống một mình trên núi và lời từ chối bất ngờ với thầy chủ nhiệm

Cậu bé sống một mình trên núi và lời từ chối bất ngờ với thầy chủ nhiệm

 Có lần, vì thương học trò, thầy chủ nhiệm mang cho chút đồ ăn và 2 bộ quần áo mới, nhưng Nguyên nhất định không chịu nhận. Cậu không thích cảm giác phải đi xin xỏ.