Cuối tháng 1 vừa qua, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM nhận được đơn xin nghỉ việc tập thể của 12 giảng viên khoa Hàn Quốc học. Theo đó các giảng viên xin nghỉ do không đồng ý với những kết luận của nhà trường về nội dung phản ánh đối với trưởng khoa Hàn Quốc học.

Do 12 giảng viên viết đơn xin nghỉ việc tập thể, lãnh đạo nhà trường yêu cầu từng cá nhân làm đơn riêng rẽ để giải quyết. Sau đó, 1 giảng viên đã xin rút, còn 11 giảng viên nộp đơn xin nghỉ.

Bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn xác nhận sự việc.

“Theo quy định của pháp luật, các giảng viên này được quyền đơn phương nghỉ việc. Do đó, nhà trường đã giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động theo hình thức tự ý, đơn phương nghỉ việc" bà Lan cho hay.

{keywords}
11 giảng viên của một khoa ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM ồng loạt xin nghỉ việc

Xin nghỉ vì bất đồng với Trưởng khoa?

Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM thông tin, gần đây nội bộ khoa Hàn Quốc học có nhiều bất đồng và sự việc đã được khoa báo cáo với trường từ tháng 9/2020.

Ban giám hiệu nhà trường đã gặp ban chủ nhiệm khoa để trao đổi về công tác quản lý đồng thời nhắc nhở trưởng khoa rút kinh nghiệm trong cách ứng xử với các giảng viên. Mặt khác, trường cũng gặp mặt tất cả giảng viên của khoa để tìm hiểu thêm thông tin, lắng nghe tâm tư nguyện vọng.

Cụ thể, nhiều giảng viên của khoa Hàn Quốc học phản ánh việc khoa đưa ra nhiều quy định như đi họp muộn 15 phút coi như vắng, vắng họp vài buổi bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ... Về vấn đề này trưởng khoa đã giải thích là giúp mọi người có trách nhiệm hơn, chỉ mang tính chất nhắc nhở và trên thực tế, chưa có giảng viên nào bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ chỉ với lý do đi họp không đầy đủ.

Vào tháng 10 năm ngoái, trong buổi tiếp công dân của trường, nhóm giảng viên khoa Hàn Quốc học cũng phản ánh nhiều vấn đề về việc quản lý của trưởng khoa. Trường đã yêu cầu các giảng viên này làm văn bản kiến nghị cụ thể, từng vấn đề để trường xác minh và xử lý. Sau đó, ngày 21/10, trường nhận được văn bản của Thanh tra Chính phủ, chuyển đơn phản ánh của các giảng viên trên đối với trưởng khoa Hàn Quốc học và Nhà trường đã tiến hành xác minh.

Khi có kết quả, trường đã gửi cho Thanh tra Chính phủ, ĐH Quốc gia TP.HCM và 12 giảng viên khoa Hàn Quốc học. Kết quả xác minh chỉ rõ 11 vấn đề mà các giảng viên này phản ánh không đúng sự thật. Trong đó, thông tin bổ nhiệm trưởng khoa Hàn Quốc học không đúng chuẩn là không có cơ sở, nhà trường không làm trái quy định của pháp luật.

Bà Lan cho hay, ban giám hiệu đã ghi nhận ý kiến của giảng viên, những điểm chưa hợp lý đã yêu cầu trưởng khoa rút kinh nghiệm, thống nhất cùng cho thời gian để khoa thay đổi. Tuy nhiên sau đó, trường nhận được đơn xin nghỉ việc tập thể của 12 giảng viên khoa Hàn Quốc học với lý do không đồng ý với kết luận xác minh của nhà trường.

Với 11 giảng viên đã nộp đơn riêng lẻ xin nghỉ, nhà trường có văn bản thông báo, nếu không có ý kiến gì khác, trường sẽ có quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc theo hình thức đơn phương kết thúc hợp đồng lao động.

Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và Xã hội Nhân văn TP.HCM thừa nhận việc 11 giảng viên của 1 khoa xin nghỉ là sự việc không như mong muốn nhưng nhà trường tôn trọng nguyện vọng của họ và đã giải quyết theo yêu cầu cá nhân, đúng quy định pháp luật.

"11 người ra đi toàn người giỏi"

Trong khi đó, chia sẻ với VietNamNet, một trưởng khoa công tác ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM thẳng thắn: "Trưởng khoa chưa biết cách lãnh đạo gây bức xúc cho giảng viên nên họ xin nghỉ đồng loạt. Trong việc này trưởng khoa có thể không sai nhưng cứng quá và giữa không sai với lãnh đạo tốt là hai việc khác nhau. Trưởng khoa phải làm sao để được mọi người ủng hộ”.

Một cá nhân từng tham gia đặt nền móng cho khoa Hàn Quốc học bộc bạch: “Đây là điều đau lòng và chẳng có ai muốn. Lúc trước Hàn Quốc học là một bộ môn của khoa Đông Phương nhưng đến năm 2015 đã phát triển thành một khoa và được cơ quan chính phủ của Hàn Quốc thừa nhận. 11 người ra đi toàn là những người giỏi, nếu như vậy thì khoa chỉ còn 7 người, rất xót xa".

Ngay sau khi 11 giảng viên xin nghỉ, để đảm bảo công tác giảng dạy, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã tuyển dụng đội ngũ mới để thay thế những người nghỉ.

“Số lượng sinh viên nhập học vào Khoa hàng năm khoảng 120 - 150 em và tăng lên đến 200 em trong những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu học về tiếng Hàn và Hàn Quốc học ngày càng tăng của sinh viên, tạo cơ sở xây dựng Khoa phát triển vững mạnh, Khoa Hàn Quốc học tiến hành tuyển dụng vị trí giảng viên và chuyên viên phục vụ đào tạo”- Khoa này đăng tải thông tin tuyển dụng

Minh Anh

Những ngành học có điểm chuẩn cao 'chót vót' năm 2020

Những ngành học có điểm chuẩn cao 'chót vót' năm 2020

Những ngành học "hot" có điểm chuẩn cao chót vót lộ diện sau khi các trường ĐH công bố điểm chuẩn xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020.

Ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc lấy điểm chuẩn cao nhất Trường ĐH Hà Nội

Ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc lấy điểm chuẩn cao nhất Trường ĐH Hà Nội

Ngôn ngữ Hàn Quốc là ngành có điểm chuẩn cao nhất vào Trường ĐH Hà Nội với 35,38 điểm. Xếp sau đó là các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Nhật,...

Bộ GD-ĐT phản hồi bạn đọc VietNamNet về bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên

Bộ GD-ĐT phản hồi bạn đọc VietNamNet về bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên

Hàng trăm câu hỏi mà bạn đọc băn khoăn liên quan đến việc bổ nhiệm và xếp hạng cho giáo viên đã được VietNamNet chuyển đến Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT).