Không lâu sau khi cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2021 kết thúc, đã có ý kiến phản ánh về việc một trong số những dự án đạt giải Nhất của cuộc thi năm nay có sự trùng lặp với một dự án từng tham gia cuộc thi này năm 2019.

Cụ thể, năm 2021, dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của nhóm học sinh Nguyễn Trần Đạt và Đinh Hoàng Nam, Trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình đạt giải Nhất.

{keywords}
Dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của nhóm học sinh Trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình đạt giải Nhất tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2021. Ảnh: Thanh Hùng

Trước đó, năm 2019, một đề tài tương tự có tên là “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” của em Cao Nguyễn Hùng và Nguyễn Đình Nhật Tân (học sinh lớp 12A và 12G Trường THPT Hoa Lư A, Ninh Bình) đã giành giải Nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh Ninh Bình năm 2019, được chọn dự và giành giải Nhì trong cuộc thi KHKT cho học sinh trung học cấp quốc gia năm 2019.

Việc 2 dự án ở 2 năm nhưng có tên tương tự và cùng đến từ Trường THPT Hoa Lư A, Ninh Bình dẫn đến một số ý kiến cho rằng có sự bất thường. 

Trao đổi với VietNamNet, ông Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình cho hay đúng là 2 dự án tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia các năm 2019 và 2021 của học sinh tỉnh Ninh Bình đều có tên liên quan đến “giường bệnh thông minh”.

Ông Khâm cũng cho biết 2 dự án này đều do thầy Nguyễn Mạnh Tú, giáo viên của Trường THPT Hoa Lư A, hướng dẫn.

“Là một giáo viên hướng dẫn nên không bao giờ có chuyện làm lại cái cũ”, ông Khâm khẳng định.

Theo ông Khâm, 2 dự án có bản chất khác nhau.

Cụ thể, dự án “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” năm 2019 của Cao Nguyễn Hùng và Nguyễn Đình Nhật Tân là hệ thống dành cho người chăm sóc bệnh nhân có thể điều khiển vận hành thuận lợi từ xa thông qua mạng internet.

Còn dự án năm nay “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của nhóm học sinh Nguyễn Trần Đạt và Đinh Hoàng Nam là hệ thống tích hợp được các chức năng để giúp bệnh nhân tự hồi phục như tập tay, tập chân, tập trí nhớ và giải trí do chính bệnh nhân tự điều khiển thông qua giọng nói. Hệ thống này để tập phục hồi tay và chân, cử chỉ của khuôn mặt như há miệng để bật chức năng giải trí như nghe nhạc, nghe truyện. Tức là tự bệnh nhân có thể điều khiển theo mong muốn của mình, giải phóng sự vất vả và áp lực cho người chăm sóc.

Với câu hỏi của VietNamNet về việc dư luận băn khoăn có chăng việc “xào xáo” để tham gia dự thi cuộc thi cấp quốc gia, ông Khâm cho rằng hai dự án hoàn toàn khác nhau.

“Điểm ưu việt của giường thông minh so với giường I.o.T chính là tự người bệnh (liệt cả chân lẫn tay) có thể phục vụ cho chính mình bằng giọng nói mà không cần sự trợ giúp của người thân trong việc tập phục hồi cả chân lẫn tay, cũng như tự mình bật các chức năng giải trí bằng cử chỉ há miệng. Ngoài ra, dự án mới này có thể gửi được cả nhịp tim và nồng độ oxy trong máu tới phần mềm viết trên di động cho người thân và có cảnh báo”, ông Khâm nói.

Trước câu hỏi tại sao Sở GD-ĐT và nhà trường không chọn một tên khác để tránh những nghi vấn của dư luận, ông Khâm nói “Khi lên tới vòng chọn cấp tỉnh, tên dự án do thầy giáo và học trò là người đặt và cơ bản mọi người không để ý nhiều đến cái tên. Thầy giáo hướng dẫn và học trò lựa chọn tên, nên khi đi thi cấp tỉnh và cấp quốc gia, chúng tôi vẫn để nguyên tên ban đầu. Có lẽ, dư luận cho rằng hai dự án tương tự là do cái tên dự án gần giống nhau”.

Thanh Hùng

Có bất thường từ giải Nhất học sinh thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia?

Có bất thường từ giải Nhất học sinh thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia?

Một trong những giải nhất của cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2020-2021 được cho là có trùng lặp với dự án từng giành giải nhì năm 2019. Đáng chú ý, 2 dự án đều đến từ 1 trường học thuộc Sở GD-ĐT Ninh Bình.