Chiêm ngưỡng căn biệt thự rộng 200m2 của đại gia buôn lụa nức tiếng phố Hàng Đào
Ngôi nhà bề thế bậc nhất phố cổ Hàng Đào xưa
Phố Hàng Đào xưa là một trong những con phố buôn bán sầm uất bậc nhất ở Hà Nội |
Vào những năm đầu của thế kỷ 20, phố Hàng Đào là một trong những con phố sầm uất nhất của Hà Nội.
Nơi đây nổi tiếng với mặt hàng tơ lụa, quần áo và luôn tấp nập “người mua, kẻ bán”. Nhiều gia đình nhanh chóng “phất” lên từ nghề buôn lụa, trở thành những thương nhân giàu có. Chính vì thế, nhiều ngôi nhà tại đây cũng được xây dựng bề thế kiểu biệt thự Pháp, tạo nên diện mạo mới cho tuyến phố.
Căn nhà của ông Nguyễn Thái An được xây dựng theo lối biệt thự Pháp cổ, rộng 200 m2. |
Đây là một trong những căn nhà bề thế nhất của phố cổ Hà Nội xưa |
Nổi bật nhất trong số này là căn nhà thuộc sở hữu của cụ Nguyễn Văn Lợi, nằm ở 72 phố Hàng Đào, ông chủ của thương hiệu lụa Đức Lợi nức tiếng Hà Nội.
Hiện nay, căn nhà là nơi sinh sống của ông Nguyễn Thái An (SN 1943), con trai trưởng của cụ Nguyễn Văn Lợi.
Căn nhà có tổng diện tích là 200 m2, với mặt tiền hướng ra phố Hàng Đào và chỉ cách Hồ Hoàn Kiếm chưa đầy 100 m.
Căn nhà có dạng hình ống với 3 tầng. |
Hiện nay, nhiều đồ đạc xưa vẫn được các thế hệ sau gìn giữ cẩn thận |
Theo tiết lộ của ông Nguyễn Thái An, ngôi nhà được bố mẹ ông mua lại từ những năm 1940 để mở cửa hiệu kinh doanh tơ lụa và quần áo.
“Lúc bố mẹ tôi mua ngôi nhà này thì đây vẫn chỉ là nhà mái ngói, không giống như bây giờ. Sau đó, gia đình tôi thuê kiến trúc sư người Pháp, thiết kế lại toàn bộ không gian. Mất khoảng vài năm căn nhà mới được xây dựng xong”, ông An nhớ lại.
Sập gụ, tủ chè, ban thờ trong căn nhà |
Bức ảnh đại gia đình ông Thái An chụp khi ông còn nhỏ |
Năm 1946, ngôi nhà chính thức được hoàn thiện, cụ Nguyễn Văn Lợi cùng vợ và 12 người con đều dọn về đây sinh sống và buôn bán tơ lụa, quần áo.
Lúc đó, ông An còn rất nhỏ, chỉ khoảng 3 - 4 tuổi, tuy nhiên những ký ức về khoảng thời gian này ông vẫn còn nhớ khá rõ.
"Có thể nói ngôi nhà của gia đình tôi thời đó sánh ngang với biệt thự bây giờ. Bởi vì, so với nhiều ngôi nhà xung quanh, nó là ngôi nhà gần như cao nhất với 3 tầng bề thế. Ngày đó, tôi còn nhớ, đứng từ tầng thượng còn nhìn thấy được sông Hồng, với nhiều thuyền bè đang di chuyển tấp nập”, ông An nói.
Ông Nguyễn Thái An cho biết, đối với các thành viên trong gia đình, ngôi nhà là báu vật vô giá |
Phòng khách của căn nhà bày biện khá nhiều đồ đạc |
Nhiều bức ảnh tư liệu quý của Hà Nội được ông An gìn giữ cẩn thận |
Căn nhà có dạng hình ống, với 3 tầng, chia làm 4 phần rõ rệt, bao gồm: mặt ngoài - giếng trời - hệ thống nhà ở - sân vườn. Vào những năm 1940 - 1950, tầng 1 được sử dụng làm nơi kinh doanh tơ lụa, bên trong làm nhà kho và nơi ở của nhân viên.
Ngôi nhà được xây dựng theo dạng ống nhưng có khu vực giếng trời nên tạo cảm giác thoáng đãng |
Tầng 2 có phòng khách ở phía ngoài, một gác xép làm nhà kho. Bên trong là khu vực sinh hoạt của gia đình ông An.
Ông An kể: “Ngày bố mẹ tôi vẫn còn kinh doanh tơ lụa, phòng khách lúc nào cũng tấp nập người ra, kẻ vào. Có thể là khách mua hàng hoặc những người bạn, những người hàng xóm qua uống cốc nước chè, cùng nhau chia sẻ chuyện cuộc sống”.
