Hai ông lớn ngành nước giải khát toàn cầu là PepsiCo và Cocacola đang cạnh tranh gay gắt nhằm chiếm lĩnh thị phần nước ngọt không đường. Xu hướng sử dụng đồ uống ít đường ngày càng tăng bởi tình trạng béo phì và các bệnh liên quan tới đường đang trầm trọng.

Sự thoái trào của một dòng sản phẩm

PepsiCo vừa tuyên bố gây sốc khi quyết định giảm lượng đường xuống dưới 100 calories trong 2/3 sản phẩm vào năm 2025. Công ty sản xuất nước ngọt có ga nổi tiếng này đang nếm trải vị đắng khi doanh số dòng sản phẩm này sụt giảm do người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe.

Hiện các sản phẩm nhiều đường chiếm đến 40% tổng sản lượng của PepsiCo. Tuy nhên, nhìn vào nhu cầu của thị trường nước giải khát, chiến lược mới của PepsiCo là một quyết định đúng, bởi người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các sản phẩm ít đường ngày càng nhiều.

{keywords}
Doanh số của các hãng nước ngọt giảm mạnh

Trong năm ngoái, sức tiêu thụ nước ngọt có gas tại Mỹ đã giảm 1,2% so với năm 2014, theo một báo cáo thường niên của Beverage Digest. Số lượng tiêu thụ nước ngọt của Cocacola tại Mỹ giảm 1%, trong khi đó Pepsi giảm 3,2%.

Lý do nghiêm trọng ảnh hưởng tới hai ông lớn nước giải khát chính là tác hại của việc tiêu thụ đường quá mức trong cơ thể dẫn tới nguy cơ bệnh tật và béo phì. Nhiều kết quả khoa học đã chứng minh điều này. Số lượng người Mỹ sử dụng quá nhiều đường tăng 30% so với ba thập kỷ trước. Chính vì vậy, xu hướng dinh dưỡng đang tập trung vào cảnh báo về tác hại hấp thụ quá nhiều đường trong cơ thể.

Hiện nay, 70% người Mỹ tiêu thụ các sản phẩm chứa đường nhiều hơn mức giới hạn đề ra, trong đó phần lớn là uống nước ngọt. Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, khoảng một phần ba lượng calo hàng ngày của người Mỹ nhận được từ các sản phẩm bổ sung đường, như từ soda và đồ uống có đường. Hai phần ba khác từ thực phẩm chế biến sẵn như snack, bánh ngọt, bánh mì và kem.

Hiện tượng giảm doanh số của Pepsi khiến người ta nhớ lại điều tương tự đã xảy ra với Coca Cola vào thập niên 80, khi hàng này có sự thay đổi trong công thức pha chế. Tuy nhiên, lần giảm doanh số này không nằm ở vấn đề công thức mà là người tiêu dùng.

Cuộc cách mạng nước ngọt

Mới đây, Pepsi tuyên bố đưa dòng sản phẩm Pepsi không béo có chứa đường hóa học Aspartame (ngọt hơn đường 220 lần) vào thị trường nhằm thay thế những sản phẩm không béo có đường hóa học Sucralose (ngọt hơn đường 600 lần).

Ông Indra Nooyi, CEO của PepsiCo, cho biết, việc phát triển sản phẩm mới là tất yếu, đón đầu nhu cầu thị trường nước ngọt khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới sức khỏe. Doanh số bán hàng các sản phẩm nước ngọt có gas thấp hơn 25% trong tháng 4, tương đương với doanh thu từ các đồ uống tự nhiên đóng chai và nước giải khát không đường.

{keywords}
Ngành nước ngọt sẽ phải thay đổi để thích ứng với xu hướng tiêu dùng

Đối thủ Coca Cola cũng đang có những động thái tương tự. Theo James Quincey, giám đốc điều hành của Cocacola, từ năm 2000, công ty này đã tăng tỷ lệ các sản phẩm nước giải khát không gas từ 10 lên 30%. Với các sản phẩm đồ uống truyền thống, công ty này cũng giảm lượng đường và calories. Thay vào đó, công ty đầu tư thêm các loại nước uống trái cây, cà phê và nước đóng chai.

Pepsi đang tung ra các sản phẩm như nước uống Gatorade, nước Aquafina hương vị mới, và máy bán hàng các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Tương tự như vậy, CocaCola sẽ ra mắt Minute Maid và nước uống Smartwater.

Một cách để đối phó với sức tiêu thụ giảm sút của nước giải khát có gas là giảm kích cỡ của lon và chai nước. Trong khi lượng soda Mỹ tiêu thụ đã giảm, số lượng chai và lon nước ngọt bán ra vẫn gia tăng. 

Những lon và chai cỡ nhỏ lại tạo ra lợi nhuận lớn hơn cho các công ty so với mẫu chai, lon truyền thống. Vỏ nhôm dung tích 8,5 ounce mang về 1,6 USD doanh thu, trong khi mỗi chai nhựa 2 lít chỉ mang về 0,18 USD. Như vậy, bao bì nhỏ mang về doanh thu cao hơn khoảng chín lần loại lớn.

Hiệp hội nước giải khát Hoa Kỳ, nhóm vận động hành lang chính của ngành, hiện đã đầu tư hàng triệu USD cho cuộc chiến chống lại luật đánh thuế và ghi nhãn đồ uống có đường. 

Chủ tịch hãng Coca khu vực Bắc Mỹ, ông J. Alexander M. Douglas Jr., cũng đã phải thừa nhận ăn uống lành mạnh và chăm sóc sức khỏe đang là xu hướng chủ đạo của ngành thực phẩm ngày nay.

Nam Hải (Theo Business Insider/BBC)