- Vòng chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” chính thức diễn ra ngày 16/12 với 15 dự án khởi nghiệp của sinh viên và học sinh THPT.

Chia sẻ với học sinh, sinh viên tại Ngày hội khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đất nước ta chưa bao giờ phấn khởi phát triển và có tương lai rực rỡ như hôm nay.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chỉ là nước thu nhập trung bình thấp. Việt Nam muốn giàu lên không thể chờ đợi đất nước khác mà nhất định phải tự giàu lên. Người chịu trách nhiệm để đất nước giàu lên chính là những người trẻ có khát vọng. Đó là những người khi đã có khát vọng cháy bỏng, dù có thất bại vẫn có thể vực dậy vươn lên.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Lãnh đạo trường học phải tiên phong gạt bỏ lối giáo dục thụ động"

Do vậy, với những sinh viên có mong muốn khởi nghiệp, Phó Thủ tướng khuyên người trẻ cần trang bị đầy đủ kiến thức về khởi nghiệp.

“Cùng với đó, lãnh đạo nhà trường phải là những người tiên phong gạt bỏ những cách giáo dục thụ động. Các trường đại học, các thầy cô giáo phải cùng với sinh viên khởi nghiệp và thi đua cùng với nhau để sáng tạo”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Cũng tại Ngày hội khởi nghiệp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, sau 1 năm triển khai Đề án 1665, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực với các dự án khởi nghiệp phong phú, sáng tạo.

{keywords}
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Trường đại học cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với thương mại hoá

Đặc biệt trong ngày hội lần này đã có sự góp mặt của các dự án khởi nghiệp đến từ các học sinh phổ thông có độ tuổi rất trẻ nhưng lại khát khao khởi nghiệp và mong muốn được hiện thực hóa các ý tưởng của mình.

Bộ trưởng mong muốn các trường đại học cần tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, gắn với các hoạt động thương mại hóa và khởi nghiệp để sớm tạo ra những trường đại học theo định hướng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đóng góp nhiều hơn vào hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp, vòng chung khảo cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” cũng đã diễn ra.

{keywords}
g

Cuộc thi năm nay đã thu hút được sự tham gia của học sinh, sinh viên gần 200 trường đại học, cao đẳng và trung học phổ thông trên cả nước với gần 200 đề án dự thi.

Kết quả chung cuộc, giải Nhất khối sinh viên trị giá 100 triệu đồng đã thuộc về dự án Inut Platform - hệ sinh thái kết nối vạn vật của nhóm sinh viên đến từ ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự án VADI - Trợ lý ảo dành cho lái xe của nhóm sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội và dự án Finbox - Cố vấn đầu tư 4.0 của sinh viên trường ĐH Ngoại thương đều đạt giải Nhì, mỗi giải trị giá 70 triệu đồng.

Ba giải Ba thuộc về các dự án Chitoson - Sản xuất quần lót từ tre có xử lý kháng khuẩn chitosan - trường ĐH Kinh tế Quốc dân; Mô hình chăm nuôi cá Tra sử dụng bằng thảo dược tại Vĩnh Long - trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long và Cao nguyên đá nở hoa - trường ĐH Dược Hà Nội. Mỗi đội đạt giải đều nhận được 50 triệu đồng.

{keywords}
Dự án sản xuất quần lót từ tre của sinh viên giành giải khởi nghiệp

Đối với khối THPT, giải Nhất thuộc về dự án Nano Rutin của nhóm học sinh trường THPT Phan Đình Phùng - Hà Nội.

Giải Nhì thuộc về dự án Sản xuất cao điều trị bỏng của nhóm học sinh trường THPT Phúc Trách - Hà Tĩnh và dự án Sản xuất, phân phối sản phẩm từ lá thông phục vụ đời sống của nhóm học sinh trường THPT Chu Văn An - Lâm Đồng.

Hai dự án của học sinh THPT đạt giải Ba là Robot hỗ trợ vận chuyển và chăm sóc khách hàng - trường THPT Thống Nhất A - Đồng Nai và dự án Đồ lưu niệm từ đá núi lửa, rơm rạ, thổ cẩm - trường THPT Krông Nô - Đăk Nông.

 

 

Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức với sự tài trợ của Ngân hàng Liên Việt, Tập đoàn Egroup, Tập đoàn Trung nguyên Legend và Ngân hàng Bắc Á. Ngày hội hướng đến mục tiêu truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên dám ước mơ và đưa ra những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo; trang bị cho cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng về khởi nghiệp từ ý tưởng đến lập dự án và triển khai.

 

 Thúy Nga