Tính đến thời điểm bị bắt, các đối tượng sử dụng khoảng 3.000 tỷ đồng mua hàng trăm ngàn lít dung môi pha xăng với chất tạo màu và kích RON để chế ra xăng A95 giả.

Ngoài việc thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng, xăng giả mà các đối tượng bán cho người tiêu dùng là một trong những nguyên nhân gây cháy xe, hỏng động cơ…

Chi 3.000 tỷ đồng mua "nguyên liệu" sản xuất xăng giả

Sáng 6-6, Công an tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo, thông tin về vụ án sản xuất và buôn bán xăng dầu giả liên quan đến đại gia xăng dầu miền Tây Trịnh Sướng. Vụ án này do Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Đắk Nông lập chuyên án điều tra.

Thượng tá Phạm Thanh Bình (Trưởng phòng Tham mưu - Tổng hợp Công an tỉnh Đắk Nông) cho biết: Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam 23 đối tượng, trong đó có Trịnh Sướng (tự Tám Sướng, SN 1969; Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, địa chỉ tại TT.Mỹ Xuyên, H.Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Riêng Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố và bắt 14 bị can.

{keywords}
Quang cảnh buổi họp báo do Công an tỉnh Đắc Nông tổ chức

Đại tá Lê Văn Tuyến (Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông) cho biết: Trước đó, các trinh sát phát hiện đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả trên địa bàn nên Công an tỉnh Đắk Nông xác lập chuyên án điều tra. Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, sản xuất lượng xăng giả cực lớn.

Ngày 13-3-2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố vụ án, khởi tố 9 đối tượng, gồm: Nguyễn Văn Hướng, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Hùng, Phạm Hồng Quang (cùng ngụ huyện Đắk R’lấp), Hồ Thị Nhẫn (ngụ TX.Gia Nghĩa, Đắk Nông), Nguyễn Mạnh Tiến (ngụ TP.Biên Hòa), Nguyễn Quang Thuận, Nguyễn Thị Kim Loan, Hoàng Thụy Minh Việt (cùng ngụ H.Thống Nhất, Đồng Nai) về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

Do vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, địa bàn xảy ra tại nhiều tỉnh, thành nên Công an tỉnh này báo cáo với Bộ trưởng Bộ Công an. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập Ban chuyên án, do Thứ trưởng Lê Quý Vương làm Trưởng ban, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông làm Phó ban.

Từ ngày 28-5 đến ngày 2-6, Ban chuyên án chỉ đạo các tổ công tác phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế (CSKT), Cục CSGT… bắt quả tang các đối tượng tại 6 địa điểm đang có hành vi tổ chức pha trộn, cất giấu dung môi, các chất pha trộn thành xăng giả ở TPHCM, TP.Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.

Ngày 5-6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố, bắt giam thêm 14 bị can (trong đó có Trịnh Sướng). Cơ quan điều tra xác định, từ ngày 1-1-2017 đến khi bị bắt, các đối tượng đã chi khoảng 3.000 tỷ đồng để mua dung môi và các nguyên liệu pha chế xăng giả. Mỗi tháng đường dây này đưa ra thị trường tiêu thụ hơn 6 triệu lít xăng giả.

{keywords}
Đại gia Trịnh Sướng

Tại buổi họp báo, đại tá Lê Vinh Quy (Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông) cho biết, dung môi được sử dụng để pha chế xăng giả là thành phẩm trong quá trình chưng cất dầu mỏ. Kết quả kiểm nghiệm khẳng định, xăng giả không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng xấu đến hiệu suất động cơ, thậm chí có thể làm hỏng động cơ.

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy xe được xác định liên quan tới xăng giả. Cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ. Hành vi pha chế, pha trộn xăng giả được các đối tượng thực hiện ở những địa điểm bí mật, như: trên tàu, trên biển, nhà riêng…, có bố trí đồng bọn canh gác nên lực lượng chức năng rất khó tiếp cận, bắt quả tang.

Công an tỉnh Đắk Nông xác định 3 cửa hàng đã tiêu thụ xăng dầu giả trên địa bàn tỉnh này liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả của Trịnh Sướng tại 2 huyện Đắk R’Lấp, Đắk G’Long và TX.Gia Nghĩa.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Cao Huy (Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông) khẳng định: Việc triệt phá đường dây sản xuất, mua bán xăng giả mang lại hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm. UBND tỉnh Đắk Nông đã quyết định thưởng nóng cho Ban chuyên án.

{keywords}
 

 

{keywords}
Các mẫu xăng giả thu được trong vụ án

Giàu nhanh như diều gặp gió

Thông tin công an khởi tố, bắt giam đại gia Trịnh Sướng làm rúng động giới kinh doanh xăng, dầu. Nhiều người dân tỉnh Sóc Trăng cũng tỏ ra bất ngờ. Xuất thân từ một gia đình đông anh em ở thị trấn Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), từ nhỏ Sướng rất ham học. Năm 1996, Sướng thành lập Công ty Mỹ Hưng để kinh doanh xăng dầu.

Không bao lâu sau, cuộc sống của Sướng phất nhanh như diều gặp gió. Hàng loạt kho bãi được Sướng đầu tư ở những khu đất đắc địa. Một số công ty “con” của Sướng kinh doanh xăng dầu được thành lập tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, Sướng sở hữu nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên QL1 và các quốc lộ khác ở miền Tây. Đội xe vận tải xăng dầu của Sướng có hàng chục chiếc, từ xe bồn nhỏ đến xe đầu kéo, cùng 3 sà lan chở xăng dầu thường đậu ở TPHCM.

