Để minh họa cho mối quan hệ |Chương trình – Sách giáo khoa và thực tiễn giáo dục của giáo viên, tôi xin được dẫn ra một ví dụ cụ thể về thực tiễn giáo dục mà tôi có tham gia chứng kiến ở một vài công đoạn, do cô Kawasaki tiến hành ở Trường Tiểu học Hiyoshidai, thành phố Takatsuki, phủ Osaka. Thực tiễn giáo dục này được cô Kawasaki đặt tên là “Hai nông gia chuyên nghiệp: ông Fujita và ông Naito”.

{keywords}

Để thực hiện loạt giờ học về nông nghiệp với tên gọi nói trên, cô Kawasaki đã đi điều tra thực tế, thu thập thông tin và phỏng vấn một nông gia nổi tiếng trong vùng là ông Naito. Cô phát hiện ra điểm mấu chốt là 10 năm trước, ông là nông gia dùng nông dược nhưng rồi sau vụ ngộ độc thuốc trừ sâu, ông suy nghĩ và đi đến quyết định không sử dụng nông dược trong quá trình sản xuất nữa.

Cô Kawasaki đã sử dụng bước ngoặt này như một điểm nhấn quan trọng trong nội dung giáo dục mà cô thiết kế.

Phần nội dung giáo dục hoàn toàn do cô chủ động xây dựng này thay cho nội dung về phần sản xuất nông nghiệp với những thông tin mang tính tổng quát trong sách giáo khoa. Trong thực tiễn giáo dục của cô, sách giáo khoa trở thành tài liệu tham khảo, đọc trước ở nhà và cả ở trên lớp để phục vụ tranh luận. Nói một cách khác, cô đã thiết kế và thực hiện một nội dung giáo dục cụ thể căn cứ trên mục tiêu, nội dung chương trình khung được đề ra trước đó, lấy cái cụ thể để làm rõ cái khái quát, bao trùm.

Toàn bộ thực tiễn giáo dục này gồm hai phần chính:

Phần 1: Thực phẩm và nông dược

(Trước đó, cô Kawasaki đã hướng dẫn học sinh tiến hành hoạt động ngoại khóa: Điều tra thu thập thông tin mua bán thực phẩm, sản xuất nông nghiệp, sử dụng nông dược ở quanh nơi các em sinh sống). Phần này gồm 4 tiết học, mỗi tiết kéo dài 45 phút với các nội dung cụ thể như sau:

Tiết 1: Bắp cải đẹp và bắp cải bị sâu cắn: Nếu là người mua em sẽ chọn cái nào?

Tiết 2: Chúng ta thường mua thực phẩm ở đâu?

Tiết 3: Chúng ta cần chú ý điều gì đối với thực phẩm?

Tiết 4: Nông dược là gì?

Phần 2: Nông gia vùng Tainaka: ông Naito và ông Fujiata.

Phần này được tiến hành qua 7 tiết học với nội dung cụ thể như sau: Tiết 1: Tainaka là vùng thế nào?; Tiết 2-3-4: Ông Fujita và ông Naito 1: Nếu là người sản xuất em chọn ông nào? Tiết 5-6: Nghe ông Naito kể chuyện; Tiết 7: Suy nghĩ của các em sau câu chuyện kể (cho học sinh viết tiểu luận).

Những thông tin giáo viên thu thập được như: Tình hình sản xuất, khó khăn, niềm hạnh phúc, thu nhập bình quân hàng năm của nông gia… được giáo viên chỉnh lý cho dễ hiểu và in dưới dạng tài liệu phân phát cho học sinh. Hai nhân vật Naito (không dùng nông dược) và Fujita (dùng nông dược) là sáng tạo của giáo viên.

Ông Fujita là hình ảnh 10 năm về trước của ông Naito. Giáo viên dùng hai hình ảnh đối lập này để tiến hành giờ học dưới hình thức trao đổi ý kiến và tranh luận. Trung tâm của bài học là vấn đề “Nếu là người sản xuất em sẽ lựa chọn ông Naito hay ông Fujita?”. Học sinh căn cứ vào những luận điểm như: Thu nhập, khó khăn, thuận lợi… của hai người mà tranh luận, bác bỏ ý kiến đối lập và bảo vệ sự lựa chọn của mình.

