Các nhà nghiên cứu đã thu được những bằng chứng về sự thay đổi hành vi của các động vật khi hoạt động địa chấn gia tăng, ám chỉ chúng có thể phỏng đoán trước về một trận động đất sắp tới.
Theo các nhà nghiên cứu, các con vật gặm nhấm đặc biệt nhạy cảm với những thay đổi trước một trận động đất. Ảnh minh họa: Word Press |
Một nhóm nghiên cứu quốc tế, do tiến sĩ Rachel Grant thuộc Đại học Anglia Ruskin (Anh) đứng đầu, đã tiến hành phân tích dữ liệu thu thập được từ hàng loạt camera cài cắm trong công viên quốc gia Yanachaga ở Peru. Họ phát hiện các thay đổi lớn về hành vi của động vật bắt đầu 23 ngày trước trận động đất Contamana mạnh 7 độ Richter tấn công khu vực này vào năm 2011.
Vào một ngày bình thường, các camera sẽ ghi được 5 - 15 cảnh tượng khác nhau về các động vật. Tuy nhiên, trong thời gian 2 ngày trước trận động đất, chúng chỉ ghi được không đầy 5 cảnh như vậy mỗi ngày.
Trong 5 - 7 ngày ngay trước cơn địa chấn dữ dội, các camera không ghi được bất kỳ hoạt động của động vật - một việc vô cùng bất thường đối với khu vực đồi núi xen lẫn rừng mưa nhiệt đới này. Theo tiến sĩ Grant, một chuyên gia về động vật và sinh vật học môi trường, các con vật gặm nhấm dường như đặc biệt nhạy cảm và chúng biến mất hoàn toàn 8 ngày trước trận động đất.
Ông Grant và các cộng sự đã tìm hiểu về những nguyên nhân dẫn đến sự biến mất dị thường trên. Họ ghi lại phản xạ của các sóng vô tuyến tần số rất thấp (VLF) ở phía trên khu vực xung quanh tâm chấn. Họ phát hiện các nhiễu loạn trong tầng điện ly - tầng khí quyển chứa lượng lớn ion và các electron tự do, có khả năng phản xạ sóng vô tuyến - bắt đầu từ 2 tuần trước động đất.
Một sự dao động đặc biệt lớn đã được ghi lại 8 ngày trước cơn địa chấn, trùng hợp với sự suy giảm hoạt động lớn thứ hai của động vật quan sát được ở thời kỳ trước động đất. Một trong những nguyên nhân rõ thấy và khả dĩ nhất cho phản ứng bất thường của các động vật là các ion dương trong không khí, thủ phạm dẫn tới các tác dụng phụ khó chịu ở cả người và động vật, chẳng hạn như hội chứng tăng serotonin trong máu, có thể dẫn tới triệu chứng bồn chồn, lo âu, hiếu động thái quá và lú lẫn.
Giáo sư Friedemann Freund, đồng tác giả nghiên cứu đến từ Viện Seti (Mỹ), giải thích thêm: "Các camera được đặt trên một quả đồi ở độ cao 900 mét. Nếu quá trình ion hóa không khí xảy ra, nó nhiều khả năng đặc biệt mạnh ở dọc quả đồi như vậy. Do đó, các động vật sẽ tẩu thoát tới thung lũng thấp hơn, nơi chúng tiếp xúc với ít ion dương trong không khí hơn".
Các chuyên gia nhận định, với khả năng cảm nhận môi trường của mình một cách chính xác, các động vật có thể giúp chúng ta hiểu rõ những thay đổi nhỏ xuất hiện trước những trận động đất lớn. Bước tiếp theo của nghiên cứu sẽ là tìm ra một cách hiệu quả để giám sát các thay đổi hành vi của động vật trước một trận động đất, vì các chuyên gia không muốn "báo động giả".
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)