Mời quản lý khách sạn 5 sao về bệnh viện

Thành lập năm 1894, là bệnh viện tây y đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện Trung ương Huế có 3 cơ sở, trong đó tách riêng phần dịch vụ sang Bệnh viện quốc tế TƯ Huế. GS.TS Bác sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện, kể rằng, nhờ cơ chế tự chủ, bệnh viện được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ giỏi chữa trị được bệnh nặng. Ngoài ra, bệnh viện còn mở thêm các dịch vụ khác như chăm sóc da, thẩm mỹ, tiêm chủng,... Khuôn viên bệnh viện có không gian xanh, phòng sạch đạt chuẩn với các dịch vụ giặt là, gội đầu, căng tin dinh dưỡng,... như khách sạn sang.

“Đó là bởi chúng tôi đã mời quản lý khách sạn Furama về làm nên các tiêu chuẩn dịch vụ, buồng phòng, chăm sóc bệnh nhân như khách sạn 5 sao”, bác sĩ Hiệp chia sẻ.

Tới đây, bệnh viện còn triển khai dịch vụ khám bệnh cho khách du lịch, đầu tư thêm trang thiết bị y tế hiện đại và mở rộng đầu tư thêm hai bệnh viện nữa ở Hà Tĩnh và Đà Nẵng.

{keywords}
Một phòng bệnh nhân ở bệnh viện có tiêu chuẩn 5 sao

Tại bệnh viện Việt Đức, năm 2018, số lượt người bệnh lựa chọn dịch vụ khám theo yêu cầu tăng tới 270%, số ca phẫu thuật loại đặc biệt tăng 120%. Tự chủ đã giúp bệnh viện phát triển toàn diện theo yêu cầu, thay vì thụ động trông chờ nguồn NSNN như trước.

Cùng nhờ cơ chế tự chủ, thu nhập của cán bộ nhân viên bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tăng lên bình quân 27 triệu đồng/tháng/người, gấp đôi so với năm 2014 (13 triệu người/tháng).

Bệnh viện quốc tế TƯ Huế cũng như các bệnh viện trên là một vài nét chấm phá trong bức tranh đặc sắc về kết quả thành công của cơ chế tự chủ với bệnh viện công.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), đến nay 100% số đơn vị sự nghiệp trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Tính đến năm 2018, cả nước có khoảng 160 đơn vị đã tự đảm bảo chi thường xuyên, và con số này ngày càng tăng. 1.364 đơn vị đã tự chủ một phần thì mức này cũng rất cao, nhiều bệnh viện tự chủ được 80-90% chi thường xuyên. 23 bệnh viện tự đảm bảo được toàn bộ thu chi.

“Không chỉ tiết kiệm tiền ngân sách, điều quan trọng là các bệnh viện thuộc Bộ đã giảm được 25.362 người hưởng lương ngân sách, với số tiền khoảng 2.127 tỷ đồng/năm. Con số đó là mới tính riêng các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, chưa kể các tuyến tỉnh, huyện, xã”,  ông Liên cho hay.

Tuy nhiên, mặc dù được triển khai từ năm 2012, khi Chính phủ ban hành NĐ 85 quy định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệm y tế công lập, TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chuyên ngành III, cho rằng, hiện vẫn có nhiều quan điểm khác nhau, tóm lược vào 2 trường phái: 1/tự chủ đồng nghĩa với việc các cơ sở khám chữa bệnh công lập phải tự lo kinh phí và tất cả cả chi phí này chuyển hết vào dịch vụ khám, chữa bệnh, do người bệnh chi trả, cắt tiền từ ngân sách; 2/tự chủ các bệnh viện vẫn dựa vào ngân sách đồng thời phát triển nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Cả hai cách hiểu này đều chưa đúng. Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Thăng cho rằng, các bệnh viện công được tự chủ trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Nhà nước giao là khám chữa bệnh, và bệnh viện được sử dụng các nguồn lực hợp pháp như thu một khoản tiền, mở ra các dịch vụ khác để thực hiện chức năng nhiệm vụ ấy.

“Vậy mà trong quá trình kiểm toán, rất nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, huyện vẫn hiểu cơ chế tự chủ rất khác. Họ cho rằng đó là dịch vụ của họ, do họ làm chủ, thậm chí không cho kiểm toán”, ông Thăng nói.

{keywords}
Tự chủ giúp các bệnh viện công có thêm nguồn chi, giảm áp lực lên ngân sách (ảnh minh họa)

Tự chủ nhưng không biết làm thế nào

Phát biểu tại Hội thảo “Cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của KTNN”, diễn ra ngày 18/1, GS.TS  Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN, nhận xét, vẫn còn không ít vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ.

Chẳng hạn, việc quản lý tài chính của các bệnh viện chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng ít lại trông chờ ngân sách; chưa khuyến khích các bệnh viện tiến tới tự chủ 100%; thiếu hệ thống các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở cho các bệnh viện,... Tất cả dẫn tồn tại trên là do thiếu một cơ chế tự chủ rõ ràng, tường minh.

TS. Lê Đình Thăng dẫn chứng, trao quyền tự chủ, vậy các bệnh viện có nguồn thu thì được quyền chi những thứ gì? Viện phí, dịch vụ y tế khám chữa bệnh có dịch vụ đi kèm, bệnh viện có được thu hay không, thu như thế nào, mức bao nhiêu thì không hề có quy định.

Chính điều này khiến các bệnh viện đang lúng túng. Ông Phạm Đình Cường, chuyên gia kinh tế, kể rằng khi ông đi giảng, học viên là quản lý tài chính các bệnh viện đều có một yêu cầu: “Hãy cho chúng tôi một bộ sách quy định cái gì được làm, cái gì không được làm để chúng tôi rõ”. Vì thiếu hệ thống pháp lý cụ thể mà có hiện tượng mỗi bệnh viện làm một kiểu.

Theo ông Lê Đình Thăng, ngay cả nguồn viện phí từ BHYT thanh toán cũng là một câu chuyện tranh luận giữa các bệnh viện và bảo hiểm y tế (BHYT). Đó là sự vênh nhau giữa chi phí khám chữa bệnh thực từ bệnh nhân có BHYT và BHYT chi trả thực, dẫn tới thiếu hụt nguồn chi trả, mặc dù cơ quan BHYT đã kiểm tra đến 2-3 lần.

Qua số liệu từ báo cáo kiểm toán, chỉ riêng các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, đến cuối năm 2017 nguồn mà BHYT nợ các bệnh viện lên tới 5.000 tỷ, trong khi đó các bệnh viện lại nợ nhà thuốc 7.000 tỷ, gây mất cân đối khoảng 2.000 tỷ. “Một Bộ mà mất cân đối tới 2.000 tỷ đồng là rất khó để cân đối, đây là vấn đề cơ chế cần giải quyết”, ông Thăng lưu ý.

Hơn nữa, trong hoạt động liên doanh liên kết với các nhà đầu tư, nhiều bệnh viện phản ánh gặp khó khăn. Vướng ở chỗ là theo Luật Đầu tư công, trình tự thủ tục rất lâu, đôi khi mất cơ hội của các bệnh viện. Điển hình, thiết bị y tế toàn thiết bị điện tử, chờ từ lúc làm dự án đến khi được phê duyệt thì thiết bị đã lạc hậu.

Ngọc Hà