Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra toàn diện 9 dự án của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội. Theo Thanh tra Chính phủ, việc chuẩn bị đầu tư dự án liên quan đến Lã Vọng có một số vi phạm

{keywords}
Dự án New House Xa La là dự án bất động sản được hình thành bởi sự hợp tác đầu tư giữa Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) và Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi Nhà Mới (thuộc Tập đoàn Lã Vọng).

Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6: Sở Kế hoạch và Đầu tư làm sai lệnh trên

Giai đoạn 2009, UBND thành phố Hà Nội thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên Tổng công ty Sông Đà là đơn vị được giao chủ đầu tư nhưng không đề xuất được dự án để triển khai. Trách nhiệm thuộc UBND thành phố Hà Nội và các sở ngành có liên quan, Tổng công ty Sông Đà.

Tháng 2/2017, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) được UBND thành phố Hà Nội cho phép hợp tác liên doanh với Công ty CP Sông Đà Hà Nội, Công ty CP thương mại Ngôi nhà mới thuộc Tập đoàn Lã Vọng và Công ty CP Đầu tư phát triển và dịch vụ Đại An thực hiện dự án đầu tư. Các bên tiến hành thành lập pháp nhân mới lấy tên Công ty CP Louis Group để thực hiện dự án.

Thanh tra Chính phủ cho rằng: Từ 2017 đến nay, việc Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu phê duyệt đề xuất dự án thuộc giai đoạn chuẩn bị đầu tư, quy mô dự án bổ sung đoạn tuyến Ba La -Chúc Sơn vào dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Chúc Sơn – Xuân Mai và chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án BT, khi quy mô dự án đã thay đổi là vi phạm Nghị định 30 về đấu thầu dự án.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Kế hoạch và Đầu tư không tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành để tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội việc lựa chọn hình thức đầu tư theo quy định. Ngoài ra, việc Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào danh mục các ô đất theo đề xuất của nhà đầu tư để trình quỹ đất giao đối ứng thanh toán BT, đề xuất giao đất không thông qua đất giá quyền sử dụng đất là vi phạm quy định tại Luật Đất đai 2013.

Mặc dù Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo tuân thủ quy hoạch chi tiết xây dựng, đảm bảo đồng bộ, không trùng lấn với các dự án đã giao chủ đầu tư khác, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn trình để giao cho nhà đầu tư 39 ô đất làm đối ứng thanh toán dự án BT.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc tham mưu không đúng quy định pháp luật của Sở Kế hoạch và Đầu tư trình phần lớn trùng khớp với danh mục đề xuất của Công ty CP Đầu tư Louis Group, trong khi Công ty này chưa được lựa chọn là nhà đầu tư, nên chưa có quyền đàm phán hợp đồng BT của dự án. Các đề xuất này chưa được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận và tổ chức thực hiện nên chưa xảy ra thiệt hại cho ngân sách nhà nước, nhưng là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình trong quần chúng nhân dân và như báo chí phản ánh, ảnh hưởng xấu đến uy tín của chính quyền thành phố Hà Nội.

Dự án cải tạo môi trường hồ Đầu Băng, quận Long Biên giai đoạn 1 và giai đoạn 2

Giai đoạn 1 thực hiện bằng nguồn tài trợ của công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới thuộc Tập đoàn Lã Vọng. Việc lựa chọn nhà đầu tư phù hợp quy định tại Nghị định 69 năm 2008. Tuy nhiên, việc triển khai nạo vét hồ và một số hạng mục phụ trợ của dự án theo phương án vừa thiết kế, vừa thi công, thiếu phê duyệt dự án, tổng mức đầu tư… là vi phạm quy định tại Nghị định 12 n ăm 2009 về quản lý đầu tư xây dựng.

Việc UBND thành phố Hà Nội giao Công ty CP thương mại Ngôi nhà mới thực hiện khối lượng 30 tỷ đồng trên 60,5 tỷ đồng là vi phạm quy định tại Nghị định 12.

Trách nhiệm những vi phạm trên thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội và Công ty CP thương mại Ngôi nhà mới.

Dự án Cải tạo và xây dựng Hệ thống cống nối hồ Vục – hồ Đầu Băng – hồ Tư Đình theo hình thức hợp đồng BT

Việc UBND thành phố Hà Nội chỉ định Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới thực hiện dự án, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Thông báo 88 năm 2010.