Nhiều đồ vật trong nhà có từ khi xây dựng vẫn còn cho đến ngày nay |
Một căn phòng ở tầng 2 của căn nhà |
Tầng 3 của ngôi nhà có 2 phòng ngủ. Tuy nhiên, tầng 3 không được sử dụng thường xuyên và thường bỏ trống.
Khu vực giếng trời nằm ở trung tâm ngôi nhà để đón ánh sáng mặt trời và tạo không gian thoáng đãng cho ngôi nhà.
Khoảng giếng trời được trồng cây xanh và dẫn ra nhà kho |
Lối cầu thang dẫn lên các phòng trong căn nhà |
Theo lý giải của ông An, nhà phố cổ nói chung, và căn nhà 72 Hàng Đào nói riêng hầu hết có dạng ống, sâu vào bên trong.
Vì vậy, ở giữa ngôi nhà lúc nào cũng có khoảng sân thông tầng từ mái xuống tầng trệt theo phương thẳng đứng, không che khuất tầm nhìn lên bầu trời.
Khu vực sân sâu, nằm ở phía trong cùng của ngôi nhà có chức năng tương tự như nhà kho, thường trồng một số cây cảnh nhỏ hoặc để chứa một số vại chứa nước, chum tương.
Khu vực bếp nấu ăn của căn nhà được KTS người Pháp thiết kế tận dụng tối đa ánh sáng ngoài trời |
Những bường đã nhuốm màu rêu phong |
Trả giá trăm tỷ vẫn kiên quyết không bán
Để xứng đáng với địa vị của một “đại gia” tơ lụa nổi tiếng, bên cạnh vị trí đắc địa nằm ngay sát Hồ Hoàn Kiếm, ngôi nhà 72 Hàng Đào còn rất nhiều chi tiết đặc biệt, thể hiện sự giàu có, quyền quý của chủ nhân.
Ngôi nhà được xây dựng từ nhiều nguyên, vật liệu nhập khẩu trực tiếp từ Pháp. Trong đó có hệ thống gạch lát sàn nhà và đồ nội thất như: hệ thống đèn, quạt trần, bàn ghế tiếp khách,...
Đặc biệt, hệ thống nhà vệ sinh được xây dựng khép kín, hiện đại bậc nhất thời kỳ đó. Khoảng thời gian sau, nhà vệ sinh được trùng tu và sửa sang lại |
Cho đến nay, sau 70 năm, căn nhà vẫn giữ nguyên vẹn được lối kiến trúc xưa và mang đậm dấu ấn của thời gian |
Đặc biệt, hệ thống nhà vệ sinh được xây dựng khép kín, hiện đại bậc nhất thời kỳ đó. Ông An tự hào: “Vào những năm 1940 - 1950, nhiều nhà còn phải dùng nhà vệ sinh công cộng, hoặc đi vệ sinh theo lối cũ, thì nhà tôi đã có hệ thống nhà vệ sinh khép kín, mỗi tầng 1 nhà vệ sinh, sạch sẽ, hiện đại nhất thời bấy giờ”.
Ngoài ra, ngôi nhà cũng sử dụng nước sạch từ đường ống nước của Pháp xây dựng, thay vì sử dụng nước giếng khoan.
Ông Nguyễn Thái An - hiện là chủ nhân sinh sống trong căn nhà |
Cho đến nay, sau 70 năm, căn nhà vẫn giữ nguyên vẹn được lối kiến trúc xưa và mang đậm dấu ấn của thời gian. Những bức tường đã bắt đầu bong tróc và phủ đầy rêu phong.
Đối với ông An, điều đáng tiếc nhất là thế hệ sau của gia đình ông không thích sống chung trong ngôi nhà cổ này.
Ông An có hai người con trai, cả hai người con đều làm việc và sinh sống ở nước ngoài, hiện chỉ có một cháu đích tôn là sống cùng ông. Mỗi năm, vào các dịp Tết những người anh chị, con, cháu trong đại gia đình ông mới trở về thăm nhà, thắp hương tổ tiên và ăn một bữa cơm sum họp.
Những chiếc bàn ghế từ khi hoàn thiện ngôi nhà cho đến nay vẫn được sử dụng |
Theo ông An, ngôi nhà giống như "vật báu" vô giá, nơi lưu giữ ký ức tuổi thơ và chứng kiến những thăng trầm của đại gia đình. Chính vì thế, dù nhiều lần được trả giá cao lên tới cả trăm tỷ đồng nhưng ông An vẫn kiên quyết không bán.
“Có thể cuộc sống tại đây đông đúc, chật chội, nhiều người không thích, nhưng với tôi, ngôi nhà này còn hơn cả trỉ kỷ. Nó là kỷ vật của bố mẹ tôi để lại, tôi quyết không bao giờ rời xa nó và không bao giờ bán”, ông An nói.
Đứng trên sân thượng tòa nhà có thể quan sát phố phường Hà Nội |
(Theo Dân trí)