Có tiền, Sướng tỏ ra hào phóng, không ít lần hỗ trợ công tác xã hội, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng. Mới đây, Sướng tổ chức tiệc tri ân khách hàng hoành tráng tại một nhà hàng sang trọng.

Đối với đầu mối, “tay em” kinh doanh xăng dầu, Sướng khá thoải mái trong việc thanh toán. Y sẵn sàng cho một cây xăng nợ hàng tỷ đồng. Do đó, Sướng được lòng của nhiều cây xăng đặt cung cấp nhiên liệu.

Được biết, hiện nay, Công ty Mỹ Hưng đã 18 lần thay đổi giấy phép kinh doanh, với vốn điều lệ 60 tỷ đồng, chỉ có một thành viên. Công ty này quan hệ với 4 ngân hàng, tổng dư nợ hơn 568,6 tỷ đồng. Tất cả vốn vay này đều ngắn hạn, gồm một chi nhánh ngân hàng ở TP.Sa Đéc (Đồng Tháp) với số tiền gần 150 tỷ đồng, còn lại là 3 chi nhánh ngân hàng tại TP.Sóc Trăng.

{keywords}
Công ty, kho bãi của Trịnh Sướng

Vụ kinh doanh mờ ám

Theo Công an tỉnh Sóc Trăng, hoạt động của Sướng lọt vào “tầm ngắm” của lực lượng công an. Thế nhưng gã rất tinh vi, kín kẽ. Mọi hoạt động Sướng đều cho công ty “con” do người thân đứng tên thực hiện, để không bị liên lụy.

Cách đây 4 năm, lúc 0 giờ 10 ngày 27-6-2015, từ tin báo của trinh sát, Phòng CSKT phối hợp với Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Sóc Trăng tiến hành kiểm tra tàu Đông Hải (biển kiểm soát SG 6532) đang bơm xăng qua một chiếc tàu khác.

Làm việc với đoàn kiểm tra, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, tàu này của Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu vận tải Phúc Thành (địa chỉ tại Q.5, TPHCM), ký hợp đồng vận tải thuê 2 triệu lít xăng A92 của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hoàng Lê Khang (địa chỉ tại H.Hóc Môn). Công ty này thuê tàu Đông Hải chở gần 1,3 triệu lít xăng A92 từ kho cảng Nhà Bè về Sóc Trăng.

Ông Tùng xuất trình phiếu xuất kho, hóa đơn GTGT ghi số lượng 2 triệu lít xăng, trị giá hơn 40 tỷ đồng của Công ty TNHH Gia Thành (địa chỉ tại P.8, TP.Sóc Trăng; do em vợ của Sướng đứng tên) mua của Công ty Hoàng Lê Khang. Qua làm việc, số xăng này được 2 bên mua bán có dấu hiệu kinh doanh ngoài hệ thống phân phối. Lực lượng kiểm tra lập biên bản, tạm giữ hàng hóa, phương tiện và các giấy tờ liên quan để làm rõ.

Công an tỉnh Sóc Trăng kết luận, Công ty Hoàng Lê Khang không phải là đại lý hay tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, được phép mua xăng dầu tự do. Vì vậy, công ty này không bị xử phạt, chỉ yêu cầu làm cam kết. Còn công ty của em vợ Sướng có ký hợp đồng làm tổng đại lý cho Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM tại Cần Thơ, nhưng vẫn mua bán xăng dầu với Công ty Hoàng Lê Khang ngoài hệ thống là sai quy định, nên bị xử phạt 50 triệu đồng.

Đến khi thành lập chuyên án triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán xăng dầu giả, từ ngày 28-5 đến 2-6-2019, lực lượng công an huy động gần 200 cán bộ, chiến sĩ “cất vó”. Khám xét khẩn cấp 6 địa điểm tại TPHCM, TP.Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, cơ quan điều tra bắt quả tang 4 nhóm đối tượng (do Trịnh Sướng, Đinh Chí Dũng, Nguyễn Ngọc Quan và Nguyễn Thị Thu Hòa cầm đầu) đang sản xuất, buôn bán xăng giả. Qua đó, thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan.

Để trả “món nợ” 4 năm về trước, ngày 30-5-2019, tổ công tác bắt quả tang tàu Gia Thành 7 của Công ty Gia Thành đang bơm 420m3 Toluene, MTBE đã pha trộn với 180m3 xăng lên bể chứa xăng A95 (có sẵn 900m3 xăng kém chất lượng để thực hiện hành vi pha trộn xăng giả) của kho xăng Ressol tại phường Phước Thới (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) thuộc Công ty cổ phần Thương mại hóa dầu Ressol. Công an bắt 3 đối tượng, gồm: Trương Văn Thuận (thuyền trưởng), Ngô Dương Anh Tuấn (quản lý kho Ressol), Trần Văn Phước (nhân viên kho).

Trong vụ án này, đến nay, cơ quan điều tra đã tạm giữ hơn 3,2 triệu lít dung dịch các loại (trong đó có hơn 2,1 triệu lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả, 432.474 lít dung môi chưa pha), 3 tàu thủy, 6 xe bồn, 5 máy bơm, 50kg chất tạo màu cùng nhiều vật dụng khác liên quan. Các đối tượng thừa nhận đã bán ra thị trường gần 19,5 triệu lít xăng giả, thu lời bất chính khoảng 135 tỷ đồng.

(Theo Công an TP.HCM)