Tuy nhiên, nếu dự án được phê duyệt điều chỉnh giảm quy mô, thì tổng mức đầu tư còn khoảng 400 tỷ đồng. Số tiền sử dụng đất của dự án đối ứng tạm tính phải nộp bổ sung ngân sách là 124 tỷ đồng.

Việc chậm giải phóng mặt bằng do chậm điều chỉnh dự án đầu tư và xử lý phần giải phóng mặt bằng trùng lắp, dẫn đến tiến độ dự án BT chậm không có cơ sở xác định khối lượng xây dựng và giá trị của dự án BT, để làm căn cứ xác định giá trị hợp đồng BT.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra UBND thành phố Hà Nội đã lựa chọn nhà đầu tư không qua đấu giá tại nhiều dự án.

Cụ thể, Dự án tại 5 ô đất DX1, DX2, DX3, DX4 và CX2 Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng

Việc lựa chọn nhà đầu tư không thực hiện thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để kêu gọi đầu tư, giao dự án không thông qua đấu giá vi phạm Nghị định 181 năm 2004 của Chính phủ hướng dẫn Luật Đất đai 2003 đối với thuê đất đã giải phóng mặt bằng có quy hoạch chi tiết 1/500.

UBND thành phố Hà Nội không tính lại đơn giá thuê đất phần xây dựng sai quy hoạch làm tăng hệ số sử dụng đất. Ngoài ra, Sở Tài chính căn cứ kết quả kiểm toán giá trị đầu tư hạ tầng toàn bộ khu đô thị năm 2012 là hơn 102 tỷ đồng, để phân bổ chi phí hạ tầng cho tổng diện tích gần 30 ha các ô đất, đơn giá chi phí hạ tầng là hơn 344 nghìn đồng/m2, để tính tiền xuất đầu tư hạ tầng phải nộp cho năm 2016 là “không có cơ sở”.

UBND thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch bổ sung chức năng dịch vụ công cộng là không đúng với quy hoạch đã được duyệt năm 2005, làm thay đổi mục đích sử dụng đất vi phạm Luật quy hoạch đô thị năm 2009.

Dự án khu nhà ở cao cấp tại khu đô thị Quốc Oai được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) duyệt: Dự án này giao nhà đầu tư không thông qua đấu thầu dự án là vi phạm quy định tại Nghị định 90 năm 2006 về lựa chọn nhà đầu tư phát triển nhà ở thương mại.

UBND thành phố Hà Nội thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phần hạ tầng khu đất dịch vụ để trả cho các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp 3,1 ha chậm tiến độ, đến thời điểm thanh tra mới bàn giao đưa vào sử dụng.

Tương tự, Dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai cũng không qua đấu giá. Năm 2011, UBND thành phố Hà Nội giao Tổng công ty UDIC làm chủ đầu tư dự án không thông qua đấu thầu là vi phạm Nghị định 90 về hướng dẫn thi hành Luật nhà ở 2006.

Căn cứ vào kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đề nghị tổ chức kiểm điểm xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân qua các thời kỳ có liên quan đến các sai phạm kể trên.

Riêng đối với sai phạm trong công tác chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6, Thanh tra Chính phủ đề nghị phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư về các tờ trình liên quan đến dự án này để có hình thức xử lý nghiêm theo quy định. Những cán bộ có sai phạm được phân công đảm nhận công việc khác, không được tiếp tục làm công tác tham mưu về kế hoạch và đầu tư.

Trong tổng số 9 dự án đã thanh tra theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, có 5 dự án do của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng làm chủ đầu tư. Đó là dự án tại 5 ô đất Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng.

Dự án cải tạo môi trường hồ Đầu Băng, quận Long Biên giai đoạn 1 và giai đoạn 2

Dự án Cải tạo và xây dựng Hệ thống cống nối hồ Vục – hồ Đầu Băng – hồ Tư Đình theo hình thức hợp đồng BT.

Dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nhà ở trên diện tích 14,5 ha

Dự án khu nhà ở cao cấp tại khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai

3 dự án của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và đơn vị thành viên tham gia hợp tác gồm: Dự án trụ sở làm việc cơ sở 2 và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại tại Xa La, Hà Đông; Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 (dự kiến, chưa có quyết định lựa chọn nhà đầu tư); dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai.

Có 1 dự án của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng thuê mặt bằng kinh doanh là dự án cải tạo, nâng cấp khu vui chơi giải trí bán đảo hồ Đống Đa, đã chấm dứt việc hợp tác kinh doanh năm 2016.

Lương Bằng