Như Dân Việt đã đưa tin: Sáng 29/10, phiên toà phúc thẩm xem xét kháng cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên) về việc ly hôn, chia tài sản, được TAND Cấp cao xét xử kín. Dự kiến phiên toà kéo dài đến ngày 31/10, do thẩm phán Nguyễn Hữu Ba làm chủ tọa.

{keywords}
Ông Vũ ra tòa hôm 18/9. Nguồn: VNE

Theo VNE: Vài ngày trước bà Thảo tiếp tục có đơn xin hoãn phiên xử "vì lý do sức khỏe" nhưng HĐXX chưa đưa ra quyết định. Bảo vệ bà Thảo lần này có 6 luật sư gồm: Lê Thành Kính, Lê Thị Hoài Giang, Đoàn Thị Hồng Trang, Phạm Công Hùng, Lê Thị Kim Liên và Đỗ Mạnh Tường.

Bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ vẫn là các luật sư Trương Thị Hòa, Hoàng Hữu Nhân, Nguyễn Minh Tâm. 

Luật sư Nhân cho biết, ông Vũ mong muốn vụ án sớm kết thúc vì nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn Trung Nguyên, cũng như đời sống của hơn 5.000 người lao động.

Năm 2015, bà Thảo đơn phương ly hôn vì vợ chồng xảy ra nhiều mâu thuẫn. Bà đề nghị nuôi tất cả 4 con, ông Vũ cấp dưỡng. Tài sản chung là tiền, vàng, ngoại tệ tại ngân hàng bà yêu cầu toà không đưa vào giải quyết trong vụ án. Còn cổ phần, bà đề nghị hưởng 51% (ước tính 2.114 tỷ đồng) trong Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên - công ty nòng cốt chiếm phần lớn giá trị của tập đoàn...

Phía ông Vũ đề nghị tòa tuyên được hưởng 70% tài sản tại các ngân hàng cũng như giá trị cổ phần tại tất cả các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và sẽ thanh toán lại cho bà Thảo bằng tiền mặt đối với số cổ phần còn lại.

Hồi cuối tháng 3, TAND TP.HCM xử sơ thẩm chấp nhận cho vợ chồng bà Thảo ly hôn. HĐXX ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên về việc chia bất động sản, giao các con cho bà Thảo nuôi dưỡng, ông Vũ cấp dưỡng 10 tỷ đồng mỗi năm.

Đối với tài sản còn lại, HĐXX tuyên ông Vũ được sở hữu 60%, nắm quyền điều hành Trung Nguyên và có nghĩa vụ trả lại bà Thảo bằng tiền tương ứng với số cổ phần bà sở hữu. Theo HĐXX, ông Vũ "có công lớn hơn" và việc giao công ty cho ông Vũ điều hành là có tính đến lợi ích lâu dài của doanh nghiệp.

Cho là mình bị xử ép, bà Thảo kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị toà phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm. Theo nguyên đơn, quá trình xét xử bà đã nhiều lần đồng ý rút đơn khi được HĐXX và VKS hỏi nhưng tòa vẫn tiếp tục xử và cho ly hôn là "cưỡng ép", không cho gia đình bà được đoàn tụ. Việc tòa buộc bà phải giao toàn bộ cổ phần mình sở hữu cho ông Vũ và nhận lại bằng tiền là tước đoạt quyền sở hữu của một cổ đông lớn đối với số cổ phần và phần vốn góp trong tập đoàn. Ngoài ra, tòa sơ thẩm còn có nhiều vi phạm tố tụng, thiên vị ông Vũ khi đánh giá ông có công sức đóng góp nhiều hơn trong việc tạo lập khối tài sản chung... 

Phía ông Vũ cũng kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm chia phần tài sản chưa thỏa thuận được theo tỷ lệ ông 70%, bà Thảo 30%.

VKS cũng có kháng nghị chỉ ra nhiều vi phạm của tòa sơ thẩm đề nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án.

{keywords}
Cơ quan công tố kháng nghị toàn bộ bản án ly hôn tòa tuyên ngày 27.3. Nguồn: Zing

Cụ thể, như Dân Việt đã thông tin: Chiều 12.4, VKSND TP.HCM kháng nghị bản án ly hôn sơ thẩm giữa bà Thảo và ông Vũ. Trước hết, về yêu cầu giải quyết phản tố của ông Vũ, VKS cho rằng tòa không giải quyết đúng thủ tục như không tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải trước khi mở phiên toà, mà lồng ghép việc này trong quá trình xét xử, không được sự chấp nhận của bà Thảo là vi phạm nghiêm trọng Điều 48, 202, 203, 208 và 210 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Về tài sản, yêu cầu phản tố thể hiện ông Vũ yêu cầu xem xét số tiền hơn 1.764 tỷ đồng; tuy nhiên, trong bản án của tòa thì số dư chỉ còn 1.313 tỷ đồng. VKS cho rằng tòa không xác minh nguồn gốc dòng tiền, số tiền ra vào tài khoản và mục đích sử dụng cũng như người nào quản lý số tiền này. Điều này dẫn tới việc khó khăn cho thi hành án.

Bên cạnh đó, việc tòa án phân chia tài sản theo tỷ lệ ông Vũ 60%, bà Thảo 40%, cơ quan công tố cho rằng không phù hợp Luật Hôn nhân Gia đình. Việc giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ số cổ phần tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và trả chênh lệch cho bà Thảo bằng tiền là không công bằng.

VKS nêu quan điểm cổ phần chưa được tính giá trị, giá trị thương hiệu; cổ đông còn có các quyền quản trị công ty, quyền tài sản đối với cổ phần, quyền được chia cổ tức, quyền về thông tin kiểm soát trong công ty. Do đó, nếu chia cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần tại 7 công ty là đã tước toàn bộ quyền của bà Thảo.

Ngoài ra, tổng tài sản của ông Vũ và bà Thảo là hơn 5.655 tỷ đồng nhưng bản án tính giá trị 5.738 tỷ đồng, chênh lệch 82 tỷ đồng. Việc sai số này dẫn đến tỷ lệ được hưởng không đúng và sai sót khi tính án phí.

Phán quyết của tòa ghi nhận việc ông Vũ sẽ cấp dưỡng cho 4 người con mỗi năm 10 tỷ tính từ năm 2013 đến khi các cháu trưởng thành, lao động và tự lập, theo VKS là chưa phù hợp với ý chí các đương sự tại phiên toà, gây khó khăn cho việc thi hành án.

{keywords}
Bà Thảo và ông Vũ tại toà. Nguồn: VNE

Ngoài ra, khi tuyên án tòa đã không đình chỉ giải quyết các yêu cầu khởi kiện và phản tố đã rút là thiếu sót. Việc tuyên giao bà Thảo quản lý, sử dụng giá trị quyền sử dụng đất, sở hữu giá trị tài sản trên đất là không chính xác bởi vì bà Thảo được sở hữu tài sản chứ không phải sở hữu giá trị tài sản.

Bên cạnh đó, bản án tuyên đình chỉ tất cả yêu cầu khác của các bên đương sự đối với các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên phát sinh trong các hoạt động kinh doanh thương mại với tư cách là cổ đông và thành viên công ty, cũng như các hoạt động khác về kinh doanh thương mại liên quan đến tất cả công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên là vượt quá yêu cầu khởi kiện của các đương sự.

Từ những lý do trên VKS TP.HCM kháng nghị bản án của TAND cùng cấp, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ theo đúng quy định của pháp luật.

(Theo Dân Việt)