Phân tích hồ sơ giờ học cho thấy học sinh đã tranh luận sôi nổi và đưa ra nhiều ý kiến thú vị. Kết cục có ba xu hướng:

Xu hướng thứ nhất: chọn ông Naito

Học sinh A: Tớ chọn ông Naito vì nếu là nông gia, tớ muốn mọi người được ăn thực phẩm tươi tự nhiên, ít có nông dược. Măc dù thu nhập của ông Fujita cao hơn nhưng nếu xét về tính tự nhiên thì ông Naito vẫn tốt hơn. Cho dù có bị sâu chén đi nữa thì cũng không phải là điều dở. Mà có khi thứ bị sâu chén lại là đồ ngon.

Học sinh B: Tớ chọn ông Naito vì nông dược có ảnh hưởng đến tính mạng người khác. Nếu như lỡ ăn phải sản phẩm của ông Fujita mà lại quên rửa thì chỉ có đường chết! Tớ cũng nghĩ như cậu A, mạng sống không bao giờ trở lại. Cho dù ai cũng thích tiền nhưng dẫu có tiền cũng không mua được sinh mạng nên tới chọn ông Naito.

Xu hướng thứ hai: chọn ông Fujita

Học sinh C: Chắc chắn là tớ chọn ông Fujita. Cho dù nói là nông dược nguy hiểm đến thế nào đi chăng nữa thì cho đến giờ ông Fujita cũng chưa một lần bị nhiễm độc. Ông Naito cho dù không dùng nông dược nhưng vẫn có nhược điểm. Thứ nhất là thu nhập thấp, thứ hai là cũng có lần không bán được, thứ ba là bị sâu ăn. Trái lại ông Fujita thì một là thu nhập cao, thứ hai ít khi không bán được, thứ ba là trở thành người trồng rau nổi tiếng. Và như thế đương nhiên ông Fujita tốt hơn.

Học sinh D: Tớ nghĩ làm ông Fujita tốt hơn. Cho dù có dùng nông dược đi nữa thì vẫn tốt hơn là bị sâu ăn. Ví dụ như khi trồng bắp cải mà không dùng nông dược thì những chỗ có thể ăn được sẽ bị sâu ăn mất. Cho dù có dùng nông dược đi nữa thì chỉ cần rửa kỹ là không sao. Thế cho nên chắc chắn tớ chọn ông Fujita. Bác Fujita ơi hãy cố gắng nhé!

Xu hướng thứ ba: Phân vân

Học sinh E: Tớ ngày hôm qua chọn ông Fujita, nhưng hôm nay đổi sang chọn ông Naito. Khi nghe ý kiến mọi người, tớ lại phân vân không biết chọn ai. Nhưng ông Fujita cho dù có dùng nông dược đi nữa thì vẫn có thu nhập cao. Ông Naito tuy không dùng nông dược nhưng lại có thu nhập thấp. Tớ muốn mọi người ăn thứ không có nông dược nhưng nếu thu nhập thấp thì biết làm sao đây? Nhưng việc ông Naito phải dùng máy cày phá nát luống bắp cải thật đáng thương!

Học sinh F: Cho đến ngày hôm qua, tớ chọn ông Fujita nhưng hôm nay học thêm lần nữa tớ lại cảm thấy phân vân. Ông Fujita thì có thu nhập cao nhưng lại sử dụng nông dược, nhìn vào tài liệu thấy có viết chuyện ngộ độc thật là đáng sợ. Ông Naito có thu nhập thấp vì thế cuộc sống khó khăn. Nhưng ông Naito đã bỏ cách dùng nông dược sang không dùng nông dược nên tớ nghĩ ông Naito là OK. Thế nên lúc này tớ chăng biết nói thế nào cả.

Giờ học kết thúc mà không có kết luận cuối cùng. Từ các lớp bậc trên của tiểu học (lớp 4 trở đi) trong những giờ học sử dụng phương pháp thảo luận, tranh luận, giáo viên thường không đưa ra kết luận cuối cùng hay phê phán ý kiến khác biệt, thiểu số của học sinh.

