Trước lo sợ từ câu chuyện của Evergrande, thị trường chứng khoán Việt Nam hôm qua (21/9) đã giảm hơn 10 điểm về 1.339 điểm. Áp lực bán mạnh khiến các cổ phiếu bất động sản lớn như VHM - Vinhomes và BCM - Becamex, mất hơn 3%.

Evergrande - doanh nghiệp bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc, đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Nhiều nhà đầu tư cũng run tay bán cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam nếu có thì chỉ là các nhà cung ứng vật liệu cho các công trình của Evergrande, còn diễn biến bán tháo nhiều cổ phiếu bất động sản trong nước chỉ là động thái tâm lý hoảng sợ ngắn hạn.

"Việc vỡ nợ của các công ty bất động sản trong thời gian gần đây là do sự thay đổi chính sách nhanh và mạnh của Chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là việc áp trần giá bán nhà từ cuối 2020, tác động tới thị trường cho vay nhà ở khiến lợi nhuận của công ty bất động sản giảm bất thường và đứt thanh khoản. Còn với doanh nghiệp bất động sản Việt Nam, hiện tại tình trạng sức khỏe tốt hơn rất nhiều trên bình diện chung, ví dụ lợi nhuận gộp hiện tại từ 40 - 60%, trong khi thời đỉnh cao Trung Quốc cũng chỉ 30 - 35%", ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, cho biết.

“Bom nợ” Evergrande và lời cảnh tỉnh cho trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 1.

8 tháng đầu năm, nhóm bất động sản có tổng khối lượng phát hành trái phiếu 107,98 nghìn tỷ đồng, cao thứ 2 thị trường. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Tuy nhiên, vụ việc Evergrande vẫn là lời cảnh báo để các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam nhìn nhận lại khả năng trả nợ của mình khi phát hành trái phiếu ồ ạt trên thị trường hiện nay.

Hiện phát hành trái phiếu vẫn là cuộc đua song mã của ngân hàng và bất động sản. 8 tháng đầu năm, nhóm bất động sản có tổng khối lượng phát hành 107,98 nghìn tỷ đồng, cao thứ 2 thị trường. Trong đó, có khoảng 21,6% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu, nhưng lại đi phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn, đồng nghĩa giá trị cổ phiếu bị pha loãng và tài sản đảm bảo cho trái phiếu cũng "bay hơi". Trái chủ là nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhiều khi lại là nhà đầu tư không chuyện nghiệp, được công ty chứng khoán làm thủ thuật "gắn mác".

(Theo VTV)

Xuất hiện vi phạm phát hành trái phiếu, vào cuộc thanh kiểm tra

Xuất hiện vi phạm phát hành trái phiếu, vào cuộc thanh kiểm tra

Ủy ban Chứng khoán yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.