Chỉ có gần 650 ngàn hộ tham gia liên kết

Là quốc gia có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm nông lâm thủy sản không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn để xuất khẩu. Theo đó, năm 2018, nông thủy sản xuất khẩu đã đem về cho Việt Nam trên 40 tỷ USD.

Song, hạn chế lớn nhất của ngành nông nghiệp nước ta là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, giá trị thấp. Hàng hóa nông sản luôn trong tình trạng được mùa thì rớt giá, xuất khẩu thô, khó cạnh tranh với các đối thủ trên "chợ nông sản toàn cầu".

Để khắc phục được những điểm yếu trên, phát triển liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản là chủ trương xuyên suốt luôn được nhắc tới.

{keywords}
Thu nhập của người trồng lúa vẫn bấp bênh dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới

Song, tại Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho biết, tính đến hết tháng 9/2019, cả nước có 1.478 mô hình chuỗi liên kết. Doanh nghiệp nông nghiệp cũng chỉ dừng ở con số 9.235, trong đó có nhiều tập đoàn lớn đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp.

Đáng chú ý, Việt Nam có tới 8,6 triệu hộ nông dân tham gia sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng đến nay mới chỉ có trên 25,5 ngàn hộ tham gia liên kết sản xuất với các đơn vị sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP và 619,3 ngàn hộ tham gia liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn. Số còn lại vẫn sản xuất theo hướng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ.

Chia sẻ về câu chuyện liên kết trong ngành sản xuất lúa gạo tại Việt Nam, ông Phạm Thái Bình - Giám đốc một công ty sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cho biết, không chỉ cơ quan nhà nước mà từ doanh nghiệp đến nông dân đều nhìn thấy sản xuất canh tác trồng lúa với quy mô hộ gia đình đã không còn phù hợp vì nhỏ lẻ, manh mún, không có đủ sản phẩm hàng hóa có chất lượng theo tiêu chuẩn toàn cầu để đáp ứng thị trường kể cả nội địa và xuất khẩu.

Thế nên, dù Việt Nam có lợi thế về sản xuất lúa gạo với sản lượng lúa thu hoạch hàng năm khoảng trên 40 triệu tấn, xuất khẩu 5-7 triệu tấn/năm luôn đứng ở vị trí hàng đầu, nhưng giá trị thường thấp nhất nhì trên thế giới.

Điều này khiến gần 20 triệu nông dân vùng ĐBSCL - vựa lúa lớn nhất cả nước, chiếm 99% số lượng gạo xuất khẩu của nước ta - năm nào cũng thấp thỏm lo âu về đầu ra của lúa gạo, thu nhập bấp bênh.

Ông Bình cho rằng, đất đai vùng ĐBSCL và Đồng bằng Sông Hồng rất đa dạng về thổ nhưỡng vùng miền, có nhiều lợi thế để sản xuất nhiều loại gạo có giá trị, nâng cao thu nhập cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp một cách ổn định lâu dài. Tuy nhiên, những lợi thế trên chỉ mang lại hiệu quả khi canh tác theo mô hình liên kết. 

Nhưng thực tế là, các mô hình liên kết sản xuất lại rất ít. Hậu quả, đa phần gạo Việt xuất khẩu chất lượng không cao, giá trị đem lại thấp.

Muốn thành công, làm “cánh đồng lớn liên kết” 

Theo ông Bình, gạo Việt Nam rất ngon, từ gạo thơm đặc sản trồng tại tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp Mười, vùng Tứ giác Long Xuyên... đến gạo Tám Hải Hậu, nếp cái hoa vàng của miền Bắc,... Những loại gạo này có thể đáp ứng được từ thị trường cao cấp, khó tính cho đến các thị trường dễ tính.

{keywords}
Cần làm cánh đồng lớn liên kết để đưa nông sản Việt ra chợ thế giới

Song, để đưa được gạo vào các thị trường khó tính, để làm được thương hiệu gạo, nâng cao giá trị hạt gạo, ông Bình cho rằng cần làm “cánh đồng lớn liên kết”. Bởi, doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất trên quy mô lớn, sản phẩm làm ra sẽ có chất lượng đồng đều, truy xuất được nguồn gốc, có nguồn hàng ổn định…

Ông dẫn chứng, nhờ làm “cánh đồng lớn liên kết” nhiều năm nay, sản phẩm gạo của công ty đã thâm nhập được vào nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Hongkong... với giá cao hơn rất nhiều lần so với giá gạo cùng loại không sản xuất theo chuỗi.

Như năm 2012, gạo lức tím than và nếp lá xanh An Giang được công ty xây dựng thành công tại Trung quốc với giá 1.500 USD/tấn gạo tím và 700 USD/tấn nếp. Hay từ 2017 đến nay, doanh nghiệp của ông được Hàn Quốc thẩm định, xuống tận các cánh đồng truy xuất nguồn gốc và công nhận đủ điều kiện tham gia đấu thầu xuất khẩu gạo vào Hàn Quốc, mà thị trường này giá nhập khẩu gạo JAPONICA luôn trên 700 USD/tấn.

Từ năm 2018 đến nay, loại gạo thơm ST24 của doanh nghiệp luôn không đủ hàng để cung cấp cho thị trường gạo thơm thế giới và người tiêu dùng trong nước, ông Bình cho hay.

Dù chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo đang cho thấy hiệu quả cao, song ông Bình thừa nhận rất khó triển khai nhiều và nhân rộng mô hình bởi doanh nghiệp thiếu vốn.

Trước đó, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng giải pháp duy nhất là vận động nông dân tham gia vào các hợp tác xã kiểu mới hay bắt tay liên kết cùng với các doanh nghiệp nông nghiệp làm hàng hoá ở quy mô lớn, theo chuỗi.

Thực tế hiện nay, có nhiều mô hình hợp tác xã đem lại thành công, nông dân tăng thu nhập khi liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm đã xuất khẩu được sang những thị trường khó tính nhất thế giới.

Như ở Lục Ngạn (Bắc Giang), có những mô hình trồng vải thiều liên kết với doanh nghiệp để đưa quả vải đặc sản của địa phương xuất khẩu được sang Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc,... với giá cao, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Tương tự, chuỗi sản xuất lúa gạo hữu ở Quảng Trị cũng đang đem lại hiệu quả cao cho người nông dân trồng lúa. Ở đó, tham gia liên kết, người nông dân không còn lo mất mùa, rớt giá, thu nhập của họ luôn ổn định, đảm bảo có lãi.

Mời độc giả xem clip tự tạo từ bài viết: 



Bảo Phương