Do tỉ suất lợi nhuận của ngành kinh doanh chính thấp nên nhiều thương hiệu Việt “vang bóng một thời” đang lâm vào trạng thái “sống mòn”. Một số khác tìm cách tồn tại và phát triển bằng việc khai thác quỹ đất trụ sở, nhà xưởng chuyển đổi thành dự án bất động sản.

Colusa - Miliket từng được xem là thương hiệu độc quyền trên thị trường mỳ gói vào thập niên 70-80 của thế kỷ trước.

Nói đến mỳ gói vào thời điểm đó, nhiều người vẫn nhớ đến gói mì có hình ảnh 2 con tôm của hãng mì Colusa, sau này được ghép thêm tên Miliket thành Colusa - Miliket hay là mỳ tôm Thiên Hương.

Khi thị trường mỳ bắt đầu xuất hiện các đối thủ “nặng ký”, để có mức giá thấp, một trong những chiến lược của Miliket là tối thiểu hóa chi phí.Đây cũng là lý do vì sao Miliket không sử dụng các chiến dịch truyền thông như các doanh nghiệp khác cùng ngành.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia thương hiệu và cả người tiêu dùng nhận định, nhược điểm là “vua mỳ tôm” quá bảo thủ.

Nhiều năm nay Miliket thậm chí không cải tiến mẫu mã bao bì, vẫn dùng hình ảnh 2 con tôm trên nền gói giấy do đó gần như mỳ được tiêu thụ là bởi thói quen của một bộ phận người tiêu dùng lớn tuổi.

{keywords}
Thương hiệu mì ăn liền nổi tiếng một thời

Trên thực tế, những gói mỳ 2 con tôm này đã biến mất khỏi những kệ hàng nơi thành phố, nó xuất hiện chủ yếu ở khu vực nông thôn với những người tiêu dùng bình dân, thu nhập thấp, với mức giá từ 2.700 đồng đến 6.000 đồng.

Ngoài ra, hãng mỳ gói ăn liền này dường như đang chấp nhận "sống mòn" bằng cách sử dụng chiến lược kinh doanh với tỷ suất lợi nhuận thấp.

Năm 2012, lợi nhuận công ty là 31,2 tỷ đồng trên tổng doanh thu 540 tỷ đồng. Năm 2015, lợi nhuận sau thuế đạt 31,14 tỷ đồng, tăng 10,42 tỷ so với 2014.

Miliket vẫn tồn tại và có thị phần vì phân khúc mà mì 2 con tôm tham gia có lợi nhuận thấp nên những ông lớn khác chưa muốn chen chân vào, nhưng không ai có thể bảo đảm Miliket có thể giữ vững vị trí này trong thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Một thương hiệu từng “vang bóng một thời” cũng đang áp dụng chiến lược lợi nhuận thấp là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển SACOM - một trong hai Công ty đầu tiên niêm yết trên Thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán "SAM".

Sản phẩm chủ lực của SAM là cáp quang, dây điện tử với doanh thu năm 2015 đạt 1847,8 tỷ đồng nhưng chỉ mang về lợi nhuận 38,8 tỷ đồng trong khi ngành kinh doanh bất động sản có lợi nhuận 21,3 tỷ đồng trên doanh thu chỉ 360,5 tỷ đồng.

Năm 2016, SAM đặt mục tiêu doanh thu ngành dây và cáp là 2.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ khoảng 60,5 tỷ đồng.

Theo báo cáo của HĐQT SAM, rủi ro của công ty đối với ngành cáp viễn thông là nhu cầu tiêu thụ nội địa vẫn ở mức thấp, lại phải đối mặt với sự cạnh tranh của hàng nhập các nước trong khu vực.

Ngoài ra, do phần lớn dây chuyền công nghệ phải nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau nên việc cập nhật công nghệ, máy móc, phụ tùng để thay thế phụ thuộc vào nước ngoài, có thể phát sinh chi phí cao.

Đứng trước thời cơ của thị trường, SAM đang tập trung cho hoạt động bất động sản, và bất động sản du lịch với các dự án ở Đà Lạt và TPHCM. Ước tính doanh thu năm 2016 ước đạt 471,5 tỷ đồng và lợi nhuận 28 tỷ đồng.

Cũng trong ngành điện tử, Công ty Cổ Phần TIE tiền thân Công ty Sản xuất Kinh doanh Xuất Nhập khẩu Điện - Điện tử Quận 10 được thành lập năm 1990.

Hơn 20 năm kinh nghiệm với những thành tựu trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, TIE từng là nhà sản xuất và phân phối hàng đầu các linh kiện điện tử, sản phẩm viễn thông và gia công sản phẩm được khách hàng tin tưởng.

Tuy nhiên hiện các ngành kinh doanh chính của công ty này đang gặp nhiều khó khăn nên chỉ tiêu kinh doanh năm 2016 chỉ đặt mục tiêu doanh thu 405 tỷ đồng và lợi nhuận 10 tỷ đồng, bằng 64,6% số thực hiện của năm 2015.

Cụ thể, biên lợi nhuận mảng phân phối màn hình trước đây là 10%, tuy nhiên hiện nay chỉ còn 3-5% do sự suy giảm của thị trường và cạnh tranh từ đối thủ ngoại.

Từ công ty sản xuất hàng điện tử, hiện TIE đã phải chuyển hướng sang các ngành khác như liên doanh với Vĩnh Tiến thành lập công ty sản xuất tập vở, văn phòng phẩm, Đồng thời liên doanh thành lập 2 công ty Mega - Tie và Tiến Đạt - Tie thông qua góp vốn bằng quỹ đất.

Trong ngành thủy sản, một tên tuổi lớn là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Sài Gòn - Seaprodex Saigon thì cho biết hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản - mảng kinh doanh chính của công ty gặp khó do không có nhà máy chế biến, không chủ động được nguồn hàng, giá trị đơn hàng nhỏ lẻ, doanh số thấp, nguồn vốn kinh doanh hạn chế nên không mở rộng được thị phần.

Từ đó, công ty đổi hướng kinh doanh, tập trung vào bất động sản để khai thác quỹ đất đang quản lý.

HĐQT Seaprodex Saigon cho biết năm 2016 Công ty sẽ tiếp tục đầu tư dự án Centa Park, dự án gồm khu thương mại và nhà ở với tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng với tổng diện tích đất 29.702 m2. Diện tích sàn xây dựng 180.000 m2.

Ban lãnh đạo cũng có chiến lược mở rộng quỹ đất thông qua mua cổ phần, nắm giữ 100% vốn tại Công ty Cổ phần Xuất Thương mại và Du lịch Sài Gòn (Sp.CO). Sp.CO đang quản lý và phát triển dự án tại khu đất có diện tích 8.000m2 tại đường Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, quận 2.

Theo NDH