Tính đến 6h sáng ngày 6/2, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc xác nhận số ca nhiễm virus corona mới đã vượt quá con số 28.000, số người tử vong tăng thêm 73 người, lên con số 565 tính trên toàn thế giới. Nhưng nghiên cứu ban đầu cho thấy có một nhóm đối tượng hiện đang ít nằm trong số này, đó là trẻ em.

{keywords}
Giáo viên luộc khăn, cốc uống nước ngày học sinh nghỉ học phòng dịch corona. Ảnh: Thanh Hùng

Một bài báo đăng trên Tạp chí Y học New England hôm 30/1 đã phân tích đặc điểm của 425 người đầu tiên ở Vũ Hán nhiễm virus corona và phát hiện ra rằng không có bệnh nhân nào trong số đó dưới 15 tuổi.

Tuổi trung bình của các bệnh nhân này là 59 tính đến giữa tháng 1 năm nay. Người nhỏ tuổi nhất chết vì dịch bệnh tính tới thời điểm nghiên cứu là 36.

Theo các cơ quan y tế thành phố Vũ Hán, một trẻ 9 tháng tuổi ở Bắc Kinh là bệnh nhân nhỏ tuổi đầu tiên nhiễm virus.

Tiến sĩ Mark Denison – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại ĐH Y khoa Vanderbilt cho biết, nghiên cứu cũng cung cấp một góc nhìn khác khi so sánh dịch coronavirus với dịch SARS. Dịch SARS ở Trung Quốc vào năm 2003 cũng cho thấy số lượng trẻ em mắc bệnh ít hơn người lớn. Tiến sĩ Denison nói rằng, trẻ nhỏ dưới 13 tuổi có các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn các bệnh nhân lớn tuổi.

Lý do có thể là do một số vấn đề về sinh học – các tế bào của trẻ em có thể ít nhạy cảm với loại virus này hơn, từ đó khiến cho virus corona mới khó tái tạo và lây sang người khác, tiến sĩ Denison nhận định.

Các tác giả nghiên cứu viết rằng, trẻ em có thể cũng bị nhiễm virus nhưng các triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn, và cần ít sự can thiệp về y tế hơn, và vì thế mà chúng không được liệt kê vào danh sách nhiễm bệnh.

Cũng theo tiến sĩ Denison, về mặt tiến hóa, trẻ nhỏ có thể đã tiếp xúc với các loại virus này và có khả năng miễn dịch trên diện rộng. Ví dụ như bệnh cúm mùa, nhiều trẻ em Mỹ mắc virus cúm mỗi năm, nhưng số trẻ em chết vì bệnh này ít hơn người lớn. Trong mùa cúm năm 2018-2019, ước tính khoảng 7,6 triệu trẻ từ 5 tới 17 tuổi mắc cúm, nhưng chỉ có 211 trẻ tử vong – tương đương tỷ lệ 0,002%. Trái lại, có khoảng 11,9 triệu người lớn từ 18 tới 49 tuổi mắc cúm nhưng có tới 2.405 tử vong – tương đương tỷ lệ 0,02%.

Tiến sĩ Sharon Nachman tới từ Bệnh viện Nhi Stony Brook (New York, Mỹ) bổ sung thêm một lý do tiềm năng, đó là môi trường xung quanh trẻ. Bà cho rằng môi trường mà trẻ thường xuyên tiếp xúc, trong đó có trường học, có nhiều tiềm năng chứa chủng virus này. Vì thế mà trẻ cũng có khả năng miễn dịch cao hơn.

Tiến sĩ Nachman cũng nhận định rằng, trẻ nhỏ có thể là đối tượng được tiêm chủng tốt hơn, vì thế tránh cho trúng nhiễm trùng thứ phát thường đi kèm với bệnh và các biến chứng.

Tuy nhiên, tiến sĩ Denison lưu ý rằng trên đây chỉ là những lập luận mang tính lý thuyết vào thời điểm này. ‘Điều đó không có nghĩa là trẻ nhỏ không thể lây nhiễm và truyền bệnh’.

Tiến sĩ Nachman đề xuất thêm các hành vi để phòng tránh dịch bệnh như rửa tay đúng cách, duy trì vệ sinh và ăn uống lành mạnh, sạch sẽ. ‘Không quan trọng đó là loại virus gì, đó là những thói quen tốt để phòng tránh bất kỳ dịch bệnh nào’.

Kiến nghị cho 1,7 triệu học sinh TP.HCM nghỉ thêm 1 tuần

Kiến nghị cho 1,7 triệu học sinh TP.HCM nghỉ thêm 1 tuần

- Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị cho 1,7 triệu học sinh  sẽ nghỉ học tới ngày 16/2 để phòng dịch virus corona

Nguyễn Thảo (Theo Time)