Trước việc một giám đốc DN kinh doanh xuất khẩu gạo tiết lộ phải mất 20.000 USD mới có được một giấy phép xuất khẩu, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ngay lập tức đã yêu cầu xác minh.

Theo đó, ngày 23/2 Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thanh tra Bộ thành lập Đoàn xác minh, đồng thời giao Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trực tiếp chỉ đạo, làm việc cụ thể với các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan để xác minh, làm rõ sự việc DN phản ánh tốn 20.000 USD cho một giấy phép xuất khẩu gạo.

Trước đó, tại cuộc toạ đàm lấy ý kiến về sửa đổi Nghị định 109 của Chính phủ về xuất khẩu gạo tổ chức ngày 22/2 tại TP.HCM, ông Ngô Văn Nam, Tổng giám đốc Công ty ADC (TP.HCM) tiết lộ: "Mỗi lần đi xin giấy phép xuất khẩu gạo, tốn ít nhất mấy chục ngàn đô". Khi được đại diện ban tổ chức hỏi lại: "Mấy chục ngàn đô đó, anh nộp cho ai?, ông Nam không ngần ngại nói:"Thực sự, mỗi lần không dưới 20.000 USD!".

{keywords}

Liên quan đến điều kiện xuất khẩu gạo, hồi tháng 1/2017, Bộ trưởng Công Thương ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo - quy định đang bị phàn nàn là gây khó doanh nghiệp.

Theo quyết định này, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT (quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát lúa gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo) đã được chính thức bãi bỏ.

Tiếp đó, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký Quyết định số 43/QĐ-BCT về việc thành lập Tổ Biên tập và Ban soạn thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 109/2010/NĐ/CP để chính thức gỡ bỏ hàng rào cho xuất khẩu gạo.

Việc sửa đổi nghị định sẽ được tiến hành khẩn trương quyết liệt để báo cáo Chính phủ trong Quý II/2017. Dự kiến trong dự thảo sửa đổi sẽ có điều chỉnh về khung pháp lý và thể chế nhằm tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hội nhập sâu và hiệu quả với thị trường thế giới đặc biệt trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang ngày càng khó khăn, thị trường do người mua quyết định cũng như tình trạng mất cân đối cung - cầu bắt buộc phải tính toán để giải phóng lực lượng sản xuất nhất là các doanh nghiệp tham gia.

Lương Bằng