- Sau gần 3 năm thực hiện Đề án 25, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh giảm được 48 trường và điểm trường. Tuy nhiên, những vướng mắc nảy sinh trong công tác bán trú sau khi sáp nhập vẫn đang được đặt ra không chỉ với Quảng Ninh mà với ngành giáo dục nói chung.    

{keywords}
Học sinh Trường Tiểu học Đông Ngũ 2 (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) những ngày đầu năm học mới. Ảnh: Nguyễn Thảo

Làm tốt bán trú, phụ huynh sẽ đồng thuận

Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Hà Lâu là một trong những ngôi trường nằm ở khu vực khó khăn nhất của huyện miền núi Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Trước khi thực hiện Đề án 25 về sắp xếp lại các điểm trường và trường học, Hà Lâu có 11 điểm trường tính cả điểm chính. Sau 3 năm thực hiện đề án, hiện trường chỉ còn 6 điểm trường.

5 điểm lẻ được xoá có 23 lớp nhưng chỉ có 56 học sinh. Năm ngoái, có điểm trường chỉ có 2 lớp, mỗi lớp 4 học sinh.

Học sinh ở những điểm lẻ bị xoá phải về điểm chính học. Có những cháu nhà cách trường 7-8km, phải qua sông suối nên không thể đi về trong ngày, phải ở bán trú tuần tại trường.

Cô Nguyễn Thị Kim Xuyên – hiệu trưởng nhà trường cho biết, để việc sáp nhập các điểm trường nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, cần phải có đủ cơ sở vật chất cho công tác bán trú. “3 năm nay trường Hà Lâu làm tốt việc sáp nhập điểm trường là nhờ dãy nhà bán trú 3 tầng được xây từ năm 2015”. 

Cô Xuyên chia sẻ: “Ban đầu bỏ điểm lẻ ở Bản Danh, Khe Tao, bà con nói ‘có điểm trường mà cô giáo không dạy, phá điểm trường ấy đi, không cho học sinh ra lớp nữa’. Mình cũng rất sợ. Nhưng khi các em ra đây học thì thấy thích. Phụ huynh thấy con em mình được chăm sóc tốt, cũng rất ủng hộ. Trước đây, học sinh của trường bỏ học nhiều nhất huyện. Nhưng từ năm ngoái đến nay, không có học sinh nào bỏ học”.

{keywords}
Học sinh ở bán trú tuần của Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Hà Lâu (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thảo

Dự kiến trong năm học này, điểm chính của Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Hà Lâu có 155 học sinh bán trú tuần. Mỗi em nhận chế độ 520 nghìn đồng/ tháng và 15 kg gạo.

Cũng nằm trên địa bàn huyện Tiên Yên – huyện vùng sâu xa và khó khăn nhất tỉnh Quảng Ninh, nhưng Trường Tiểu học Đông Ngũ 2 có địa hình thuận lợi hơn.

Từ khi thực hiện Đề án 25, Đông Ngũ 2 giảm từ 5 điểm trường xuống còn 3 điểm, trong đó 1 điểm chính và 2 điểm lẻ. Ở 2 điểm lẻ của trường chỉ tập trung học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3. Học sinh lớp 4, lớp 5 được tập trung về điểm chính.

Năm học này, điểm chính của trường có 58 em bán trú tuần.

“Năm nay, chúng tôi không phải vào tận nhà vận động như mọi năm vì các em đã ra lớp đủ. Có lẽ là nhờ năm ngoái, trường làm tốt công tác bán trú nên phụ huynh yên tâm. Thậm chí có nhiều trường hợp xin về trường” – cô hiệu trưởng Nguyễn Mai Khanh chia sẻ.

Theo 2 hiệu trưởng của Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Hà Lâu và Trường Tiểu học Đông Ngũ 2 thì ở huyện miền núi như Tiên Yên, việc sáp nhập các điểm lẻ phải đi liền với nâng cao cơ sở vật chất cho công tác bán trú ở điểm trường chính. “Nếu đủ cơ sở vật chất học bán trú tuần ở điểm chính thì học sinh, phụ huynh sẵn sàng ủng hộ” – cô Xuyên khẳng định.

Mỗi năm tiết kiệm 20-24 tỷ đồng    

Là huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh, Tiên Yên là một trong những địa phương tích cực thực hiện công tác sắp xếp lại các điểm trường và trường học.

