Rời bỏ thị trường

Từ ngày 1/7, Lotte Mart Đống Đa thông báo ngưng hoạt động. Động thái này nằm trong kế hoạch thay đổi chiến lược phát triển và mở rộng mạng lưới trên toàn quốc.

Khai trương tháng 3/2014, Lotte Mart Đống Đa là trung tâm lớn nhất với hơn 20.000 m2 sàn bán lẻ, lớn gần gấp 7 lần so với 2 trung tâm khác tại Cầu Giấy và Ba Đình. Trung tâm này đã được cải tạo và nâng cấp hệ thống điện nước, chiếu sáng, nội thất khu vực thu ngân, gia tăng diện tích không gian mua sắm,... cuối năm 2018.

Lotte Mart thuộc Tập đoàn Lotte Hàn Quốc. Năm 2008, Lotte Mart khai trương siêu thị đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2015, Lotte Mart công bố mục tiêu sở hữu 60 trung tâm thương mại trên cả nước vào năm 2020. Tuy nhiên, con số này mới chỉ dừng lại ở 14 cho đến thời điểm tháng 7 năm nay, sau khi Trung tâm Đống Đa đóng cửa.

Cũng đến từ Hàn Quốc, chuỗi bán lẻ E-Mart đã chính thức rời thị trường Việt Nam. Theo tờ Korea Time, Ban Giám đốc Tập đoàn Emart (Hàn Quốc) đã quyết định bán 100% cổ phần của Công ty Emart Việt Nam cho CTCP ô tô Trường Hải (THACO), sau nhiều lần gặp trở ngại trong việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Thông qua thương vụ này, E-Mart Việt Nam sẽ được điều hành dưới dạng nhượng quyền thương mại do THACO quản lý và sẽ trả phí bản quyền cho E-mart.

{keywords}
Auchan về tay đại gia Việt

Trước đó, Auchan đã chính thức thông báo đóng cửa 15 siêu thị từ tại Việt Nam. Đại gia bán lẻ nước Pháp mở siêu thị Auchan đầu tiên từ năm 2015 và từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD với tham vọng mở 300 siêu thị và cửa hàng. Tuy nhiên, Auchan mới có 18 siêu thị được mở tại Hà Nội, TP.HCM và Tây Ninh.

Từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào thị trường này nhưng kết quả kinh doanh của Auchan không nổi bật, đạt 45 triệu euro doanh thu năm 2018 và lâm vào cảnh thua lỗ.

Ồn ào nhất là thương vụ của Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức) bán lại chuỗi 19 siêu thị Metro cho Tập đoàn TCC (Thái Lan) sau nhiều năm báo lỗ liên tục. Năm 2016, Tập đoàn Casino (Pháp) cũng sang nhượng chuỗi siêu thị Big C cho Central Group (Thái Lan).

Parkson, tập đoàn bán lẻ cao cấp tại Malaysia, có mặt tại Việt Nam từ năm 2005, và đã phát triển được chuỗi trung tâm mua sắm cao cấp tại nhiều thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội và Hải Phòng; nhưng từ năm 2015 đến nay đã lần lượt đóng cửa nhiều TTTM.

Trong phân khúc bán lẻ trực tuyến, năm 2019 lần lượt chứng kiến sự ra đi của Robins.vn (Central Group), và Lotte.vn (Lotte). Tháng 4/2016, Central Group mua lại Zalora Việt Nam thông qua công ty điện máy Nguyễn Kim, đồng thời cũng mua luôn Zalora Thái Lan. Sự cạnh tranh giữa các trang bán hàng online tại Việt Nam đang khá khốc liệt khiến Robins phải từ bỏ cuộc chơi thương mại điện tử chỉ trong vòng hơn 1 năm.

Miếng bánh tỷ USD không dễ ăn

Bán lẻ Việt Nam từng được ví như một miếng bánh tỷ USD thu hút các nhà bán lẻ quốc tế. Số liệu báo cáo từ các công ty nghiên cứu thị trường liên tục đánh giá là thị trường tiềm năng nhất nhì châu Á, với tốc độ tăng trưởng lĩnh vực bán lẻ lên đến 37%/năm, năm 2020 thị trường có quy mô 180 tỉ USD. Tuy nhiên, không phải đại gia nào cũng có thể thành công.

