{keywords}
Tọa đàm “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục và đào tạo” do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 19/2.


Cần thay đổi tư duy về khởi nghiệp

Trao đổi về vai trò của giáo dục trong khởi nghiệp sáng tạo, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Đại học Quốc gia TPHCM) chia sẻ: “Trước đây, phần lớn bố mẹ thường khuyên con học giỏi để có tấm bằng đại học rồi xin việc đi làm nhưng vẫn chỉ là đi làm thuê. Phụ huynh chưa khuyến khích con em mình khởi nghiệp. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy của phụ huynh và xã hội. Chúng ta cần có tư duy khuyến khích con em mình khởi nghiệp, dấn thân trên con đường khởi nghiệp. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy thì cần bắt đầu từ giáo dục khởi nghiệp”.

Còn theo GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, khởi nghiệp sáng tạo phải là hoạt động chính, cốt lõi của đại học Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn trên các kết quả sẽ thấy rằng, hiện nay ở các trường đại học, hoạt động này vẫn còn hạn chế.

Tuyệt đối không để khởi nghiệp chạy theo phong trào

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, học sinh, sinh viên là những người có khát vọng, đam mê, nhiệt huyết đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp nhưng thiếu các điều kiện để hiện thực hóa. Vì vậy, Đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 mở ra cơ hội, tạo môi trường cho học sinh sinh viên, cũng như mỗi nhà trường được trở thành một phần của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ của Đề án là xây dựng được môi trường khởi nghiệp có sự tham gia của học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo, các cựu học sinh, sinh viên đã trưởng thành, đặc biệt là sự tham gia của doanh nghiệp.

“Khởi nghiệp của thế hệ trẻ chỉ thành công khi đặt trong một hệ sinh thái mà mỗi người tham gia cùng có lợi, cùng cảm thấy có động lực. Chỉ đến khi nào hệ sinh thái khởi nghiệp lan tỏa thành tự thân của mỗi người khi đó mới thành quốc gia khởi nghiệp” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhìn lại hơn một năm triển khai Đề án 1665, Bộ trưởng đánh giá, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên đã có những tín hiệu ban đầu. Bộ GD&ĐT với vai trò là “người thắp lửa” cho hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên đã có nhiều hoạt động tích cực, xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm đối tượng tham gia, thể hiện rõ nét vai trò kết nối, bảo lãnh cho hoạt động khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

{keywords}
Nơi làm việc của một doanh nghiệp khởi nghiệp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ trưởng lưu ý tới vai trò của các nhà trường như những tế bào được kết nối trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Khởi nghiệp cần lan tỏa nhưng không có nghĩa là làm đồng khởi, tràn lan tuyệt đối không để khởi nghiệp chạy theo phong trào.

Bộ trưởng cũng nhắc tới sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ. Đặc biệt vai trò của doanh nghiệp trong việc kích hoạt sự sáng tạo của người học; khi doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo, người học sẽ đến gần hơn với thị trường lao động, được học cách khởi nghiệp và được hun đúc tinh thần khởi nghiệp.

“Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp, đồng thời huy động nhiều hơn nữa trí tuệ, công sức của các lực lượng xã hội đóng góp cho hoạt động này” - Bộ trưởng khẳng định.

Đăng Dương

Cô gái đình đám với ‘start-up’ 2 triệu USD

Cô gái đình đám với ‘start-up’ 2 triệu USD

Sinh năm 1993, Phạm Khánh Linh đang sở hữu một “start-up” đình đám trong cộng đồng khởi nghiệp với số vốn gọi được cho đến nay đã lên tới hơn 2 triệu USD.