Ông Nguyễn Văn Ty – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ năm 2014 đến năm 2017, toàn địa bàn huyện đã giảm được 48 điểm trường, trong đó có 24 trường mầm non, 23 trường tiểu học và 1 trường THCS; sáp nhập 2 trường tiểu học.

Từ việc sắp xếp lại này, đã hình thành các cụm điểm trường vệ tinh, điểm trường trung tâm có số học sinh tăng lên: từ 9,97 học sinh/lớp năm học 2013 - 2014 lên 18 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học năm học 2017 - 2018.

Vị trưởng phòng này cho biết, việc sắp xếp lại điểm trường giải quyết được một số yếu tố: đội ngũ giáo viên giảm đi, sĩ số lớp học tăng lên thì hoạt động của học sinh tích cực hơn, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, không bị dàn trải. Ngoài ra, do giảm điểm trường, học sinh phải đi xa thì sẽ được hưởng chế độ ăn bán trú, tăng số lớp học 2 buổi/ ngày – một trong những điều kiện để thực hiện chương trình phổ thông mới vào năm học 2018-2019. 

“Việc dồn ghép điểm trường giúp nguồn chi ngân sách ngành giáo dục huyện tiết kiệm từ 20-24 tỷ/ năm. Số tiền đó được dành để đầu tư cơ sở vật chất cho những điểm trường chính, như tăng phòng học, phòng bán trú…” – ông Ty cho biết.

Đề án 25 – những vướng mắc

Theo ông Ty, trong quá trình thực hiện Đề án 25, còn tồn tại một số những bất cập, hạn chế. Ví dụ như việc đưa học sinh về điểm trường chính và điểm trường vệ tinh dẫn đến nhu cầu phòng học, phòng nghỉ, bếp ăn và các điều kiện cơ sở vật chất khác tăng lên. Tuy nhiên, khả năng kinh phí đầu tư có hạn – chủ yếu từ nguồn tiết kiệm chi của giáo dục và một phần nhỏ xã hội hoá, nên chưa đáp ứng kịp thời về cơ sở vật chất.                                                              

Hiện tại, khu bán trú của trường Hà Lâu có 18 phòng, mỗi phòng được bố trí 8 em, mỗi em một giường. Năm nay số học sinh lớp 1 tăng, dự kiến sẽ có 155 học sinh bán trú tuần, nghĩa là sẽ có phòng phải ghép 9-10 em mới đủ.

Còn ở Đông Ngũ 2, chỉ có 58 học sinh bán trú tuần, nhưng phòng bán trú chưa được đầu tư như Hà Lâu nên mỗi chiếc giường vẫn phải nằm 2 em.

Cô Khanh cho biết, một số em hiện vẫn đang sử dụng khu phòng ở trước kia dành cho giáo viên. Bây giờ, các thầy cô đã có gia đình nên không ở đây nữa.

{keywords}
Những suất cơm bán trú của học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Hà Lâu

Từ năm học 2017-2018 trở về trước, mỗi học sinh bán trú tuần được hưởng chế độ 520 nghìn đồng/ tháng, đã bao gồm cả tiền mắm muối, dầu gội, xà phòng… Tính ra, mỗi bữa ăn của các em gói gọn trong trên dưới 10 nghìn đồng.

Để bữa ăn của các em có thêm miếng thịt, miếng cá, lãnh đạo trường Đông Ngũ 2 đã phải vận động phụ huynh đóng góp gạo đủ ăn mỗi tháng.

Còn với Hà Lâu, là trường bán trú nên các em được nhận chế độ 15kg gạo/ tháng. Để cải thiện bữa ăn cho học sinh, trường tận dụng đất trống cạnh khu nhà ở giáo viên để nuôi gà, trồng rau. Đàn gà do thầy quản sinh của trường chăm sóc, vừa để thịt ăn tuần 2 bữa, vừa để bán chi tiêu cho những công việc khác. “Vào năm học, các thầy cô và các em sẽ tự trồng rau. Rau ăn không hết vì các em trên này thích ăn thịt hơn ăn rau” – cô Xuyên thành thật chia sẻ.

{keywords}
Đàn gà 'tăng gia sản xuất' của thầy trò Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Hà Lâu. Ảnh: Nguyễn Thảo

Một băn khoăn nữa trong công tác bán trú mà cô Khanh – hiệu trưởng trường Đông Ngũ 2 - trăn trở mãi, đó là dù có học sinh bán trú tuần nhưng các thầy cô được phân công chăm sóc các em không hề có bất cứ chế độ gì, vì theo quy định trường không được công nhận là trường bán trú.

“Các thầy cô cực kỳ vất vả và nhiệt huyết nhưng rất buồn là không có chế độ nào. Nhà trường phải tự cân đối chi tiêu để động viên các thầy cô một chút ít, thường là năm bảy trăm nghìn vào mỗi dịp Tết” – cô Khanh chia sẻ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ty – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tiên Yên – thừa nhận, hiện nay nhiều trường trên địa bàn huyện đang tồn tại vấn đề này – vì không phải là trường bán trú nên không có chế độ cho giáo viên.

“Chúng tôi có đề xuất nhưng hiện chưa giải quyết được. Bởi vì nếu theo quy định của trung ương, trường bán trú phải ở khu vực đặc biệt khó khăn. Còn ở đây những cháu này đang được hỗ trợ theo chính sách của UBND tỉnh chứ không phải chính sách 116 hay quyết định 85. Tỉnh thì không thể ban hành chính sách chế độ cho giáo viên được. Đó đúng là một thực tế vướng mắc không chỉ với Đông Ngũ 2 mà với hầu hết tất cả trường trên địa bàn huyện”. 

Sau gần 3 năm thực hiện Đề án 25, Quảng Ninh giảm được 9 trường, 188 điểm trường, thực hiện kiêm nhiệm với 574 vị trí nhân viên phục vụ sau khi đã được đào tạo lại và đào tạo bổ sung, giảm nhân viên y tế ở 152 cơ sở giáo dục THCS, THPT.

Trong giai đoạn 2018-2020, toàn tỉnh dự kiến có 9/14 địa phương cấp huyện tiếp tục giảm 20 trường. Từ giai đoạn 2018-2021, có 10/14 địa phương cấp huyện dự kiến giảm 82 điểm trường, 64 lớp; 4 địa phương dự kiến giảm 44 điểm trường và 4 lớp.

                                      

Nguyễn Thảo

Nơi phụ huynh góp gạo trắng, rau sạch cho bữa ăn bán trú

Nơi phụ huynh góp gạo trắng, rau sạch cho bữa ăn bán trú

Ở huyện miền núi khó khăn Kỳ Sơn (Nghệ An), nhiều phụ huynh đã góp gạo, thực phẩm, củi nấu cho trường mầm non để đủ bữa ăn trưa cho con em mình.

Thí sinh dân tộc ăn rau rừng chạm tới ước mơ trở thành bác sĩ

Thí sinh dân tộc ăn rau rừng chạm tới ước mơ trở thành bác sĩ

Một học sinh người dân tộc Thái, thuộc hộ cận nghèo miền núi (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) đạt 29,65 điểm khối B trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua khiến nhiều người nể phục.

Nam sinh dân tộc vượt khó muốn trả ơn cuộc đời

Nam sinh dân tộc vượt khó muốn trả ơn cuộc đời

Đặt chân lên đất Thủ đô chưa tròn một tháng, cậu sinh viên Học viện An ninh nhân dân nhận ra "cuộc sống ở đây quá khác biệt" khi lần đầu tiên bước chân ra ngoài phạm vi ngôi trường của mình từ lúc nhập học.

Xót cảnh học sinh vùng cao ăn cơm trộn mì tôm ngon lành

Xót cảnh học sinh vùng cao ăn cơm trộn mì tôm ngon lành

Gần Tết Nguyên đán, cảnh tượng các em nhỏ vùng cao ăn bữa đạm bạc chỉ có cơm trắng và mì tôm một cách ngon lành khiến nhiều người không khỏi xúc động.

Hình ảnh đến trường đầy xúc động của giáo viên vùng cao

Hình ảnh đến trường đầy xúc động của giáo viên vùng cao

Những ngày tháng 8, nhiều nơi trên cả nước bắt đầu tựu trường. Đây cũng là lúc các thầy cô giáo vùng cao phải vượt qua những cung đường khó để đến điểm trường với học sinh.