Câu chuyện đầu tư tại Việt Nam cũng tương tự như nhiều nước trên thế giới. Walmart (Mỹ) nổi tiếng toàn thế giới nhưng đã phải thoái lui khỏi thị trường Hàn Quốc. FamilyMart - chuỗi của hàng tiện lợi phong cách Nhật - lặng lẽ rút lui khỏi đất Thái.

{keywords}
Cạnh tranh quyết liệt trên thị trường bán lẻ 

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đang gặp phải những thử thách nhất định khi đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Tại Việt Nam, bán lẻ truyền thống vẫn giữ vai trò chủ đạo.

Theo thống kê của Nielsen, bán lẻ truyền thống, bao gồm các cửa hàng tạp hoá và chợ truyền thống, vẫn chiếm 74% thị phần thị trường, và tăng 1%/năm. Trong khi đó, bán lẻ hiện đại chiếm 26% thị phần, với mức tăng 12%/năm.

Hơn nữa, tuy thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp nắm giữ thị trường chủ yếu vẫn là những thương hiệu nội địa như Vingroup, Masan và MWG. Do không đủ khả năng cạnh tranh, một số nhà bán lẻ nước ngoài đã phải rời khỏi thị trường. Trong khi đó, những doanh nghiệp nội địa đã nắm bắt thành công cơ hội M&A để tăng quy mô cũng như mở rộng thêm thị phần thị trường bán lẻ trong nước.

Ông Bod Hayward, tư vấn chiến lược Công ty KPMG, nhận xét Việt Nam đang trong giai đoạn tốt của ngành bán lẻ, sẽ phát triển hơn nữa và thịnh vượng. Vấn đề là bản thân từng DN làm sao cạnh tranh và đi nhanh hơn đối thủ. Sẽ có những tay chơi mới xuất hiện và DN bán lẻ Trung Quốc sẽ không bỏ qua thị trường Việt Nam. Muốn thắng, DN phải làm chủ công nghệ và kênh mua sắm qua mạng.

Đánh giá về các giải pháp dành cho các nhà bán lẻ quốc tế, ông Matthew Powell cho rằng, các nhà bán lẻ thường được xem là những doanh nghiệp mang lại sự tiện lợi và giá trị đồng tiền. Do đó, việc quản lý chặt chẽ nguồn lực và giữ vững tỷ suất lợi nhuận sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ gặt hái được nhiều thành công hơn tại thị trường Việt Nam.

Các yếu tố có thể hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng được tối đa cơ hội trong thị trường bán lẻ gồm: quan hệ và quy mô, cam kết giá trị hấp dẫn, xây dựng mô hình kinh doanh vững chắc, xây dựng thương hiệu, nắm rõ thị trường bán lẻ, không ngừng đổi mới và phát triển trên nền tảng đa kênh.

Người tới kẻ đi, triển vọng thị trường còn nhiều tiềm năng ở phía trước. Theo nghiên cứu của World Bank, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam hiện chiếm 13% tổng dân số và sẽ đạt 26% vào năm 2026. Tăng trưởng này sẽ tạo ra sự thay đổi lạc quan trong tổng chi tiêu tiêu dùng nội địa. Hơn nữa, việc GDP bình quân đầu người gần chạm mức 3,000 USD cũng đồng thời cho thấy tiềm năng đáng kể cho ngành bán lẻ tại Việt Nam.

D.Anh

Cuộc đua 'móc ví' người có tiền của các 'ông lớn' ở Việt Nam

Cuộc đua 'móc ví' người có tiền của các 'ông lớn' ở Việt Nam

Các nhà bán lẻ trực tuyến đang đua nhau "tán tỉnh" người tiêu dùng Việt Nam vốn cảnh giác với những hành vi gian lận và cửa hàng từ chối trả hàng.