Việc bùng phát dịch cúm H7N9 mới đây ở Trung Quốc đã cướp đi sinh mạng của 7 người và đang "hủy hoại" ngành chăn nuôi gia cầm của nước này trước những lo ngại về sự an toàn của thực phẩm.

Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố cách đây hơn một tuần rằng chủng cúm gia cầm H7N9 lần đầu tiên đã được tìm thấy ở người, số người bị nhiễm bệnh đã tăng tới con số 24 và một nửa trong số họ cư trú ở thành phố Thượng Hải, miền đông Trung Quốc.

{keywords}
Các nhân viên y tế đang tiêm vắc-xin phòng cúm cho gia cầm ở khu tự trị Choang thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày 3/4. Ảnh: Corbis

Nhà chức trách Trung Quốc nói họ không biết virus này đã lây lan như thế nào, mặc dù tin rằng H7N9 có thể truyền nhiễm từ chim sang người. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, hiện không có bằng chứng về việc virus cúm gia cầm H7N9 lây truyền từ người sang người - một diễn tiến có nguy cơ làm bùng phát một đại dịch.

Nhà chức trách Trung Quốc khuyên người dân tránh tiếp xúc với các con chim còn sống nhưng trấn an rằng, gia cầm và trứng vẫn đang được bày bán là an toàn nếu được nấu đúng cách. Tuy nhiên, giới truyền thông đưa tin, việc kinh doanh gia cầm đã sụt giảm thê thảm ở một số khu vực của Trung Quốc, ngay cả tại những vùng cho tới nay chưa ghi nhận trường hợp người nhiễm bệnh nào.

"Đây thực sự là một thảm họa đối với thị trường dành cho gà giò (gà giò là những con gà non được dùng để chế biến món ăn). Ảnh hưởng của nó vô cùng lớn", Qiu Baoqin, Phó Tổng thư ký Hiệp hội ngành công nghiệp gia cầm quốc gia Trung Quốc, nhận định.

Ở thành phố Thạch Gia Trang, miền bắc Trung Quốc, doanh số bán gà hàng ngày đã giảm hơn 50% từ cách đây một tuần tại chợ nông sản lớn nhất thành phố.

Thượng Hải cũng đã cho tiêu hủy hơn 111.000 con chim, cấm buôn bán gia cầm sống và đóng cửa các chợ trong một nỗ lực nhằm chặn đứng sự bùng phát dịch.

Các thành phố Nam Kinh và Tô Châu cũng tiếp theo sau bằng cách ban hành lệnh cấm kinh doanh gia cầm sống. Ngoài ra, thành phố Hàng Châu đã cho tiêu hủy gia cầm sau khi phát hiện thịt chim cút nhiễm virus H7N9.

Hàng loạt bê bối an toàn thực phẩm

Trung Quốc đã phải hứng chịu hàng loạt bê bối về thực phẩm trong những năm gần đây. Một vài sự cố trong số này do các nhà sản xuất trong nước cố tình gây ra bằng cách cho những chất hoặc thành phần kém tiêu chuẩn hoặc bất hợp pháp vào thực phẩm, khiến dư luận lo ngại về tính an toàn của thức ăn.

Trung Quốc từng khốn đốn vì một trong những sự cố an toàn thực phẩm lớn chưa từng có, xảy ra vào năm 2008, khi hóa chất công nghiệp melamine được trộn trái phép vào các sản phẩm sữa, khiến ít nhất 6 trẻ thiệt mạng và làm khoảng 300.000 trẻ khác bị ốm.

Cách đây một thập niên, Trung Quốc cũng phải đối mặt với những cáo buộc che đậy sự bùng phát của Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), vốn cướp đi sinh mạng của khoảng 800 người khắp toàn cầu. Tuy nhiên, WHO mới đây đã lên tiếng ca ngợi chính quyền Bắc Kinh về sự minh bạch đối với dịch cúm gia cầm H7N9.

"Nhà chức trách (Trung Quốc) dường như đã rút ra được các bài học cần thiết từ sự bùng phát dịch SARS", trích một bài xã luận trên Nhật báo Trung Quốc.

Diễn biến cúm tại các nước láng giềng

Trong khi Trung Quốc đang chật vật kiểm soát chủng cúm gia cầm mới, nước láng giềng Việt Nam hôm nay (9/4) đã thông báo trường hợp người tử vong đầu tiên trong hơn một năm qua vì chủng virus cúm gia cầm được biết đến nhiều hơn là H5N1. Nạn nhân mới nhất là đứa con 4 tuổi của một gia đình nông dân.

Tuần trước, nhà chức trách Việt Nam cũng cấm toàn bộ việc nhập khẩu gia cầm từ Trung Quốc và siết chặt các biện pháp kiểm soát biên giới, kể cả kiểm tra nhiệt độ của hành khách, nhằm đối phó với sự bùng phát chủng cúm gia cầm mới ở nước láng giềng.

Trong khi đó, Campuchia, nước láng giềng của Việt Nam, cũng đang phải đối mặt với số ca tử vong vì H5N1 cao đến bất thường và không thể lý giải được trong thời gian gần đây. Tính tới thời điểm hiện tại, đã có 8 người chết, trong đó có 6 trẻ em, vì chủng virus cúm này tại Campuchia.

Virus H5N1 virus đã khiến hơn 370 người thiệt mạng trên khắp thế giới kể từ đợt bùng phát chính ở châu Á cách đây 10 năm. Các nhà phân tích nói, việc bùng phát dịch cúm mới có thể gây tổn hại cho nền kinh tế nói chung của Trung Quốc - nền kinh lớn thứ hai trên thế giới - mặc dù ảnh hưởng dự kiến sẽ chỉ mang tính tạm thời.

Tuấn Anh (Theo Bangkok Post, Asia One)

Các tin liên quan

Trường hợp duy nhất khỏi cúm H7N9 nhờ uống Tamiflu

Nguy cơ cúm H7N9 thành dịch được chú ý nhất tuần

Người thứ 6 chết vì cúm H7N9, nguy cơ đại dịch?

Dịch cúm mới minh oan cho một nghiên cứu gây tranh cãi

Phát hiện mới về virus cúm gia cầm H7N9

Virus cúm H7N9 gây tử vong cho người ở TQ có gì lạ?