Bởi vì mục tiêu mà các giáo viên Nhật hướng tới là giáo dục nên những học sinh có tri thức, tư duy độc lập, năng lực phê phán và trách nhiệm cá nhân. Giáo dục nên những con người biết tự mình suy nghĩ, tự mình nhận định đúng sai, tự mình tìm lấy chân lý và bảo vệ chân lý là một bộ phận quan trọng nằm trong triết lý giáo dục Nhật Bản từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Không phải chỉ có giờ học về nông nghiệp mà các giờ học Địa lý, Lịch sử cũng vậy. Tôi đã quan sát không ít các giờ học Lịch sử, ở đó học sinh Nhật sôi nổi tranh luận những vấn đề mà nhiều người lớn cũng sẽ lúng túng khi phải đưa ra ý kiến như: “Tán thành hay phản đối cuộc chiến tranh với nước Nga?”, “Trách nhiệm chiến tranh thuộc về người dân Nhật hay thuộc về Thiên hoàng?”…

Vai trò giáo viên: Dạy trò độc lập tư duy và dám phản biện

{keywords}

Từ thực tiễn giờ học trên có thể rút ra điều gì?

Nó đã thể hiện rất rõ vai trò của giáo viên trong việc xử lý mối quan hệ giữa giáo dục và thực tiễn, giữa sách giáo khoa – nội dung chương trình và thực tiễn dạy học của giáo viên.

Những vấn đề liên quan đến các mối quan hệ này đã được các nhà nghiên cứu, các nhà giáo dục Nhật tranh luận sôi nổi suốt từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Việc làm rõ những vấn đề này có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến những vấn đề cơ bản của giáo dục, nơi tạo ra những người làm chủ, quyết định sự hưng vong của cả một quốc gia dân tộc.

Kết cục bi thảm của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai cùng với sự phản tỉnh sâu sắc về một nền giáo dục sai lầm trong quá khứ đã giúp cho giáo viên Nhật Bản nhận thức rõ về quyền, nghĩa vụ và sứ mệnh của mình.

Nước Nhật từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã giải bài toán giáo dục tương đối thành công bằng cuộc cải cách giáo dục triệt để, toàn diện có triết lý và lộ trình rõ ràng. Cuộc cải cách giáo dục ấy vẫn diễn tiến đến tận ngày nay cho dù triết lý giáo dục về cơ bản là không thay đổi. Trong cuộc cải cách giáo dục toàn diện và rộng lớn ấy, những giáo viên trực tiếp giảng dạy ở trường phổ thông đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Họ không đơn thuần là người thực hiện những chỉ dẫn cải cách mang tính hành chính mà họ còn đóng vai trò phản biện chính sách góp phần đảm bảo cho cuộc cải cách giáo dục diễn ra đúng hướng.

Quan trọng hơn, những giáo viên bằng thực tiễn giáo dục phong phú, sáng tạo tương ứng với điều kiện cụ thể của từng trường học, lớp học, học sinh đã tạo ra cuộc cải cách giáo dục từ dưới lên bằng muôn nghìn dòng chảy. Cuộc cải cách giáo dục ấy đã có những tác động lớn và tích cực tới dòng chảy cải cách giáo dục từ trên xuống do Bộ Giáo dục chủ trì.

Việt Nam hiện tại cũng đang đứng trước bài toán giáo dục. Bài toán vừa mang tính kinh điển vừa mang tính thời đại. Muỗn giải trọn vẹn bài toán này rất có thể phải giải thêm và cùng lúc một hai bài toán chính và hàng chục bài toán phụ.

Bài toán này tuy khó nhưng thực ra đã nhìn thấy đáp số vì trên thực tế nhiều nước tiên tiến như Nhật đã giải rồi. Vấn đề là ở Việt Nam chúng ta nên giải nó như thế nào? Khó không có nghĩa là không làm hay “há miệng chờ sung” bởi nếu không giải được bài toán đó, chúng ta sẽ mãi là những kẻ bộ hành quờ quạng trong đường hầm không tìm thấy lối ra.

Nguyễn Quốc Vương (Trích "Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản" - NXB Phụ nữ)